Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Giáo viên trường nghề: Nhiều thiệt thòi!

Tạp Chí Giáo Dục

GV Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ hướng dẫn thực hành. Ảnh: N.Quang

Thiếu lực hút, “đầu vào” các trường nghề ngày một giảm đã kéo theo những ảnh hưởng dây chuyền khác như nguồn thu nhập của giáo viên (GV) thấp, không có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn.
Từ những nỗi buồn   
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, anh Nguyễn Ngọc T. về giảng dạy tại Trường TH Văn thư Lưu trữ TW II tại TP.HCM. Mặc dù có thâm niên gần 10 năm công tác nhưng mức lương của anh T. (cộng hết các khoản) chỉ được 1,8 triệu đồng/tháng. Một lần trò chuyện với một GV Trường CĐ Nghề TP.HCM, tôi hỏi về khoản thu nhập hàng tháng, GV này “tiết lộ” thu nhập của anh không quá 2 triệu đồng/tháng. Ông Phạm Thế Sam – Hiệu trưởng Trường TC Nông nghiệp Kỹ thuật TP.HCM thừa nhận: “Không chỉ có GV mới tuyển dụng mà ngay cả những GV được biên chế vào ngạch lương cũng rất thấp”. Theo thầy Sam, mặt bằng chung lương GV các trường TCCN, TC nghề chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, theo nhiều trưởng phòng đào tạo trường nghề, lương các GV được chuyển sang làm nhân viên văn phòng do yêu cầu của tổ chức (số lượng này trong trường nghề khá đông – PV) còn thấp hơn mức đó, thường dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Anh Ngọc T. từng than thở: “Bạn bè ra trường cùng một lúc, bằng cấp như nhau nếu giảng dạy trường ĐH, CĐ thì mức lương cao hơn 3 đến 4 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường”. Anh T. cũng cho biết, đứa em họ của anh học ĐH Kinh tế sau khi ra trường làm cho một công ty xây dựng đã có mức lương khởi điểm là 3 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm công tác, lương đã tăng lên… 7 triệu đồng/tháng. Nếu so với đồng lương của GV trường nghề rõ ràng “một trời một vực”.  
Nhưng đó chưa phải là nỗi buồn lớn nhất của GV dạy trường nghề. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy nỗi lo lớn nhất của họ là ít có cơ hội đi học tiếp. Mặc dù đã có bằng cử nhân trong tay nhưng trong thời đại ai cũng có cơ hội vào ĐH thì tấm bằng đó cũng dần mất giá. Vì thế không học lên là không được. Học để tự khẳng định mình, không học khó mà tồn tại – lời một GV trường nghề đã khẳng định. Thế nhưng tại các trường nghề do quy chế bắt buộc nên số giờ chuẩn của GV rất cao. Một GV trường nghề than: “Mỗi năm “ôm” lấy 400 tiết, GV phải quay như chong chóng mới dạy đủ chương trình, còn thời gian đâu làm việc khác?”. Về tâm lý, những GV trẻ cũng không thích đi học thạc sĩ hay nghiên cứu sinh vì lý do: chờ đợi khi nào được vào ngạch công chức để có chế độ cơ quan cử đi học đỡ mất tiền nhà, vì nếu đi học theo chế độ tự túc thì kiếm đâu ra khoản tiền lớn để lo học trong 2-3 năm.
Đến vòng luẩn quẩn    
GV TCCN có số giờ chuẩn còn cao, ít thời gian đi thực tế và làm công tác nghiên cứu khoa học. Chế độ đãi ngộ dù có thay đổi, cải tiến nhưng thu nhập vẫn còn thấp. Lo dạy đủ giờ quy định và dạy thêm để tăng thu nhập, nên nhiều GV không thể thu xếp thời gian để bồi dưỡng và học lên cao hơn – Ông Nguyễn Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường TH Văn thư Lưu trữ TW II tại TP.HCM cho biết.
Một hiệu trưởng trường nghề đưa ra “bài học xương máu”: GV sau khi lấy bằng thạc sĩ (chưa nói đến tiến sĩ) đều tìm cách bỏ trường đi nơi khác vì thu nhập bên ngoài cao hơn. Bởi thế nhiều hiệu trưởng đưa ra “bí quyết”: Muốn giữ GV ở lại trường thì chỉ có cách… không cho họ đi học. Thế là cái vòng luẩn quẩn xảy ra – GV trường nghề khó có cơ hội tự đào tạo và đào tạo lại. Họ luôn đứng trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: học thì không được, không học cũng chẳng xong.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng vậy. Nhiều trường nghề dù đứng trước khó khăn nhưng vẫn tìm cách cho GV đi học, vì theo họ nếu không học thì dần dần mất cơ hội nhất là khi tuổi tác đã cao, kiến thức lâu ngày dễ bị mai một. Ông Lê Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM đưa ra con số: “Trường có 110 GV, hiện đã có 20% trình độ trên ĐH. Bên cạnh việc cử cán bộ đi học trường còn hỗ trợ thêm một phần kinh phí để các GV khác đi học theo diện tự túc. Ai có bằng tiến sĩ nhà trường ủng hộ 15 triệu đồng, còn thạc sĩ thì cấp 10 triệu đồng”. Rõ ràng đây là cách làm rất phù hợp với tình hình thực tế của các trường TCCN, TC nghề đang nằm trong bối cảnh “thuận lợi thì ít mà khó khăn lại còn nhiều”.
Nguyễn Hoàng Anh

 

Bình luận (0)