Sự kiện giáo dụcTin tức

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía

Tạp Chí Giáo Dục

Để có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới giải quyết triệt để tình trạng nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; sáng 03/12/2009, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với báo Giáo dục tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp” dưới sự chủ trì của TS Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM…

Ông Huỳnh Công Minh – GĐ Sở GD&ĐT chủ trì buổi toạ đàm
Tới tham dự buổi toạ đàm còn có đại diện các phòng ban trực thuộc Sở GD&ĐT, ông Tạ Văn Doanh  – TBT Báo Giáo dục, cùng các đồng chí Hiệu trưởng của gần 20 đơn vị Trung học chuyên nghiệp tại TP.HCM… Mở đầu buổi toạ đàm, ông Tạ Văn Doanh – TBT Báo Giáo dục TP.HCM, cho biết: “Với vai trò là tiếng nói của Ngành Giáo dục Đào tạo TP.HCM, thời gian qua báo Giáo dục TP.HCM đã tiếp nhận nhiều kênh thông tin quan trọng; trong đó nổi cộm nhất là tình trạng đào tạo nguồn nhân lực một cách tràn lan, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Do đó việc tổ chức một buổi toạ đàm để tìm ra hướng khắc phục những khó khăn, đề ra giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng nguồn nhân lực bị DN “chê” là yếu chuyên môn, nghiệp vụ được coi là nhiệm vụ trọng tâm của buổi toạ đàm”.
Nguyên nhân từ nhiều phía
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu của gần 20 đơn vị trung học chuyên nghiệp đã "mổ xẻ" những nguyên nhân, đồng thời nêu lên những giải pháp khắc phục tình trạng nguồn nhân lực trong thời gian qua khi cung ứng ra thị trường lao động đều phải trải qua quá trình từ phía các doanh nghiệp. Các đại biểu đều thống nhất rằng hiện nay vấn đề “đào tạo lại”  từ các DN không chỉ gây bức xúc và thiệt hại cho các chủ DN, mà còn ảnh hưởng xấu tới uy tín, chất lượng đào tạo của Nhà trường. Trong đó, nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ mối liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp còn quá yếu. Dẫn chứng về mối liên kết không mấy chặt chẽ này, thầy Bùi Ngọc Oánh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nam Á, cho biết: “Ngay đến những đơn vị trong Khu chế xuất Tân Thuận, họ tuyệt đối không nhận SV thực tập bởi vì họ ngại quá trình “đào tạo lại”, sợ mất cắp công nghệ… do đó SV không có điều kiện tiếp xúc công nghệ mới nhất nên khi ra trường thường lúng túng trước những máy móc đòi hỏi thao tác kỹ thuật cao”. Đồng tình với nhận định này, thầy Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường TC KTKT Nguyễn Hữu Cảnh, bức xúc: “Nhà trường cần phải gắn kết chặt chẽ với DN để từ đó xác định mục tiêu đào tạo bởi Nhà trường không thể quán xuyến hết được việc đào tạo theo những gì mà xã hội có”. Lý giải về vấn đề này, thầy Trung cho biết: “Chẳng hạn, đối với lĩnh vực kế toán, xã hội có biết bao phần mềm, chẳng lẽ Nhà trường phải đào tạo “tất tần tật” hay sao? Thời gian, công nghệ… không cho phép, chính vì vậy Nhà trường chỉ đào tạo những phần mềm cơ bản, chuyên dụng để SV ra trường có thể đáp ứng được nghiệp vụ kế toán một cách tổng quát nhất”.
Thầy Bùi Ngọc Oánh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nam Á phát biểu tại buổi toạ đàm
Ngoài mối liên kết giữa Nhà trường và DN, một nguyên nhân nữa khiến cho nhiều đại biểu bức xúc đó là bậc đào tạo 9+3,5 = 2 bằng, thầy Đỗ Văn Hùng – PHT Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, nhận định: Việc phân luồng HS TN THCS + 3,5 năm là có thể lấy được hai bằng là chưa hợp lý; dẫn đến tình trạng hiệu suất đào tạo rất thấp. Ông Hùng, lý giải: “Ngay như bản thân trường Lý Tự Trọng – đối với bậc THCN, đầu vào HS đã yếu, chương trình giảng dạy còn nhiều bất cập, thời gian đào tạo chỉ vỏn vẹn có 2 năm. Do đó hiệu suất hàng năm chỉ đạt trên dưới 40%, vậy thì đối với bậc đào tạo 9+3,5 = 2 bằng; hiệu suất đào tạo sẽ ra sao?. Chia sẻ thêm về nguyên nhân này, thầy Nguyễn Trì – Hiệu trưởng Trường TC Tây Bắc, cũng cho biết : “ Nhiều kiến thức thuộc chương trình văn hoá khối 9+3,5 đã quá cũ, không phù hợp, không mang tính thực tiễn cao bởi quá rườm rà.
Thầy Đỗ Hữu Khoa – HT Trường TC CNTT Sài Gòn: "Cần phải sớm xây dựng chuẩn đầu ra…"
Giải pháp
Trước những nguyên nhân mà các đại biểu tham dự toạ đàm đề ra, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã có sự chỉ đạo, các trường phải phối hợp với nhau để cùng tìm ra những nguyên nhân và giải pháp; hệ thống chung lại những điều kiện để đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp tại TP.HCM nói riêng; từ đó có những phương án đề trình bày, tham mưu với các cấp, bộ ngành trong việc đổi mới và quản lý bậc THCN cả nước nói chung để đạt được hiệu quả tốt nhất. “Cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp, ban ngành… để các đơn vị đào tạo và các DN có được tiếng nói chung, cùng bắt tay nhau để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế đất nước trong tiến trình hội nhập” – ông Minh nói.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự toạ đàm cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục chuyên nghiệp tại khu vực TP.HCM; trong đó, phần lớn ý kiến đều cho rằng bản thân đơn vị đào tạo phải tăng cường đầu tư về hệ thống CSVC, nâng cao chất lượng đội ngũ GV; tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa 4 bên: Nhà trường – Doanh nghiệp – Gia đình và Xã hội; đặc biệt là phải đổi mới về phương pháp giảng dạy. Chia sẻ về vấn đề này, Thầy Đỗ Hữu Khoa – HT Trường TC CNTT Sài Gòn, đề xuất: “Cần phải sớm xây dựng chuẩn đầu ra đối với các đơn vị TCCN, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề cân đối giữa lý thuyết và thực hành”. Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại Trường TC CNTT Sài Gòn, thầy Khoa, cho biết: "Trường đã tạo điều kiện để cho các em cân đối giữa lý thuyết và thực hành; thông qua các hợp đồng với khách hàng, nhà trường tạo điều kiện để các em gia công sản phẩm để từ đó nắm bắt công nghệ một cách thành thạo…”. Đồng tình với quan điểm cũng như kinh nghiệm của đại diện Trường TC CNTT Sài Gòn, thầy Bùi Ngọc Oánh – Hiệu trưởng Trường TC Tây Nam Á, bày tỏ: “Nhà trường rất cần sự quan tâm, phối hợp của các doanh nghiệp để cùng đào tạo nên một đội ngũ lao động vững chuyên môn, nghiệp vụ trong thời gian sắp tới; đáp ứng sự phát triển ngày một mạnh của nền kinh tế đất nước”…
                   Quốc Hải

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)