Trong thời đại số, đổi mới sáng tạo (ĐMST) không phải là sự lựa chọn mà là sự sống còn của doanh nghiệp (DN). Vì vậy đòi hỏi các chính sách hỗ trợ phải dễ áp dụng, phù hợp với tiềm lực và trình độ phát triển của DN…
Động lực tăng trưởng kinh tế
TS.Vũ Thúy Anh – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội – nhấn mạnh, ĐMST là yếu tố quan trọng hàng đầu trong động lực tăng trưởng kinh tế, tạo ưu thế cạnh tranh. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đang hướng tới nền kinh tế ĐMST, lấy ĐMST làm động lực. Việc xây dựng nền kinh tế ĐMST thành công phụ thuộc phần lớn vào năng lực ĐMST, tức là phải xây dựng được hệ sinh thái ĐMST hiệu quả.
“Xây dựng và phát triển hệ sinh thái ĐMST có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy quá trình ĐMST và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ của DN, ngành, lĩnh vực, địa phương và quốc gia. Cách tư duy này mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia nhằm giải quyết những thách thức lớn về tăng trưởng dài hạn và quan trọng hơn góp phần gia tăng sức cạnh tranh của mỗi quốc gia trên thế giới”, bà Thúy Anh cho hay. Và theo bà Thúy Anh, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, DN khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể hỗ trợ DN khởi nghiệp phát triển; trong đó có chính sách và luật pháp của Nhà nước, cơ sở hạ tầng, vốn và tài chính, văn hóa khởi nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp.
Nói về những lợi ích mà ĐMST mang lại, TS. Dương Thị Kim Liên – Viện trưởng Viện Hỗ trợ ĐMST DN – cho biết, ĐMST giúp tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường, cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh. Ví dụ, đồ gia dụng nồi cơm điện trước khi đổi mới thì các sản phẩm có thiết kế đơn giản, chất liệu truyền thống. Sản phẩm đưa ra thị trường qua quảng cáo trên truyền hình, báo chí, tập trung vào giảm giá. Kênh phân phối qua các đại lý truyền thống. Nhưng sau khi đổi mới, sản phẩm thông minh, đa chức năng, có thể kết nối với ứng dụng điện thoại, điều khiển từ xa, tự động điều chỉnh nhiệt độ. Kênh phân phối, bán hàng trực tuyến, xây dựng hệ thống cửa hàng hiện đại được mở rộng. Ngay cả máy móc, quy trình sản xuất trước khi đổi mới đều thủ công. Còn sau đổi mới, máy móc hiện đại, tự động hóa, ứng dụng công nghệ internet vạn vật trong sản xuất. Rõ ràng, ĐMST giúp DN khai thác các thị trường mới, tăng trưởng doanh thu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên các thị trường.
Cũng theo bà Liên, đi cùng cơ hội thì DN ĐMST sẽ gặp không ít thách thức. ĐMST đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, marketing và mở rộng thị trường. Mặt khác, không phải dự án đổi mới nào cũng thành công, việc thất bại có thể gây ra tổn thất lớn về tài chính. Việc tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, ngân hàng không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt đối với các DN khởi nghiệp. Và không phải DN nào cũng có đủ nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm để thực hiện các dự án đổi mới.
Cơ chế chính sách cần đi vào thực tiễn
Hiện có khá nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DN thực hiện ĐMST về nâng cao năng lực, thiết bị công nghệ, tín dụng. Trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhấn mạnh đến việc hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Các DN hoạt động trong lĩnh vực ĐMST được ưu tiên nhận các khoản vay lãi suất thấp và các khoản hỗ trợ tài chính khác. Trong Luật Đầu tư cũng đề cập DN sản xuất ra sản phẩm ĐMST sẽ được ưu đãi trong đấu thầu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách cho ĐMST cần thống nhất thì việc áp dụng mới đi vào thực tiễn được.
Ông Nguyễn Trường Phi – Trưởng phòng ĐMST, Cục Phát triển công nghệ và ĐMST, Bộ Khoa học Công nghệ – cho biết: “Cơ chế chính sách tương đối nhiều nhưng đâu đó đang bị rối. Ví dụ, DN khoa học công nghệ có nhiều chính sách hỗ trợ tương đối đặc thù như miễn thuế, giảm thuế nhưng khi đi vào điều khoản thực hiện cụ thể thì rất khó. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu hội nhập, DN hiện nay phải xử lý khá nhiều vấn đề về chất lượng, kỹ thuật sản phẩm, mức độ tích hợp ngày càng cao. Chưa kể, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay cũng khá khó khăn”.
Theo ông Phi, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, chiếm tương đối nhiều hàm lượng thị phần của thế giới, giúp DN Việt dễ dàng đưa sản phẩm ra thế giới và ngược lại DN thế giới cũng dễ dàng đưa sản phẩm vào Việt Nam. Nếu DN Việt không cẩn thận có thể sẽ thua trắng trên sân nhà trước khi mang sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Để giải quyết những tồn tại đòi hỏi cần nhiều bên liên quan hỗ trợ DN. Quan trọng hơn cả là những chính sách hỗ trợ này cần phù hợp với tiềm lực và trình độ phát triển của từng nhóm DN. Dựa trên yêu cầu, mục tiêu phát triển có 4 nhóm: DN lớn và đi đầu, DN nhỏ và vừa, DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo. Để đáp ứng được nhu cầu cần có cơ chế chính sách chung cho từng nhóm để hấp thụ được các chính sách dễ dàng hơn…
Ông Phi thông tin, Bộ Khoa học Công nghệ đang dự thảo nghị định cấp Chính phủ với mong muốn giải quyết sự thiếu đồng bộ trong cơ chế chính sách hiện hành, qua đó giúp DN thuận tiện trong việc theo dõi và áp dụng.
Bà Thạch Lê Anh – nhà sáng lập VietNam Silicon Valley – nhấn mạnh, muốn ĐMST đi vào cuộc sống, đặc biệt vào trong DN phải có bệ đỡ là vốn. Vì vậy, cần khuyến khích hỗ trợ khối tư nhân thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm và có chính sách miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển DN. Đặc thù của mô hình đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người – Dám thay đổi, chấp nhận thử nghiệm và chấp nhận thất bại để đạt được thành công. Việt Nam với lợi thế 100 triệu dân và GDP tăng trưởng hàng năm sẽ nhanh chóng trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các DN nhắm tới.
Minh Phương
Bình luận (0)