Giáo viên Trường TH KT-NV Nam Sài Gòn trong tiết dạy thực hành. Ảnh: Q.Đ |
Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và lực lượng giáo viên nhưng ngành giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) đã đạt được những thành tựu nhất định. Để phát triển GDCN hơn nữa thì đội ngũ giáo viên giảng dạy phải giữ vai trò then chốt, luôn năng động tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên môn và đi đầu trong việc đổi mới này…
Hệ thống GDCN tuy đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn nhiều bất cập như: Chương trình đào tạo còn chưa hiện đại, chưa hội nhập được với quốc tế và khu vực; tài liệu học tập và giảng dạy còn chưa đầy đủ…
Chất lượng GDCN do nhiều yếu tố tạo thành: giảng viên, chương trình và nội dung đào tạo, chất lượng đầu vào của sinh viên, học sinh… Trong những nhân tố trên, nhiều yếu tố có xuất phát điểm từ đội ngũ giảng viên như: Chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy… cho nên, xét cho cùng chất lượng đào tạo chuyên nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của đội ngũ giảng viên.
Theo tôi, để nâng cao chất lượng GDCN, người giảng viên cần phải nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt 3 vai trò là: Nhà giáo – nhà khoa học – nhà cung cấp dịch vụ.
1. Vai trò nhà giáo: Đây là vai trò truyền thống nhưng quan trọng và tiên quyết đối với một giảng viên. Một giảng viên giỏi trước hết phải là một người thầy giỏi. Nhưng như thế nào là một người thầy giỏi? Theo các nhà giáo dục thế giới thì một người thầy giỏi là một người có 4 nhóm kiến thức và kỹ năng sau:
Kiến thức chuyên ngành: Đó là một kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành mà mình giảng dạy. Tuy nói rằng đây là điều kiện cần và tiên quyết, nhưng hiện nay do lực lượng giảng viên mỏng, ở khá nhiều trường, các giảng viên phải giảng dạy cùng một lúc nhiều môn học dẫn đến việc nghiên cứu sâu về chuyên ngành còn nhiều hạn chế.
Kiến thức về chương trình đào tạo: Tuy mỗi giảng viên đều đi chuyên về một chuyên ngành nhất định nhưng để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học thì giảng viên phải được trang bị thêm các kiến thức về cả chương trình giảng dạy. Những kiến thức này quan trọng vì nó cho biết vị trí của môn giảng dạy trong bức tranh tổng thể của cả chương trình học, nó cung cấp thông tin về vai trò và sự tương tác giữa chuyên ngành này với chuyên ngành khác trong cùng một lĩnh vực và kể cả giữa các chuyên ngành trong các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn giáo viên giảng môn tin học kế toán mà không nắm vững về môn kế toán tài chính thì không thể cung cấp kiến thức chính xác cho học sinh trong việc xây dựng các chương trình kế toán trên máy vi tính.
Kiến thức về kỹ năng dạy và học: Bao gồm khối kiến thức về phương pháp luận, kỹ thuật dạy và học nói chung; dạy và học trong từng chuyên ngành cụ thể. Người giảng viên cần nhận thức về vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình giảng dạy, tích cực đổi mới quá trình giảng dạy, đầu tư mạnh vào các phương pháp dạy học mới.
Kiến thức về môi trường giáo dục – mục tiêu giáo dục: Đây có thể coi là khối kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng cho các hoạt động dạy và học. Chỉ khi mỗi giảng viên hiểu rõ được các sứ mệnh và các mục tiêu chính của hệ thống giáo dục và môi trường giáo dục thì việc giảng dạy mới đi đúng định hướng và có ý nghĩa xã hội. Ngoài ra, đây còn là kim chỉ nam cho giảng viên trong quá trình soạn giáo án, giáo trình, lựa chọn phương pháp giảng dạy cho những đối tượng người học khác nhau.
