Một đòi hỏi bức thiết mà Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu ra là phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Song triển khai đổi mới cụ thể như thế nào là vấn đề chúng ta phải quan tâm.
Vấn đề đặt ra
Theo quan điểm của chúng tôi, giáo dục chính quy trong những năm ở bậc học phổ thông là nền tảng, là bệ phóng không thể thiếu cho học tập suốt đời. Vì thế, chỉ đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông khi chúng ta thấy giáo dục phổ thông cần có sự thay đổi. Và vì tầm quan trọng của nó, trước khi tiến hành đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông cần phải có những đánh giá từ các cơ quan nghiên cứu giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Minh Trinh – Trường ĐH Bách khoa TPHCM đang hướng dẫn về hệ thống nhiệt điện. Ảnh: MAI HẢI
|
Ở Mỹ, khi xây dựng chiến lược giáo dục năm 2000, họ đã có những nghiên cứu để đánh giá toàn diện thực trạng nền giáo dục. Tháng 4-1983, Ủy ban giáo dục chất lượng cao của Mỹ đã đưa ra báo cáo “Đất nước đang ở vào thế lâm nguy: thực hiện cải cách giáo dục là tất yếu”. Trong báo cáo này, ủy ban nói trên đã đưa ra hàng loạt các chỉ số nguy cơ.
Báo cáo của ủy ban này đã chỉ ra rằng, nước Mỹ muốn tránh được các nguy cơ ấy thì phải tiến hành cải cách giáo dục. Từ kinh nghiệm của nước Mỹ, để có thể tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà chúng ta cần phải có những nghiên cứu, đánh giá về giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng trong thời điểm hiện nay.
Việc này theo như chúng tôi biết chưa được làm một cách đầy đủ (hay làm rồi mà chưa công bố hoặc công bố trong phạm vi nhỏ mà chúng tôi không hoặc chưa được biết). Tôi biết chắc rằng nhiều giáo viên phổ thông chưa bao giờ được nghe nói tới những đánh giá cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Đánh giá là một khoa học. Kết luận của đánh giá là những bằng chứng đầy đủ hoặc tương đối đầy đủ về giáo dục phổ thông kể từ sau khi thay sách giáo khoa mới đến nay, mới có thể đưa ra những nhận định chính xác (có tính khoa học) về giáo dục phổ thông. Và nếu chúng ta cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục phổ thông (tầm nhìn tương lai) đến năm 2025 hoặc 2030.
Sở dĩ chúng tôi đặt việc xây dựng chiến lược dài hạn giáo dục phổ thông vì chu kỳ thay đổi của một bậc học phổ thông là 12 năm, một chiến lược chỉ có thể sống được với ít nhất 2 lần hơn khoảng thời gian ấy và còn vì giáo dục có sức ì, có quán tính lớn.
Trong việc xây dựng chiến lược cần phải đặt ra mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn đó là gì? Và để đạt được mục tiêu ấy, nhà trường (phổ thông và sư phạm – đào tạo giáo viên) phải thực hiện những mục tiêu chủ yếu nào trong các mục tiêu chung.
Những việc cần làm
Những việc cần làm
Theo tôi, nếu thực hiện việc đổi mới toàn diện giáo dục, đối với giáo dục phổ thông cần phải làm được các việc sau đây:
Một là, phải tổ chức đánh giá toàn diện giáo dục phổ thông. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để xem xét cần đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng nào? Chương trình, nội dung, phương pháp, nhà trường cùng cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Ai/tổ chức nào sẽ là người đánh giá? Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, một ủy ban trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội sẽ làm việc này.
Hai là, dựa trên kết quả đánh giá, nếu thấy cần thay đổi chương trình thì phải xây dựng mới chương trình phổ thông, thay thế chương trình hiện nay. Muốn xây dựng chương trình học phù hợp phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về xây dựng chương trình (đối tượng giáo dục, khung thời gian, chuẩn kiến thức và kỹ năng cần đạt, kỹ thuật đánh giá, tính thống nhất…).
Chương trình của các nước tiên tiến được xây dựng không giống chương trình giáo dục phổ thông mà chúng ta đã xây dựng và ban hành. Chương trình của chúng ta được biên soạn quá chi tiết, đến mức người giáo viên “không cần phải làm thêm một điều gì”, mặc dầu các trường phổ thông vẫn yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án và trình nó trước tổ bộ môn.
Ở một số nước phát triển, từ chương trình, giáo viên của từng trường phải soạn những bài giảng cụ thể. Việc làm này được coi là biên soạn các bài giảng. Thường các giáo viên cùng tổ bộ môn trong trường chung tay soạn thảo. Vì thế, các bài soạn giảng trong các trường không giống nhau như giáo viên của chúng ta vẫn làm. Ở Úc, các trường thường tổ chức thi bài soạn. Ở ta, hiện nay giáo viên chưa thể soạn các bài giảng. Vì sao vậy? Vì trường đại học chưa dạy môn xây dựng chương trình học ở các trường đào tạo giáo viên.
Vì thế, một lần nữa chúng tôi đề nghị, trong chương trình bậc đại học có đào tạo giáo viên phải đưa môn chương trình học vào như là một môn học bắt buộc. Với các giáo viên đã ra trường, chưa được học môn học về xây dựng chương trình, cần phải được học môn học này trong phần bồi dưỡng giáo viên hàng năm do các sở giáo dục và đào tạo tổ chức – việc làm này phải xong trước thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ba là, thay đổi hình thức đánh giá. Ai cũng biết đánh giá là đo thành quả, không đo được quá trình, nhất là đo quá trình của một học sinh, một giáo viên, một cơ sở giáo dục. Trong số các đối tượng cần đánh giá chúng tôi nêu ra ở trên, đối tượng học sinh là quan trọng. Phải xây dựng cho được bộ công cụ và cách thức đánh giá học sinh, đảm bảo sự công bằng. Đánh giá để làm cơ sở so sánh sự tiến bộ của học sinh, để so sánh cơ sở giáo dục này với cơ sở giáo dục khác.
Đánh giá phải mang tính khách quan và tiệm cận sự chính xác, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố tiêu cực khi đánh giá kết quả học tập của học sinh và của cơ sở đào tạo, tạo niềm tin cho phụ huynh, cộng đồng với các cơ sở đào tạo. Như vậy, một trong những trọng tâm trong đợt đổi mới toàn diện này là đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá.
Bốn là, hình thành hiệp hội nghề. Hiện nay, chúng ta đã có chuẩn nghề nghiệp giáo viên các bậc học. Vấn đề ở chỗ ai là người kiểm tra giáo viên xem có đạt chuẩn nghề nghiệp? Các trường đại học đào tạo giáo viên phải căn cứ trên chuẩn nghề nghiệp giáo viên để làm căn cứ xây dựng chuẩn đầu ra, còn việc kiểm tra xem người được đào tạo có đáp ứng chuẩn hay không phải do một tổ chức nghề nghiệp thực hiện và cấp phép. Hiện nay, các sở giáo dục của chúng ta làm việc này.
Theo tôi, cần phải xây dựng các hiệp hội nghề và hiệp hội giáo viên sẽ là người cấp phép hành nghề giáo viên. Đồng thời, hiệp hội giáo viên sẽ có thể được giao công tác kiểm định các cơ sở đào tạo.
Còn nhiều việc phải làm khi tiến hành đổi mới toàn diện giáo dục. Những ý kiến chúng tôi nêu ra chỉ là đóng góp nhỏ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành”. “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.
|
PGS-TS NGUYỄN KIM HỒNG
(Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
(Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Theo SGGP
Bình luận (0)