Có một thực trạng hiển nhiên là việc đưa ngoại ngữ vào trường phổ thông ở Việt Nam quá chậm trễ và nhiều lúng túng. Hiệu quả nói chung là thấp. Ngay cả bậc ĐH, sinh viên tốt nghiệp vẫn chưa sử dụng được ngoại ngữ để giao tiếp thông thường, nhất là để đi du học.
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, trình độ ngoại ngữ để hội nhập thế giới của sinh viên Việt Nam hiện nay được coi là đáng báo động. Vấn đề này cần phải đổi mới căn bản và toàn diện.
Xác định rõ mục tiêu chiến lược
Việc xác định mục tiêu chiến lược cho môn ngoại ngữ trong chương trình bậc phổ thông cần quán triệt đến từng người học kể cả những em mới cắp sách đến trường, nhằm tạo ra động lực tích cực, hứng thú ở mỗi người. Theo đó, cần có mục đích gần và xa. Gần là để nâng cao tri thức (tri thức chung và tri thức nhất định về văn hóa của nước khác). Xa hơn một chút là tiếp tục học khi ra đời hoặc tiếp tục học lên cao (TCCN hoặc ĐH). Ngay trong khi học, học sinh có thể học bổ trợ qua các sách tham khảo hoặc sử dụng thông tin mạng (nếu có điều kiện) ở bậc trung học. Xa hơn nữa là tạo tiềm lực lâu dài để đủ sức hội nhập văn hóa trong thế giới mới…
Học sinh THPT tại TP.HCM học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ. Ảnh: N.Anh |
Nhìn rộng ra, ở phạm vi vĩ mô, sách lược ngoại ngữ là một phương tiện và một vũ khí để hội nhập nhanh trong tình hình một thế giới phẳng với yêu cầu toàn cầu hóa và đáp ứng với văn minh hiện đại. Những yêu cầu giao lưu văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội… có tính chất quốc gia có sức mạnh thu hút hứng thú mạnh mẽ của một bộ phận đáng kể lao động kỹ thuật, kể cả trình độ cao – xuất khẩu lao động và chuyên gia – trong tương lai không xa.
Thực hiện những nhóm giải pháp tích cực cần kíp
Thứ nhất là quyết định nhanh chóng, chính xác chủ yếu việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc học phổ thông (12 năm). Chúng ta đã qua nhiều giai đoạn bất cập về quan niệm nên lúng túng, quá dè dặt trong việc lựa chọn và đưa ngoại ngữ chính thống vào trường phổ thông. Nhìn xa hơn, ở bậc ĐH càng thấy rõ khiếm khuyết này. Hiện nay, theo chương trình mới có thể xác định tiếng Anh là ngoại ngữ chính thức duy nhất và cần mạnh dạn đưa vào dạy từ lớp 1. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy thế hệ học từ thời thuộc Pháp buộc phải học từ lớp đồng ấu (lớp 1) đến hết bậc thành chung (THCS) nắm vững được tiếng Pháp như một công cụ đắc lực để vào đời. Khoa học tâm lý đã có kết luận: Trẻ em có thể học ngoại ngữ từ rất sớm. Bởi lẽ từ 3-8 tuổi là thời kỳ phát cảm về ngôn ngữ.
Không ít phụ huynh lo lắng sợ trẻ quên tiếng Việt hoặc mất phân biệt giữa hai loại ngôn ngữ. Thực tế chứng minh ngược lại, trẻ thông minh hơn ta tưởng, học ngoại ngữ sớm có nhiều khả năng phát triển tư duy.
Thứ hai, chuẩn hóa việc dạy và học ngoại ngữ. Giáo viên dạy ngoại ngữ phải được đào tạo ở trường chính quy của Bộ GD-ĐT (đào tạo và đào tạo lại). Hiện nay tình trạng nhiều giáo viên không đạt chuẩn là phổ biến ở trường phổ thông và cả ở bậc ĐH. Có thể có nhiều trình độ cho các cấp, có lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Kiên quyết chấm dứt tình trạng dạy “chui” ngoại ngữ ở các trường, lớp mẫu giáo vì lợi bất cập hại. Nên tranh thủ Việt kiều hoặc người bản xứ có khả năng sư phạm, được huấn luyện sư phạm và có sự quản lý của cơ quan giáo dục địa phương. Nhiều năm nay ngành giáo dục ở nhiều địa phương đã sử dụng giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ trong hệ thống trường phổ thông có kết quả. Học sinh phải được chuẩn hóa về trình độ theo tiêu chí của trường lớp, từng cấp (về nghe, đọc, nói, viết) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD-ĐT ban hành (năm 2014).
Thứ ba, sớm soạn thảo, ban hành một bộ sách giáo khoa ngoại ngữ đổi mới. Cụ thể, sách giáo khoa theo chương trình thống nhất trong trường phổ thông 12 năm (và giáo trình ĐH cho sư phạm chuyên ngành). Bộ sách này phải đạt được các yêu cầu tiêu chí về nội dung (định lượng, định tính) của Bộ GD-ĐT, bao quát được mục tiêu gần và xa, thiết thực và nâng cao, mở rộng. Ngoài ra, bộ sách phải được thẩm định của Hội đồng quốc gia có thẩm quyền bao gồm nhiều thành phần: Giáo dục, tâm lý, ngôn ngữ, văn hóa… và chuyên viên ngoại ngữ cao cấp giữ vai trò chủ đạo. Sách có những hướng dẫn về tổ chức, phương pháp giảng dạy; hướng dẫn thực hành cho giáo viên (sách giáo viên) và hướng dẫn cụ thể cho học sinh (học sinh vùng sâu, vùng xa có hướng dẫn thêm).
Có thể nói, thành công của việc dạy và học ngoại ngữ được xem là sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó chủ lực không ai khác là người thầy – chủ thể đào tạo và học sinh – chủ thể tiếp nhận và sáng tạo.
Đoàn Trọng Huy
Thành công của việc dạy và học ngoại ngữ được xem là sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó chủ lực không ai khác là người thầy – chủ thể đào tạo và học sinh – chủ thể tiếp nhận và sáng tạo. |
Bình luận (0)