Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đổi mới trong tuyển sinh Đại học 2011: Nhiều kẽ hở đang bị lợi dụng

Tạp Chí Giáo Dục

“Nếu cứ để cho hệ ngoài ngân sách (NNS) tồn tại, e rằng sau này trường ĐH nào cũng mở hệ NNS và sẽ không cần đến ngân sách của Nhà nước nữa!”. 
Hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TP.HCM đã bức xúc như thế về hệ NNS ở một số trường ĐH hiện nay. Không chỉ có thế, những “điều chỉnh” trong công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 của Bộ GD-ĐT dường như không phát huy tác dụng mà còn đang bị… lợi dụng.
Hệ “ngoài” ngân sách: tái diễn bất công
Nói một cách dễ hiểu: những thí sinh (TS) hệ NNS đều là những TS trúng tuyển vào các trường theo chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao. Về nguyên tắc, tất cả những TS này sẽ đóng một mức học phí bằng nhau, nhưng dựa vào điểm số, các trường đã “tách” những TS có điểm trúng tuyển thấp ra, bắt đóng học phí cao hơn bốn – năm lần so với mức bình thường do Nhà nước quy định. Cách làm này là sai trái vì Bộ GD-ĐT chưa hề có quy định nào cho phép các trường được tuyển hệ NNS và càng không được phép “tách” những TS trúng tuyển thành hai diện “trong” và “ngoài” ngân sách. Bất công còn nằm ở chỗ: khi “đẻ” ra hệ NNS với mức học phí cao, chắc chắn sẽ xảy ra tình huống có những TS trúng tuyển nhưng không có khả năng đóng học phí cao, sẽ bị “bật” ra và đây sẽ là cơ hội cho những TS có điểm thấp hơn, nhưng có tiền, “nhảy” vào.
Việc “đẻ” ra hệ NNS khiến người ta nhớ lại chuyện “phân biệt đối xử” giữa hệ A (không đóng tiền) và hệ B (phải đóng tiền) trong GDĐH và hệ bán công trong GD phổ thông đã bị khai tử từ nhiều năm trước. Gần đây, sau khi báo chí phát hiện và phê phán một số trường ĐH công đã tuyển sinh hệ NNS vào kỳ tuyển sinh năm 2009, Bộ GD-ĐT đã quyết tâm dẹp hệ này. Chẳng hiểu sao đến năm nay, hệ NNS lại “tòi” ra ở các trường ĐH Y Dược TP.HCM, Học viện Bưu chính viễn thông, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch…

Cùng vượt qua kỳ thi tuyển sinh ĐH đầy cam go, nhưng chỉ cần thấp hơn bạn 0,5điểm, TS có thể bị xếp vào hệ “ngoài” ngân sách và phải đóng học phí cao gấp bốn-năm lần mức bình thường

