Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Trường nghề thiếu lực hút

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường TH Văn thư Lưu trữ TW 2

Do quan niệm “trọng thầy hơn thợ” nên các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Bức tranh ảm đạm   
Được thành lập từ hơn 30 năm nay, Trường TH Nông nghiệp Kỹ thuật TP.HCM có nhiều hình thức đào tạo để thu hút học sinh. Ngoài hệ chính quy, nhà trường còn mở các hệ đào tạo khác như tại chức (vừa học vừa làm), liên kết đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đào tạo ngắn hạn… Thế nhưng, theo thống kê, vài năm gần đây quy mô đào tạo của trường có phần “sụt giảm” đáng kể. Trước đây, hồ sơ tuyển sinh không dưới 500 hồ sơ/năm thì hai năm nay chỉ nhận khoảng 200 – 300 hồ sơ/năm. Ông Bùi Thanh Hùng – Phó trưởng Phòng Đào tạo cho biết, mùa tuyển sinh năm 2009 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường chỉ có 217 bộ. Những hồ sơ này chỉ tập trung vào một số ngành mà học sinh cho là “hot” như địa chính, thú y. Thê thảm hơn có nhiều ngành nhiều năm nay không có người học nên không mở được lớp đào tạo như thủy lợi, kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp… Điều đáng nói là các ngành này đầu ra vẫn thiếu, nhiều nơi đang “khát” nhân lực mà vẫn “bói” không ra người.
Trường TH Công nghiệp TP.HCM cũng chịu chung số phận “buồn tẻ” ở khâu tuyển sinh từ nhiều năm nay. Mặc dù nhà trường tìm mọi lối thoát bằng cách mở rộng các ngành nghề đào tạo TCCN và TCN, dạy nghề ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng) và cả chương trình liên kết lên ĐH nhưng vẫn không “vẽ” được bức tranh thật sáng sủa theo ý muốn. Thời gian qua có nhiều trường TCCN, TCN rất tích cực trong việc tự giới thiệu về trường, thế mà học sinh vẫn quay lưng nên một vài ngành học phải đóng cửa đào tạo vì thiếu học sinh. Ông Nguyễn Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường TH Văn thư Lưu trữ TW II (Gò Vấp) cho biết, ngành tin học văn phòng và thông tin thư viện hàng năm không đủ hồ sơ để mở lớp, trong khi đây là hai ngành học nhiều trường ĐH, CĐ đang mở ồ ạt nên đã lấy hết nguồn học sinh của các trường TCCN.
Điều đáng nói là hiện nay điều kiện về cơ sở vật chất của các trường TCCN, TCN rất tốt, có khả năng đáp ứng được mọi nhu cầu cho việc đào tạo các bậc học. Do không mở được lớp nên nhiều dãy phòng học không sử dụng, đóng cửa để đó rất uổng phí trong lúc các trường ĐH thiếu phòng ốc trầm trọng, phải đi thuê mượn hoặc ngồi chen chúc chật chội.   
Bị các trường ĐH-CĐ lấn sân
Ông Phạm Thế Sam – Hiệu trưởng Trường TH Công nghiệp TP.HCM than thở: “Các trường ĐH, CĐ mở ra nhiều quá. Họ đã lấy hết học sinh của chúng tôi”. Thực tế cho thấy không chỉ học sinh khá giỏi mà ngay cả học sinh trung bình cũng tìm mọi cách để vào ĐH. Nếu không vào được trường công lập thì rẽ ngang sang trường dân lập, tư thục và cả trường quốc tế. Bằng ĐH vẫn là cái mác đang được ưa chuộng, không chỉ cho người học mà còn đối với cả người tuyển dụng. Đây cũng là một khó khăn cho những ai chỉ có bằng TCCN, TCN. Một hiệu trưởng khác thì nêu ra thực trạng, hầu hết các nhà tuyển dụng chưa thật sự quan tâm tới hiệu quả làm việc mà chỉ đánh giá nhân viên qua bằng cấp nên công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề không có nhiều cơ hội trong hành trình đi xin việc làm. Một số em học sinh nếu chọn học TC thì cũng không chọn các trường TCCN mà chọn các trường ĐH-CĐ với lý do: các trường này luôn mở rộng cửa bằng cách “ôm” thêm hệ TC cho học sinh tha hồ lựa chọn và có nhiều cơ hội liên thông. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Quế – Phó trưởng Phòng GD Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế) cho biết: “Các trường CĐ nghề, TCN do ít có chương trình đào tạo liên thông nên đa số người học đã quay lưng. Bằng cách này hay cách khác các trường “trên cơ” đã tìm mọi cách “vét” hết nguồn tuyển sinh TCCN nên người học muốn gắn bó với các trường cũng chẳng còn cơ hội. Không chỉ cạnh tranh với bên ngoài, các trường TCCN còn phải cạnh tranh với các trường cùng hệ khác. Những năm gần đây nhiều trường TCCN đã mạnh dạn đa dạng hóa ngành học nên “cuộc chiến” này còn quyết liệt hơn”.
Khó khăn vậy nhưng các trường TCCN, TCN không chỉ biết ngồi than, họ tự thân vận động để tạo thêm lực hút học sinh bằng nhiều hình thức như đến các trường THPT, THCS tư vấn tuyển sinh, phát tờ rơi…
Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)