Còn quan niệm “làm thầy hơn làm thợ” nên hàng năm có rất đông thí sinh ở tỉnh đổ về thành phố thi đại học (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.B |
Muốn phát triển giáo dục chuyên nghiệp (GDCN), cần phải khắc phục những yếu kém, phấn đấu đáp ứng yêu cầu về nhân lực. Đổi mới thực sự trên các mặt và đồng bộ. Phải đổi mới về quan niệm, nhận thức mang tính cách mạng, trước hết từ Nhà nước, cấp lãnh đạo, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu đội ngũ ngành…
Đổi mới về quan niệm, nhận thức
Tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng lâu nay ngành GDCN luôn trong tình cảnh thiếu khỏe mạnh, mặc dù bản thân ngành GDCN (đội ngũ quản lý, trường, giáo viên) rất nỗ lực, cố gắng phấn đấu. Do đó, để ngành GDCN có cơ sở phát triển, đáp ứng yêu cầu về nhân lực đất nước thì cần phải đổi mới quan niệm, nhận thức từ Nhà nước – lãnh đạo đối với vị trí, đặc thù GDCN trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đội ngũ nhân lực của quốc gia có đủ mạnh, hiệu quả cần phải xuất phát từ thực tiễn tổ chức, phân công lao động của xã hội, từ đó xác định qui mô, cơ cấu đào tạo của hệ thống giáo dục giữa kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục trả giá nếu cứ nhìn đào tạo (trong đó có GDCN) theo quan niệm hành chính, chủ quan, bất chấp thực tế, xa rời thực tiễn.
Lâu nay chúng ta luôn kêu ca, trách móc đội ngũ nhân lực của ta “thầy nhiều hơn thợ”, “hình chóp ngược”. Trách ai? Kêu ai? Chúng ta thường kêu ca, trách thanh niên, học sinh, phụ huynh không thích vào học các trường GDCN, mà chỉ vào đại học, có tâm lý bằng cấp… Hằng năm vào mùa tuyển sinh, các trường chuyên nghiệp bận rộn đi đến hết nơi này đến nơi khác, đủ kiểu cách để giới thiệu, chiêu sinh cho trường mình. Nhà trường ngóng chờ, mừng học sinh ghi danh vào học… Nhiều trường chật vật may mắn mới tuyển đủ chỉ tiêu… để rồi sau khi vào học, học sinh bỏ học. Do đó hiệu suất đào tạo thấp. Điểm qua thực tế, lâu nay, chúng ta chưa có trường chuyên nghiệp nào ở tầm cỡ quốc gia mà chỉ có đại học quốc gia, các trường chuyên nghiệp đất hẹp, trường cũ, thiết bị thiếu thốn đủ điều… Chế độ lương bổng dù là công nhân, kỹ thuật viên lâu năm, tay nghề cao nhưng cũng cỡ ngang mức kỹ sư mới ra trường, đời sống luôn thiếu thốn…
Do đó, muốn ngành GDCN phát triển đáp ứng yêu cầu nhân lực của đất nước, tạo thế có được “hình chóp” xuôi, không ngược như lâu nay, thì trước hết, là nhận thức, quan điểm của lãnh đạo phải đổi mới, với tính chất “cách mạng”. Nếu không thì dù ngành GDCN có nỗ lực đến hết mình thì cũng chỉ tung hoành trong cái “rọ hẹp”.
Cần qui hoạch lại tổng thể mạng lưới trường và quản lý thống nhất ngành GDCN
Các trường chuyên nghiệp ở thành phố hiện nay vừa đào tạo cho thành phố và các tỉnh, thành trong khu vực nhưng thực lực của các trường về qui mô, cơ cấu ngành, nghề nhỏ chưa phù hợp so với nhu cầu nhân lực hiện tại, càng bất cập so với sự phát triển của xã hội. Những năm gần đây, các trường trung cấp lần lượt được nâng lên CĐ, ĐH. Thực tế ra sao: Chỉ tiêu đào tạo hệ GDCN thường không tăng, có tăng cũng không nhiều. Vì khả năng của trường có hạn và nhiều cấp. Giáo viên được nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo qui định mới được Bộ GD-ĐT công nhận. Dạy được cấp cao, ắt dạy được cấp thấp. Giáo dục không đơn giản như thế. Thiết bị được tăng cường để nâng cấp lên CĐ, ĐH. Nhiều trường, học sinh hệ GDCN không được hưởng nhiều với thiết bị mà trường đang có mà học sinh được gửi đào tạo ở nơi khác với hình thức liên kết, hợp tác đào tạo.
– Về liên thông trong đào tạo: Giáo dục là sự liên thông trong quá trình kế thừa và phát triển, đồng thời cũng là yêu cầu phát triển trình độ, kiến thức của con người. Nhưng gần đây, các trường đang phát triển đào tạo liên thông, trong đó có nơi nhằm việc tuyển sinh, thiếu thực chất. Do vậy, cần xem lại, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh để tiến hành đào tạo liên thông theo đúng tính chất và mục tiêu trong đào tạo của từng cấp. Việc mở, nâng cấp trường chưa có cơ sở như Luật Giáo dục đã ghi: “Đầu tư thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục”. Mạnh ai nấy cho, không cần ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
Để có đủ khả năng đào tạo nhân lực GDCN phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trong hiện tại và sắp tới, mạng lưới trường GDCN phải đồng bộ, cân đối về qui mô, ngành nghề trong hệ thống giáo dục, đào tạo. Nếu không, e rằng những chỉ tiêu đào tạo chúng ta đề ra sẽ khó mà thực hiện về số lượng và chất lượng đào tạo.
