Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đổi mới tuyển sinh: Trường phấn khởi, trường dè dặt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GD&ĐT đã có quyết định chính thức cho kỳ tuyển sinh năm 2012. Trong đó, điều đáng chú ý nhất cũng là điểm mới cho kỳ tuyển sinh sang năm là Bộ sẽ nghiên cứu bổ sung một số khối thi và cho phép các trường đại học trọng điểm, các trường đại học thuộc khối Năng khiếu – Nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, việc mở rộng khối thi nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của các ngành đào tạo, tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường và tăng cơ hội đăng ký dự thi của thí sinh. Thông tin chính thức về việc mở rộng khối thi như thế nào sẽ được bàn thảo và đưa ra tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc vào ngày 14/1/2012 tới.
Mặc dù chưa có quyết định chính thức nhưng nhiều trường tỏ ra đồng tình cao với cách làm mới này, đồng thời một số trường cũng đã dự kiến đưa ra khối thi mới. Như trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) đưa ra khối mới là toán, lý, ngoại ngữ cho ngành công nghệ thông tin. Trường ĐH Luật TP.HCM thì dự kiến thi môn Toán, Lý, Ngoại ngữ hoặc Văn, Sử, Ngoại ngữ…
Theo Bộ GD&ĐT, phương án tuyển sinh cụ thể chính thức kỳ tuyển sinh 2012 sẽ được quyết định sau hội nghị tuyển sinh diễn ra vào 14/1/2012 tới.
Đối với việc cho phép một số trường được tuyển sinh riêng, nếu như các trường khối nghệ thuật tỏ ra tự tin nếu được chính thức cho phép sẽ tiến hành ngay trong năm 2012 thì nhiều trường ĐH trọng điểm lại tỏ ra khá dè dặt.
Hiệu trưởng trường ĐH sư phạm nghệ thuật trung ương Phạm Lê Hòa khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc cho các trường văn hóa nghệ thuật cũng như các trường có tính chất đặc thù được thi riêng. Ông Hòa cũng cho biết, trường đã sẵn sàng đề án đổi mới trong tuyển sinh, chỉ còn chờ ý kiến từ Bộ. Nếu được cho phép, thay bằng việc hai môn Văn, Sử vẫn thi chung như những năm trước, bắt đầu từ năm 2012, hai môn này sẽ do trường tự tổ chức thi.
Tuy nhiên, những trường ĐH trọng điểm, ĐHQG lại tỏ ra khá dè dặt trước việc tổ chức thi riêng. Lý do các trường này đưa ra là, cách thức thi mới có thể sẽ làm giảm số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường và quan trọng hơn là liệu các trường khác có công nhận kết quả thi của trường nếu thí sinh không đủ điểm đỗ.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, trải qua một thời gian lắng nghe ý kiến các cơ sở đào tạo, xã hội, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bắt đầu từ cuối năm ngoái Bộ GD&ĐT nhận thấy cần phải thay đổi từng bước việc tổ chức tuyển sinh. Trước mắt theo hướng các đơn vị có đủ khả năng sẽ giao trước tự tổ chức tuyển sinh và ĐHQG HN cũng là đơn vị được Bộ nhắm tới.
Khi tiếp nhận được thông báo đó, lãnh đạo ĐHQG đã báo cáo với lãnh đạo cao nhất của Bộ GD&ĐT là muốn đưa ra một đề án nhằm đổi mới toàn diện trong công tác tuyển tuyển sinh chứ không chỉ ở riêng ĐHQG. Bộ GD&ĐT có thể sử dụng nền tảng nghiên cứu khoa học của đề án này để tổ chức tuyển sinh giống như ở nước ngoài. Đó là hình thành một trung tâm khảo thí mà hàng năm người học đến đó để đánh giá năng lực học tập, tùy theo các trường có thể lấy số điểm đánh giá năng lực để xét đầu vào rồi kết hợp cụ thể từng yêu cầu của các trường đại học. Ví dụ, trường KHXHNV có thể viết một bài luận, còn ở trường nghệ thuật thì thi khả năng năng khiếu…
Tuy nhiên, vấn đề ông Giang lo ngại là hệ lụy việc triển khai đề án này thí sinh sẽ ngại thi theo cách mới mà tránh thi vào ĐHQG Hà Nội cũng như kết quả thi của trường sẽ không được công nhận ở các trường ĐH khác.
Về phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN trong năm 2012, ông Giang cho biết đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể chính thức.
Những lo ngại trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường lựa chọn giữ ổn định “3 chung” trong kỳ tuyển sinh tới.
Theo Hiếu Nguyễn

(GD&TĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)