Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Xã hội còn coi trọng bằng cấp

Tạp Chí Giáo Dục

 

LTS: Làm thế nào để tuyển sinh đủ chỉ tiêu đào tạo? Đây là một câu hỏi trước mỗi mùa tuyển sinh của các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp… Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, thầy Bùi Thanh Hùng – Phó trưởng Phòng đào tạo Trường Trung học Nông nghiệp TP.HCM rất “đau đầu” với bài toán tuyển sinh vì thực tế hiện nay xã hội còn coi trọng bằng cấp.

Hiện nay, phần lớn học sinh chọn học nghề chỉ là giải pháp sau cùng

1. Hàng năm để đảm bảo được chỉ tiêu “đầu vào” Trường Trung học Nông nghiệp TP.HCM phải tuyển sinh bằng nhiều cách. Ngoài cơ hội quảng bá, triển lãm tại ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, nhà trường còn tìm cách tự giới thiệu các ngành nghề đang đào tạo tại trường bằng việc phát tờ rơi, đăng quảng cáo trên báo chí hay nói cách khác là tìm mọi cách làm tốt và có hiệu quả công tác maketing. Đoàn Thanh Niên cũng tích cực vào cuộc bằng cách phối hợp với giáo viên đứng lớp, trưởng bộ môn xuống các quận huyện trong thành phố hay đến các tỉnh thành ở xa như Trà Vinh, Bến Tre… để tuyên truyền ngành nghề đào tạo, thông báo kế hoạch tuyển sinh của trường cho từng phòng lao động thương binh và xã hội. Một cách làm khác, thông qua học sinh đã ra trường hoặc đang học tại trường mang thông báo về các địa phương và gia đình để “tiếp thị”. Ngoài ra, trường còn nhiều cách “bươn chải” khác như tổ chức đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm, liên kết đào tạo… Nói chung năm nào nhà trường cũng làm hết mọi cách nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu, không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo nhất là các ngành như: thủy lợi, kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp, trồng trọt, bảo vệ thực vật… không có học sinh theo học. Đơn cử như ngành thủy lợi dù có chương trình tu nghiệp nước ngoài với mức lương 650 USD/ tháng mà vẫn không có học sinh đăng ký.
2. Hiện tại, Trường Trung học Nông nghiệp TP.HCM chỉ có ngành địa chính, thú y là có đông học sinh theo học (chiếm 2/3 tổng số học sinh). Theo tôi thu hút học sinh vào học hay không trước hết do “sức hút” của ngành học. Các em học sinh vẫn quan niệm, ngành “hot” là ngành ra trường có việc làm, lương cao, sống được. Các ngành khác học không thu hút có nguyên nhân là do thu nhập thấp. Lý do khác là do tên trường, ngay đến cả thanh niên sống ở nông thôn cũng không thích vào học trung cấp nông nghiệp chứ chưa nói đến học sinh thành phố. Có học sinh sau khi vào trường học được một tháng đã xin rút hồ sơ và học phí để qua học Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mặc dù cũng học trung cấp nghề và học phí gấp đôi. Qua đó cho thấy, cách nghĩ của học sinh và cả gia đình các em còn nặng về bằng cấp mang “nhãn hiệu” trường ĐH.
“Năm nào nhà trường cũng làm hết mọi cách nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo nhất là các ngành như: thủy lợi, kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp, trồng trọt, bảo vệ thực vật… không có học sinh theo học.
3. Trong lúc các trường trung cấp chuyên nghiệp “đói” học sinh thì các trường ĐH, CĐ lại tuyển được rất nhiều hệ trung cấp, nhất là các ngành “hot” như dược, điều dưỡng… Vì thế chúng tôi gần như mất hết nguồn tuyển sinh. Đây là khó khăn chung của các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Ngay cả như thú y và quản lý đất đai là hai ngành mà Trường ĐH Nông lâm TP.HCM không mặn mà nên mới có học sinh để tuyển vào.
Thiếu học sinh kéo theo nhiều vấn đề khác như dư thừa giáo viên phải điều chuyển sang công tác văn phòng, hiệu quả làm việc không cao do không đúng chuyên môn. Lớp ít học sinh thầy dạy cũng mất cảm hứng. Thiếu học sinh nên nhà trường không dám đầu tư nhiều về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Trong khi đó, thầy dạy mà không có trang thiết bị hiện đại cũng làm cho học sinh chán nản, hiệu quả đào tạo thấp. Trường muốn tuyển dụng giáo viên giỏi, có kinh nghiệm cũng khó vì lương thấp (thường dưới 2 triệu đồng/ tháng). Tất cả đi vào vòng lẩn quẩn khó có cách tháo gỡ.
Hiện tại nhà trường đã hoàn tất thủ tục chuyển lên CĐ, UBND TP đã đồng ý và hồ sơ đang gửi ra Bộ GD-ĐT để kiểm định. Nếu được chuyển đổi, chắc chắn không lo khâu tuyển sinh vì sẽ có đủ nguồn hơn. Hy vọng các mặt khác như cơ sở vật chất, đội ngũ, trang thiết bị sẽ được đầu tư thêm vì đây là Trường CĐ Nông nghiệp đầu tiên trong cả nước.
Bùi Thanh Hùng
(Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung học Nông nghiệp TP.HCM)
Không thu hút học sinh cũng do tên trường – ngay đến cả thanh niên sống ở nông thôn cũng không thích vào học trung cấp nông nghiệp chứ chưa nói đến học sinh thành phố.
 

 

Bình luận (0)