Xu hướng đào tạo chuyên nghiệp hiện nay là đào tạo chuyên sâu kết hợp với cung cấp tư duy liên ngành, đa ngành. Chính những kiến thức này sẽ giúp người lao động thích nghi tốt trong các bối cảnh làm việc nhóm, dự án – mà ở đó họ phải cộng tác với cá nhân từ các chuyên ngành rất khác biệt để cùng nhau giải các bài toán mang tính chất tổng hợp đa ngành. |
2. Vai trò nhà khoa học: Trong bối cảnh hiện nay khi chưa có nhiều điều kiện đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nhất là ở các trường chuyên đào tạo về khoa học xã hội như kế toán, tài chính, quản trị …, chúng ta nên khuyến khích các giảng viên thực hiện các nghiên cứu mang tính tổng kết lý thuyết ngành và tìm ra những hướng ứng dụng của các lý thuyết này trong việc giảng dạy. Thí dụ: nghiên cứu xây dựng phòng thực hành kế toán, xây dựng phòng thực hành kế toán ảo bằng các phần mềm kế toán, xây dựng các thị trường vàng, thị trường chứng khoán ảo, xây dựng các trang web cung cấp kiến thức nhằm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh…
3. Vai trò nhà cung cấp dịch vụ: Đây là một vai trò mà rất nhiều giảng viên, nhất là giảng viên ở các trường chuyên nghiệp đang thực hiện, nó cũng là một vai trò mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng. Ở vai trò này, giảng viên cung ứng các dịch vụ của mình cho nhà trường, cho sinh viên, học sinh và cho các tổ chức kinh tế – xã hội. Cụ thể đối với nhà trường, một giảng viên cần thực hiện các dịch vụ như tham gia công tác quản lý tham gia các tổ chức kinh tế của trường, tham gia các đoàn thể, cố vấn, liên hệ thực tập và tìm việc làm cho sinh viên, học sinh…
Tóm lại để chấn hưng nền GDCN, trước hết phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là chăm lo về đời sống vật chất để họ có đủ điều kiện tự nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình. Tăng cường cơ sở vật chất thiết bị dạy học để giúp giảng viên có đủ điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Cải tiến chế độ tiền lương giúp cho giảng viên yên tâm thực hiện đầy đủ các chức năng và nhiệm vụ.
Nguyễn Quốc Định
(Giảng viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM)
Thành lập trường nghề: Quá khó!
Chúng ta đều biết rằng, đào tạo và sử dụng có mối liên kết chặt chẽ với nhau; đào tạo chất lượng cao sẽ thúc đẩy sử dụng lao động và sử dụng lao động có hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên việc gắn kết này còn nhiều hạn chế, vì hệ thống trường TCCN ở Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng đều có cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu và không đồng bộ. Còn nhớ, trên diễn đàn này, ông Lê Nguyên Vịnh – Trưởng phòng GD-ĐT quận 11 đã nêu ý kiến: “Mỗi quận, huyện nên có một trường nghề đặc thù riêng, phù hợp với từng địa bàn dân cư. Cần khảo sát điều nghiên để tập trung phát triển các ngành nghề xã hội có nhu cầu cao chứ không nên lạm phát một cách ồ ạt…”. Trước nay chúng ta hô hào xã hội hóa giáo dục, kêu gọi những cá nhân, doanh nghiệp góp sức cùng với ngành GD-ĐT. Nhưng khi những người có tâm huyết lao vào đầu tư thì gặp phải… khó. Hiện trên địa bàn quận 11 có một doanh nghiệp đang “xấc bấc xang bang” cũng vì muốn góp sức vào công tác xã hội hóa giáo dục. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết: “Chúng tôi có dự án đầu tư xây dựng một trường dạy nghề (trên chính mảnh đất của công ty) bậc trung học với quy mô tuyển sinh từ 500 – 2.000 học sinh, đào tạo chuyên sâu nghề xây dựng (thợ xây, sơn, điện, hàn, tiện…). Thế nhưng, dự án này đang bị “tuýt còi”, hàng chục tỷ đồng có nguy cơ “đổ sông đổ biển”. Được biết, đề án thành lập trường dạy nghề tư thục của doanh nghiệp này lúc đầu các Sở Tài nguyên và Môi trường, GD-ĐT, Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố chấp thuận chủ trương. Và UBND quận 11 cũng khẳng định việc xây dựng trường học là phù hợp với quy hoạch của quận. Tuy nhiên, sau đó dự án này bị ách lại vì “Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng có dấu hiệu chuyển nhượng đất nhà nước sai quy định và UBND quận 11 có công văn đề nghị thu hồi khu đất cho quận xây trường vì lý do chậm triển khai dự án”, nhưng thực tế lãnh đạo doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục như thiết kế dự án; máy móc, trang thiết bị….”
Nhà giáo Nguyễn Minh Thành – Chủ tịch Hội dạy nghề TP (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng, muốn đổi mới phát triển đào tạo GDCN, trước hết phải đổi mới quan niệm và nhận thức. Điều này quả rất đúng.
Trương Đồng (TP.HCM)
|
Bình luận (0)