Học sinh lớp 8 trong giờ hướng nghiệp. Ảnh: T.B |
Nhiều năm nay, Phòng GD-ĐT quận 11 đã làm rất tốt công tác phân luồng học sinh khối 9. Thời gian gần cuối học kỳ II, Phòng GD-ĐT luôn tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh nhằm giúp các em xác định hướng đi cho tương lai. Tòa soạn xin giới thiệu ý kiến của ông Lê Nguyên Vịnh – Trưởng phòng GD-ĐT về vấn đề này.
1.Theo tôi, muốn làm tốt công tác hướng nghiệp, phòng GD-ĐT các quận, huyện phải thành lập được các tổ chuyên phân luồng học sinh sau khi các em tốt nghiệp THCS. Cơ cấu tổ chuyên bao gồm: trưởng, phó phòng GD-ĐT, giám đốc trung tâm dạy nghề quận, huyện và chuyên viên chuyên trách phổ cập. Hoạt động chính của tổ chuyên là chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn thực hiện giảng dạy hướng nghiệp theo chương trình, đồng thời cho học sinh đi thâm nhập thực tế tại các trường dạy nghề. Quận 11 thường giới thiệu học sinh đi thực tế Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM, Trung cấp Công nghiệp Tân Phú… Mục đích để làm gì? Đó là giúp các em tiếp cận với nhà trường, có cơ hội “mục sở thị” các hoạt động dạy và học, có thêm tình cảm với các trường nghề, hướng tới nhận thức “nghề nào cũng vinh quang”. Song song đó, các trường THCS còn mời các đơn vị dạy nghề trực tiếp đến trường tư vấn, giới thiệu các ngành, nghề đang dạy. Thông qua các buổi nói chuyện của đội ngũ cán bộ quản lý hoặc xem chiếu phim, các em được làm quen một số ngành nghề để sau đó tự chọn theo sở thích, đam mê. Đó cũng là cách để các trường nghề tự quảng bá, giới thiệu đơn vị mình.
2. Hàng năm phòng GD-ĐT còn tiến hành các đợt tư vấn trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm khối 9 (nếu được cả khối 8 thì càng tốt), trong đó có thêm phụ huynh, cán bộ chuyên trách phường. Công tác này cần tạo thành một vòng tròn khép kín từ nhiều kênh thông tin để xã hội hóa công tác tuyên truyền. Từ nhiều nguồn thông tin chính xác đó, các em tự “biết mình biết ta”, cân nhắc được lực học của mình khi hết lớp 9 mà “liệu cơm gắp mắm”. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường hay nghỉ học cần được quan tâm hơn như: khen thưởng, động viên kịp thời khi thấy các em học tập tiến bộ, cấp các loại học bổng ngoài chế độ xóa đói giảm nghèo… Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm đánh giá, cá thể hóa phân luồng học sinh sau học kỳ I và học kỳ II. Nhà trường cần cân nhắc cho các em phân luồng theo hướng nào, đăng ký thời điểm nào để “dành chỗ” cho học sinh? Bởi trên thực tế ở một số quận, huyện các trường THCS không phối hợp được với các trường nghề vì trường đóng quá xa, đi lại khó khăn. Muốn thu hút học sinh vào học nghề, các trường nghề cần lo cả “đầu ra” cho học sinh và tiến tới giới thiệu việc làm cho người học nghề.
3. Trên địa bàn các quận 11, quận 6, Bình Tân, Bình Chánh hiện còn ít trường nghề nên tất cả đều “dồn” về Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm để tổ chức công tác hướng nghiệp, đó là chưa nói đến một số trường nghề “cửa” rất hẹp chỉ tuyển học sinh học hết lớp 12 mà không tuyển học sinh lớp 9. Nhân đây tôi cũng mong muốn các trường nghề cần được nâng cấp để hoàn thành tốt chức năng đào tạo. Mỗi quận nên có một trường nghề đặc thù riêng, phù hợp với từng địa bàn dân cư, vùng miền. Quận, huyện nào cũng “sinh” ra trường nghề giống nhau thì khó thu hút người học. Cần khảo sát, điều nghiên để tập trung phát triển các ngành nghề xã hội có nhu cầu cao chứ không nên lạm phát một cách ồ ạt. Hơn nữa, hiện nay có trường còn dạy nghề ngắn ngày chứ chưa đào tạo thành bậc, thành thợ, chỉ mới dừng ở mức độ “xóa đói giảm nghèo” chứ chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo cho các khu công nghiệp, khu chế xuất… Điều quan trọng là các trường nghề nên “bắt tay” với các quận, huyện để liên kết lý thuyết như bên giáo dục thường xuyên (chương trình đào tạo phải nằm trong ngân sách nhà nước chứ không để người dân đóng tiền) theo phương châm làm nhiều hơn học thì trường nghề mới có sản phẩm tiêu thụ, từ đó tăng thu nhập cho người học và các em có thêm chế độ phụ cấp học nghề. Khi trường nghề thu hút học sinh thì phong trào “xóa đói giảm nghèo” cũng được xã hội hóa. Cuối cùng tôi kiến nghị thêm, chương trình đào tạo nghề cần phải liên thông để các em có thêm cơ hội tiếp tục học lên nữa.
Lê Nguyên Vịnh
(Trưởng phòng GD-ĐT quận 11, TP.HCM)
“Các trường nghề cần được nâng cấp để hoàn thành tốt chức năng đào tạo. Mỗi quận nên có một trường nghề đặc thù riêng, phù hợp với từng địa bàn dân cư, vùng miền. Quận, huyện nào cũng “sinh” ra trường nghề giống nhau thì khó thu hút người học. Và các chương trình đào tạo nghề cần phải liên thông để các em có thêm cơ hội tiếp tục học lên nữa” – Ông Lê Nguyên Vịnh |
Bình luận (0)