Ngày 3-7, gần một triệu thí sinh trong cả nước sẽ đến các địa điểm thi tuyển sinh đại học để làm thủ tục chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng vào ngày 4-7 và sáng 5-7. Chưa đến ngày thi nhưng không khí căng thẳng đã được thể hiện qua các chuyến xe ô tô chật cứng đưa các sĩ tử và người nhà về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; qua các khuôn mặt lo âu của các thí sinh lần đầu tiên về thành phố; qua những câu chuyện ở các làng quê nghèo tất bật chuẩn bị cho con đi thi…
Ảnh minh họa/ Internet
|
Ở Việt Nam, thi cử thực sự là gánh nặng, trong đó kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là kỳ thi quan trọng và căng thẳng nhất. Học sinh, phụ huynh căng thẳng đã đành, đến cả các ngành công an, giao thông công chính, y tế, chính quyền các cấp… cũng đã phải “lao tâm, khổ tứ” chuẩn bị cho kỳ thi. Với những gia đình nghèo ở nơi tỉnh lẻ đó là gánh nặng thực sự. Nào là chuẩn bị tiền, chuẩn bị người đưa con đi, chuẩn bị chỗ ăn, chỗ nghỉ cho con… Chỉ tính riêng chi phí cho việc tổ chức kỳ thi cũng đến hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là có thể đổi mới thi cử để giảm gánh nặng đó được không?
Xưa nay, thi cử vẫn là khâu quan trọng để đánh giá việc dạy và học. Học sinh ở nước ta đã quá quen thuộc với các kỳ thi. Nhiều cháu đã phải thi ngay từ “đầu vào lớp 1”, rồi thi tuyển sinh vào trung học cơ sở, vào trung học phổ thông, thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh đại học. Mỗi kỳ thi đều là cần thiết nhưng nếu tổ chức khoa học, hợp lý thì sẽ giảm đi gánh nặng. Chẳng hạn, như việc tuyển sinh đại học, cao đẳng, nếu chỉ tập trung thi ở các thành phố lớn thì ngành giáo dục sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng các thí sinh ở tỉnh xa sẽ thiệt thòi và toàn xã hội sẽ tốn kém hơn. Nếu tổ chức thi tại các địa phương thì ngành giáo dục sẽ vất vả hơn nhưng các thí sinh sẽ thuận lợi hơn và toàn xã hội sẽ tiết kiệm hơn.
Cũng có thể cải tiến khâu tuyển sinh đại học, cao đẳng bằng cách tổ chức nhiều kỳ thi trong năm như một số nước đang tiến hành hoặc phân loại từng đại học, cao đẳng để có thể tổ chức thi tuyển sinh ở một số trường trọng điểm, còn lại là xét tuyển trên cơ sở kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Để hạn chế số người dự thi đại học-yếu tố tạo nên sự căng thẳng nhất của kỳ thi, có thể mở thêm những hướng đi khác cho các em bằng con đường học nghề, học trung cấp… Điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền để các em và gia đình của các em tự nguyện chọn những hướng đi này.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ được tổ chức chiều 1-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, bộ đang tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân để nghiên cứu đổi mới thi cử trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Chúng ta hy vọng vào sự đổi mới này để có thể giảm bớt gánh nặng thi cử.
Trước mắt, với cách tổ chức thi tuyển sinh đại học như hiện nay, chúng ta vẫn có thể giúp thí sinh và gia đình giảm bớt khó khăn bằng những hình thức tiếp sức mùa thi, từ hoạt động tình nguyện của sinh viên, đến những bữa cơm miễn phí, nhà trọ miễn phí, dịch vụ giá rẻ, hay chỉ đơn giản là cái nhìn thân thiện…
Thi cử hiện đang là gánh nặng. Cần nhanh chóng nghiên cứu đổi mới thi cử để trút gánh nặng này.
Theo Đỗ Phú Thọ
(QĐND)
Bình luận (0)