Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Không phải trách nhiệm riêng của ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đã đến lúc các cấp lãnh đạo cần thay đổi nhận thức, đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống GDCN. Ảnh: T.L

LTS: Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển giáo dục chuyên nghiệp” đã nhận được sự hưởng ứng rất rộng rãi từ xã hội, đặc biệt là các trường TCCN và các trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN. Để khép lại diễn đàn, tòa soạn xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Th.S Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM về vấn đề này.
1. Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam (TC nghề và TCCN), hệ thống các trường TCCN tại TP.HCM có quy mô, hiệu quả đào tạo cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Hệ thống này đã góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của TP và các tỉnh lân cận. Trong đó có nhiều trường, cơ sở đào tạo đã có quá trình đào tạo lâu năm, có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ sư phạm luôn được bổ sung, học tập nâng cao trình độ tay nghề.
Song song đó, trong thời gian qua nhiều mô hình nhà trường và doanh nghiệp liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ được phát huy mạnh mẽ nên hiệu quả đào tạo ngày càng cao, tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp có việc làm ngay ngày càng nhiều. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp tiếp nhận 100% HS của nhiều ngành nghề vào làm việc. Vì vậy nhiều em HS dư khả năng thi vào các trường CĐ-ĐH nhưng đã từ chối để vào học TC…
TP.HCM có 41 trường TCCN có đào tạo hệ TCCN, trong đó có 10 trường CĐ-ĐH, 31 trường TCCN. Qui mô đào tạo tuyển sinh hệ chính qui mỗi năm khoảng 33.415 HS so với chỉ tiêu là 34.635 (đạt 96,48%), có 3.450 HS tốt nghiệp THCS (tỷ lệ:10,32%). Ngoài ra, tại TP.HCM còn có 40 trường ĐH, 28 trường CĐ, 8 trường TCCN và các cơ sở dạy nghề thuộc các bộ, ngành TW quản lý. Hàng năm, hệ thống các trường này cũng thu hút một bộ phận HS của TP vào học.
Các trường TCCN đa dạng về ngành nghề đào tạo (hơn 200 ngành); HS theo học TC có thể học liên thông lên CĐ- ĐH hay đăng ký học chương trình văn bằng 2 với thời gian một năm ở các trường TCCN lấy bằng TCCN để chuyển đổi nghề nghiệp. Trong năm 2010 -2011, các trường TCCN tại TP dự kiến sẽ tăng khoảng 10% chỉ tiêu đào tạo. Mặt khác theo lộ trình của Bộ GD-ĐT đã giảm thêm 20% đào tạo hệ TC ở các trường CĐ-ĐH. Đây là cơ hội cho các trường TCCN khẳng định sự đào tạo của trường mình.
2. Trong những năm qua tuy hệ thống GDCN TP.HCM đã có nhiều thành tựu, nhưng để đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu sự phát triển về kinh tế – xã hội của TP, của đất nước và vươn ra khu vực thì vẫn còn nhiều vấn đề phải đổi mới nhằm phát triển.
Về đội ngũ cán bộ giáo viên (GV) hệ TCCN, toàn TP có 438 CBQL, 4.702 GV (đạt tỷ lệ 11 HS/GV). GV đạt chuẩn trên 92%; về nghiệp vụ sư phạm GV đạt chuẩn sư phạm 72%… Tuy vậy, để đào tạo CB, GV theo chuẩn mới, hội nhập quốc tế thì GV ngoài chuyên môn, phải có phương pháp giảng dạy, kỹ năng giảng dạy thực hành và trình độ ngoại ngữ. Xét dưới góc độ toàn diện như vậy thì đội ngũ CB, GV của ta hiện nay phải tiếp tục được bồi dưỡng, đào tạo. Mặt khác, lượng HS theo học hệ TCCN ngày càng tăng, các trường ngoài công lập (NCL) ra đời nhiều, khiến đội ngũ GV vẫn phải tiếp tục được bổ sung thêm.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao, trước yêu cầu phát triển và hội nhập của TP, chất lượng đào tạo TCCN trong từng lĩnh vực ngành nghề còn thể hiện nhiều sự bất cập. Đào tạo vẫn chủ yếu nặng về “cung” theo nhu cầu học tập của xã hội chứ chưa thật sự gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. 
Khảo sát từ các đại biểu tham dự các cuộc tọa đàm (do Sở GD-ĐT TP.HCM và Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức) cho thấy, tâm lý các bậc phụ huynh hiện nay vẫn mong con mình vào ĐH thay vì học nghề. Nhiều phụ huynh còn khẳng định rằng con mình không vào ĐH được mới vào TC nghề, TCCN… Thậm chí nhiều em rớt ĐH vào học nghề, nhưng vẫn thích ôn tập để thi ĐH khiến cho các trường “thấp thỏm” lo HS nghỉ học giữa chừng. Điều này làm cho nhà trường rất khó khăn trong việc định hướng đào tạo, dự tính tuyển sinh.