Ai cũng hiểu, với học phí cao gấp bốn – năm lần mức bình thường, nếu tách 600 TS trúng tuyển ra hệ NNS, ĐH Y Dược TP.HCM sẽ thu được một khoản kinh phí tương đương với 2.400 SV “trong” ngân sách. “Nếu vụ việc không được Bộ xử lý nghiêm, các trường ĐH khác sẽ đồng loạt “học tập” mở hệ NNS. Khi đó, các trường ĐH công sẽ biến thành ĐH tư hết” – vẫn là vị hiệu trưởng trên bức xúc.
“Loạn” xét tuyển theo điều 33
Dù không chấp nhận hạ điểm sàn theo kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nhưng Bộ GD-ĐT lại “bí mật” cho nhiều trường được áp dụng điểm c, khoản 1, điều 33 Quy chế tuyển sinh hiện hành (gọi tắt là điều 33) nhằm gia tăng điểm ưu tiên (đối tượng và khu vực) để tuyển được thêm nhiều TS, cụ thể là các trường ĐH Bình Dương, ĐH quốc tế Miền Đông, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Hà Tĩnh… Tiếp theo đó, Bộ lại có văn bản cho phép các trường ĐH, CĐ được “tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng”, việc tuyển sinh cũng được áp dụng theo điều 33.
Mục đích của điều 33 là để tạo điều kiện cho các trường có thêm nguồn tuyển; TS cư ngụ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số… có thêm cơ hội vào ĐH khi điểm trúng tuyển được hạ xuống thấp nhất là 8 điểm; và quan trọng hơn cả là để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các địa phương. Nhiều trường đã không bỏ lỡ “cơ hội” này, phớt lờ các điều kiện ràng buộc là: Chỉ áp dụng tuyển những TS trên địa bàn tỉnh (đối với các trường đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương); hoặc chỉ được tuyển những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số với điều kiện UBND các tỉnh sẽ phải có đề xuất, phối hợp với các trường trong quá trình tuyển sinh, quản lý người học trong suốt quá trình đào tạo, tiếp nhận và phân công công tác cho người học sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, Trường ĐH Trà Vinh ra thông báo tuyển và đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhưng không giới hạn vùng tuyển và cũng không có địa phương nào có văn bản đề nghị, ràng buộc hay cam kết gì, người học hoàn toàn tự túc học phí. Việc đào tạo không chỉ dừng ở Trà Vinh mà còn vươn xa ra các tỉnh Sóc Trăng, Long An và Đồng Nai, dù ở Long An đã có Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An và ở Đồng Nai có ĐH Lạc Hồng và ĐH Đồng Nai. Tương tự, ĐH Bình Dương cũng ra thông báo tuyển sinh hệ này mà không phân biệt hộ khẩu…
Lợi dụng chủ trương tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng, ở phía Bắc, các công ty môi giới cũng xuất hiện nhằm hợp thức hóa việc tuyển sinh cho các trường kiểu như Công ty cổ phần đầu tư phát triển GD-ĐT Thanh Hóa ký kết với ĐH Mỏ địa chất, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hà Nội ký kết với ĐH Thương mại. Học viện Tài chính cũng có thông báo tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng với mức học phí cao hơn bốn lần (620.000 đ/tín chỉ) so với hệ đào tạo bình thường (150.000 đ/tín chỉ), nhưng người học tự lo học phí và ra trường tự đi xin việc.
Những trường được tuyển sinh theo điều 33 luôn là một “bí mật” từ nhiều năm qua và năm nay vẫn tiếp tục là một “bí mật”. Điều này càng làm cho các trường ĐH khác nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong cơ chế “xin-cho” của Bộ GD-ĐT.
Nguyện vọng 2, 3: khó tránh may rủi!
Điểm mới khác trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay là Bộ yêu cầu các trường ĐH phải liên tục cập nhật thông tin về tình hình TS đăng ký xét tuyển NV2, NV3 theo 15 mục thông tin, đồng thời cho phép TS tùy thích nộp và rút hồ sơ ở các trường. Với cách làm này, Bộ hy vọng sẽ tạo nhiều cơ hội trúng tuyển và tránh may rủi cho TS. Tuy nhiên “cơ chế” này lại thiếu khả thi trên thực tế. Cụ thể, trong tuần qua, dù lượng hồ sơ nộp vào chưa nhiều và gần như chưa có TS nào rút hồ sơ ra, nhưng các trường ĐH vẫn không thể thực hiện được theo yêu cầu của Bộ. Ông Nguyễn Quốc Hợp – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn Hiến, cho biết, sau năm ngày, trường nhận được khoảng 400 hồ sơ NV2 (trung bình mỗi ngày chỉ nhận 80 hồ sơ) nhưng phải huy động nhân viên làm việc rất vất vả. Theo ông Hợp, phải xử lý nhiều khâu, từ nhiều máy tính, mới cho ra kết quả để công bố lên mạng. Cho nên “nếu đến giờ chót, TS ùn ùn nộp hồ sơ vào và ùn ùn rút hồ sơ ra thì không những các trường trở tay không kịp, việc xử lý thông tin rất dễ sai sót, mà sự “may rủi” đối với TS còn có thể sẽ tăng lên. Những TS ban đầu cứ tưởng là đậu có khi lại rớt vào phút chót”, ông Hợp dự đoán.
Theo Minh Nhật
(PN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)