Dựa trên cơ sở qui hoạch, chủ động phát triển hệ thống trường: công lập, tư thục và đầu tư nước ngoài.
– Về quản lý thống nhất trên địa bàn: Các trường trên địa bàn thành phố, đang trực thuộc nhiều bộ, ngành, sở, cùng với Sở GD-ĐT nên những năm gần đây, xảy ra tình trạng chưa làm tốt sự phối hợp giữa quản lý ngành dọc và quản lý lãnh thổ – mạnh ai nấy làm. Trường có quyết định thành lập rồi Sở GD-ĐT mới biết.
Các trường trực thuộc quản lý các bộ, ngành, sở tồn tại lâu nay với lý do: Nhà trường sát với ngành chủ quản để có điều kiện đào tạo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành hơn. Thực tế cho chúng ta thấy, lý do này đang bộc lộ nhiều điều chưa phù hợp. Có trường nào không nhận học sinh từ xã hội, đâu chỉ từ ngành chủ quản và có trường nào đào tạo để ngành nghề, cấp đào tạo khép kín đầu vào, đầu ra và cả quá trình đào tạo chỉ cho ngành chủ quản. Các trường tồn tại và phát triển phải trên cơ sở gắn với xã hội, không thể gói gọn trong ngành. Bộ, sở chủ quản có điều kiện đầu tư xây dựng trường nhiều hơn, kịp thời và sát hơn.
Thực tế không hẳn như vậy, có trường sống cầm hơi, có đầu tư cũng ở mức nhỏ giọt, thậm chí có trường phải trích nộp lên cơ quan chủ quản từ tiền thu của nhà trường. Bộ, sở chủ quản tập trung lo nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, quản lý theo chức năng được giao, nhà trường lọt vào bể chung đó, làm sao có sự quan tâm đầy đủ. Trường trực thuộc bộ, ngành chủ quản là đem quản lý hành chính áp đặt vào quản lý giáo dục, phân tán, cục bộ.
Vì vậy, cần mạnh dạn xây dựng quản lý thống nhất GDCN. Trước hết quản lý GDCN thuộc 2 bộ, 2 sở hiện nay, thống nhất lại thành một mối, trừ ngành y.
– Về chất lượng đào tạo: Doanh nghiệp thường chê trách học sinh, sinh viên trường đa số tay nghề yếu không làm việc được ngay phải đào tạo lại. Doanh nghiệp chê trách như vậy là chưa thỏa đáng. Bởi vì nhà trường đào tạo học sinh, sinh viên để phục vụ xã hội, không phải cho doanh nghiệp riêng lẻ. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù, điều kiện để đầu tư thiết bị hiện đại cho mình, không ai giống ai. Do vậy, nếu phù hợp, làm ngay ở doanh nghiệp này, chưa hẳn làm được ngay ở doanh nghiệp khác. Vì vậy nên thẳng thắn nói rằng: học sinh, sinh viên đào tạo ra trường có kiến thức tay nghề chuyên môn ở mức độ cơ bản chung. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi dưỡng tiếp, theo đặc điểm về công nghệ, kỹ thuật và yêu cầu doanh nghiệp, và không thể nói rằng đây là đào tạo lại. Đào tạo lại đúng nghĩa là phải dạy và học lại từ đầu. Vả lại vào bất cứ doanh nghiệp nào, học sinh, sinh viên phải có thời gian tìm hiểu để biết, thích nghi, chưa có thể làm việc ngay được.
– Về trang thiết bị: Chúng ta thường phàn nàn thiết bị dạy học ở các trường vừa thiếu, vừa cũ kỹ lạc hậu. Nhưng thế nào là đủ, đáp ứng yêu cầu? Có phải doanh nghiệp có gì, trình độ tiên tiến thế nào thì nhà trường phải có như vậy mới là đủ, cập nhật với thực tế. Liệu chúng ta có khả năng và cấp thiết phải như vậy chăng? Doanh nghiệp đầu tư thiết bị để cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh và có khấu hao, một thời gian rồi tiếp tục thay thế, đổi mới thiết bị để tồn tại và phát triển trong thương trường. Nhà trường, trang thiết bị để đào tạo đạt yêu cầu mục tiêu đào tạo, mặc khác cũng không có đủ điều kiện để trang bị ngang tầm cập nhật như doanh nghiệp. Vì vậy, nhà trường đầu tư trang thiết bị không thể để thiếu và lạc hậu như lâu nay, nhưng cũng không thể và không nên kỳ vọng như doanh nghiệp đang có.
Nguyễn Minh Thành
(Chủ tịch Hội Dạy nghề TP.HCM)
Đội ngũ giáo viên GDCN có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ là tốt, song không thể coi đó là đủ, mà phải có tay nghề thực hành cao. Giáo viên không vững thực hành thì làm sao đào tạo học sinh có năng lực thực hành. Do đó, giáo viên GDCN phải có tay nghề chuyên môn cao, sư phạm cùng với trình độ khoa học. |
Bình luận (0)