Trong khi các doanh nghiệp sử dụng lao động cho rằng họ thiếu lao động trình độ bậc thợ. HS tốt nghiệp đến xin việc ở chỗ họ đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc; kỹ năng thực hành còn rất yếu; thái độ lao động, tác phong làm việc cũng như làm việc theo nhóm của người lao động còn yếu… Vì vậy, nhiều HS ra làm việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung…
3. Vấn đề đổi mới GDCN nhằm đào tạo gắn với nhu cầu xã hội đang là trọng tâm của Đảng, Nhà nước và TP.HCM để phát triển nguồn nhân lực. Muốn làm được điều này tốt, phải phát huy vai trò của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành giáo dục.
Thứ nhất, phải đầu tư xây dựng hệ thống trường TCCN khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo từng chuyên ngành đặc thù cho từng khu vực. Để làm được việc này, Nhà nước cần tập trung mũi nhọn cho các trường công lập trọng điểm, cần tạo điều kiện thuận lợi về đất, thủ tục, thuế cho các trường TCCN tư thục phát triển; có cơ chế xây dựng các nguồn vốn hợp tác giữa Nhà nước và các trường GDCN ở nước ngoài, vốn đối ứng của Nhà nước chủ yếu là nguồn đất. Đây là giải pháp then chốt để giải quyết những vấn đề bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay. Thực hiện được điều này giúp cho nhà trường có đủ điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, bảo đảm đầy đủ về chất lượng. Từ đây sẽ giúp cho GV có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả, tạo động lực thu hút bổ sung nguồn GV. Hơn thế nữa, với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại còn là điều kiện để hợp tác, chuyển giao công nghệ với các trường có uy tín trong nước, khu vực và thế giới. Tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng của người học, các đối tác doanh nghiệp.
Thứ hai, phải đẩy mạnh việc hướng nghiệp, phân luồng HS ngay từ các cấp THCS. Bằng cách nhà trường phải tư vấn được cho HS, cho phụ huynh HS về năng khiếu, sở thích, sở trường, trình độ, khả năng, học tập của từng em. Cung cấp được thông tin về thị trường lao động, tạo cơ chế để mọi lực lượng xã hội tham gia định hướng, vận động, hỗ trợ cho thanh thiếu niên vào học TCCN. Cần thành lập ban chỉ đạo về việc thực hiện công tác hướng nghiệp phân luồng HS. Đảm bảo tất cả thanh thiếu niên đều được học văn hóa, học nghề. Nguồn tuyển sinh là HS sau THCS, THPT đồng thời phải chiêu sinh được các HS bỏ học trong suốt các cấp học. Mặt khác, để vận động hỗ trợ HS đi học TCCN, các cơ quan thông tin báo chí hỗ trợ tuyên truyền, tôn vinh những người thợ giỏi, nhằm thay đổi nhận thức còn hạn chế của xã hội về việc học TCCN hiện nay. Đa dạng hóa nguồn tuyển sinh, các loại hình đào tạo theo yêu cầu người học, yêu cầu doanh nghiệp như tuyển sinh nhiều thời điểm trong năm, nhiều hệ… song song đó phải phát triển hệ ngắn hạn. Xác định HS học để lấy nghề, lấy bằng… học theo đơn đạt hàng hoặc tổ chức đào tạo theo địa chỉ và đào tạo hướng đạo tạo lên CĐ -ĐH.
Cuối cùng, phần còn lại là chất lượng đào tạo, đảm bảo cho người học có kỹ năng tay nghề, thái độ lao động nhằm đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – doanh nghiệp đảm bảo xây dựng chất lượng đào tạo tiên tiến để việc thực tập của HS đạt hiệu quả. Doanh nghiệp được hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, dễ dàng tuyển được lao động giỏi, thích hợp với yêu cầu, công việc giảm chi phí đào tạo lại của các doanh nghiệp.
Tóm lại, với điều kiện hiện nay, để thực hiện CNH-HĐH đất nước và theo kịp với các nước trong khu vực và quốc tế, xu hướng tất yếu là phải đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu xã hội. Như vậy, giải pháp nêu trên là cần thiết và bức bách. Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo với sự quan tâm của UBND, các ban ngành, sự ủng hộ của ngành GD-ĐT. Hệ thống GDCN sẽ có bước phát triển đột phá, đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội đủ sức cạnh tranh với nguồn lao động của các nước phát triển.
Th.s Phạm Ngọc Thanh (Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Đã đến lúc phải đẩy mạnh mô hình nhà trường – doanh nghiệp bắt tay nhau trong vấn đề đào tạo và sử dụng lao động. Bởi lao động hệ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên đang thiếu trầm trọng…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)