Thực hiện chuyến du lịch vòng quanh nước Nga qua ứng dụng của công nghệ thông tin, thiết kế poster, phim hoạt hình… là những sáng tạo được giáo viên và học sinh lớp 11A17 Trường THPT Thủ Đức (TP.HCM) thực hiện trong tiết học môn địa lý – bài 8: Chủ đề Liên bang Nga. Điều đặc biệt là tiết học còn được kết nối với các học sinh lớp 10 chuyên Nga Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội).
Giáo viên và học sinh lớp 11A17 Trường THPT Thủ Đức trong tiết học môn địa lý – bài 8: Chủ đề Liên bang Nga
Theo đó, tiết học bài Liên bang Nga không còn bị bó hẹp trong không gian phòng học truyền thống, kiến thức bài học cũng không còn gói gọn trong sách giáo khoa. Thực hiện tiết học, giáo viên chia học sinh trong lớp thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm có nhiệm vụ xây dựng và thuyết trình các video, sơ đồ tư duy xung quanh nội dung kiến thức bài học như vị trí địa lý, đặc điểm dân cư, văn hóa… của nước Nga. Trong quá trình học sinh trình bày, giáo viên cho các em nghe bài Quốc ca của nước Nga. Kết thúc phần trình bày, các nhóm cùng nhau trả lời các câu hỏi trắc nghiệm về nội dung bài học trên ứng dụng Kahoot. Mọi tiến trình của tiết học đều có sự tham dự của điểm cầu Hà Nội với những cái vẫy tay động viên thân thương. Điều đặc biệt là trong tiết học, điện thoại thông minh và máy tính trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho việc học của học sinh. “Trước khi tiết học bắt đầu, học sinh 2 trường đã có phần giao lưu với nhau. Tại TP.HCM, các em giới thiệu đến điểm cầu Hà Nội về thành phố mình đang sống, về thành phố Thủ Đức mới được thành lập và Trường THPT Thủ Đức qua các sản phẩm công nghệ. Song song đó, tại điểm cầu Hà Nội, các em cũng giới thiệu đến bạn bè ở TP.HCM về Hà Nội, về ngôi trường mà mình đang học tập… Nghĩa là trước khi chu du thăm nước Nga xa xôi thì học sinh lớp 11A17 đã có chuyến trải nghiệm Hà Nội rất thực tế”, cô Lê Thị Hồng Quế (giáo viên môn địa lý Trường THPT Thủ Đức) chia sẻ. Trong khi đó, em Nguyễn Vũ Ngọc Hân (thành viên lớp 11A17) cho biết tiết học thực sự rất thú vị, không chỉ giúp học sinh mở mang thêm kiến thức mà còn được gặp gỡ nhiều bạn bè, hiểu hơn về thủ đô Hà Nội. “Trong tiết học, chúng em được sử dụng điện thoại thông minh và máy tính để tìm kiếm, mở rộng thêm kiến thức. Điều này giúp chúng em nâng cao ý thức tự giác khi sử dụng điện thoại để phục vụ cho tiết học”, Ngọc Hân nói.
“Khi trao cho học sinh cơ hội để tự làm, tự thiết kế, tự trình bày, giáo viên sẽ biết các em yếu ở đâu, hổng ở phần kiến thức nào để củng cố”, cô Hồng Quế nhìn nhận. |
Đây là lần đầu tiên cô Hồng Quế mạnh dạn cho học sinh học tập bằng hình thức kết nối trực tuyến với học sinh trường bạn, khai thác triệt để các ứng dụng của công nghệ thông tin thông qua sản phẩm của học sinh làm. “Việc đổi mới trên thực tế đã giúp tiết học trở nên thú vị hơn, học sinh được trao nhiều hơn cơ hội để tìm hiểu, làm chủ, mở rộng kiến thức bài học cũng như nâng cao các kỹ năng, năng lực, cách thức làm việc nhóm. Đối với giáo viên, việc đổi mới trước hết là thử thách chính bản thân mình, mang lại nguồn năng lượng để bản thân chuyển đổi, tìm tòi nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin, đánh giá học sinh. Khi trao cho học sinh cơ hội để tự làm, tự thiết kế, tự trình bày, giáo viên sẽ biết các em yếu ở đâu, hổng ở phần kiến thức nào để củng cố”, cô Hồng Quế nhìn nhận.
Không chỉ vậy, cô Hồng Quế cho rằng việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là yếu tố tất yếu khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn địa lý trở thành môn học tự chọn. “Địa lý là bộ môn rất gần với thực tế. Nếu giáo viên không thay đổi, không đổi mới từng tiết dạy thì sẽ vẫn cũ kỹ, học sinh thấy nhàm chán và việc “không chọn môn địa lý” là điều trước sau gì cũng xảy ra”, cô Hồng Quế nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)