Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ: Phụ huynh còn quá thờ ơ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giáo dục trẻ đội MBH giúp các em nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân khi TGGT

Khi trái dưa hấu – vật dùng để minh họa cho bộ phận đầu người không đội mũ bảo hiểm (MBH) được bà Mirjam Sidik (Giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) đưa lên cao và thả xuống đất bị vỡ đôi khiến không ít bạn học sinh (HS) ồ lên. Nhờ hình ảnh cụ thể này mà các em hiểu được việc không đội MBH  khi tham gia giao thông (TGGT) nguy hiểm như thế nào. Đó chỉ là một trong những nội dung mà Sở GD-ĐT phối hợp cùng AIP muốn truyền tải đến quý phụ huynh (PH) và các em HS tại Ngày hội bé đội MBH.
Ngày hội diễn ra tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP.HCM, thu hút hàng ngàn PH và các em HS đến giao lưu, chia sẻ. Tại đây, các em được tham gia nhiều trò chơi thú vị như đi xe đạp chậm, trang trí MBH, giải đáp câu đố liên quan đến an toàn giao thông…
Phụ huynh vẫn chủ quan
Không ít PH và HS quan tâm đến “màn biểu diễn” tiếp theo của bà Mirjam Sidik, cũng là trái dưa hấu nếu được bảo vệ, thì nó khó có thể vỡ ngay cả khi va chạm mạnh. Hình ảnh ấy khiến người xem hình dung ngay đến một vụ tai nạn, và hiểm nguy sẽ đến nếu đầu của chúng ta không được bảo vệ. Bấy giờ nhiều PH nhận ra rằng, trẻ em hay người lớn cũng cần đội MBH khi TGGT để đảm bảo an toàn.
Hiện nay, ý thức chấp hành đội MBH khi TGGT ở người lớn đã khá cao (từ 95-98% – theo Cục Cảnh sát GT đường bộ, đường sắt), song số lượng trẻ em được ba mẹ đội MBH khi đi cùng xe lại rất thấp. Nhiều bậc PH lấy lý do rằng con mình còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi đội mũ theo quy định, hay trẻ ngồi trên xe có người giữ rồi vì thế đội cũng được, không đội cũng chẳng sao. Có người biện hộ vì đi đoạn đường ngắn, không cần đội MBH làm gì. Anh Trần Quang Thanh (Q.3) cho biết, hàng ngày tôi chở con đi học thường không đội MBH cho bé vì nhà cách trường chỉ hơn 2km. Hơn nữa vận tốc đi trong nội thành cũng không quá lớn, khoảng 25-30km/h nên không nguy hiểm lắm.
Và việc làm của anh Quang Thanh là hình ảnh không hiếm trước mỗi cổng trường học. Thậm chí có người chở cùng lúc hai con nhỏ, song cha mẹ đội MBH, con vẫn “hồn nhiên” đầu trần. Thế nhưng ít ai biết những hành vi này lại là mối đe dọa lớn đối với tính mạng trẻ nhỏ. Bởi khi một đứa trẻ ngồi trên xe gắn máy không đội MBH, chẳng may bị va quẹt, hậu quả sẽ ra sao? Thật đau lòng khi chứng kiến di chứng để lại sau tai nạn đối với một đứa trẻ. Bé có thể phải sống đời sống thực vật, có thể mất tri giác… Bà Sidik Mirjam chia sẻ: “Tai nạn giao thông là mối đe dọa tử vong hàng đầu do chấn thương sọ não và chấn thương vĩnh viễn phần đầu. Song hiện chỉ có 30% trẻ đội MBH khi TGGT, trong khi Việt Nam là nước có đến 90% phương tiện xe cơ giới là xe máy. Điều này thật đáng lo ngại”.
Theo thống kê của ngành y tế , mỗi năm cả nước có trên 1.900 trẻ tử vong vì tai nạn giao thông. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm 13,4%, trong đó 1/2 các trường hợp do không đội MBH. Từ thực tế này, ông Thái Hoàng Tuấn, Trưởng BĐDCMHS Trường Tiểu học Phước Long (Q.9) nói: việc đội MBH hoàn toàn không thừa vì nó mang lại sự an toàn cho người TGGT.
Một số PH chia sẻ trong buổi giao lưu rằng hàng ngày họ có đội MBH cho con nhưng không màng đến chất lượng mũ. Hiện nay ngoài thị trường xuất hiện rất nhiều loại MBH dỏm với đầy đủ kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc. Chỉ cần  30 ngàn đồng là có ngay một chiếc mà người lớn, trẻ nhỏ đều dùng được. Nếu mũ có vỡ, hỏng, vứt đi cũng không tiếc. Thực trạng này rất đáng báo động.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Phó phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT, bà Trần Thị Kim Trang cho biết: “Hiện nay, các trường học đang đẩy mạnh việc giáo dục an toàn giao thông đến các em HS. Từ việc lồng ghép kiến thức giao thông vào chương trình chính khóa hoặc các bài hát, bài vè, tiết mục kịch… đến tổ chức hướng dẫn TGGT đúng quy định bằng những hoạt động ngoài trời đều được các trường làm tốt. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả ban đầu giúp HS có ý thức tự bảo vệ mình bằng việc đội MBH khi TGGT, nhà trường rất cần sự chung tay sát sao của PHHS”. 
Có thể nói sự quan tâm và uốn nắn thường xuyên của cha mẹ đóng vai trò thiết yếu trong việc giáo dục ý thức TGGT cho trẻ bởi bản thân các em chưa thể nhận thức hay tự chịu trách nhiệm đầy đủ về hành vi của mình. Nếu cha mẹ không nhắc nhở con cái đội MBH thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm tăng tỷ lệ trẻ đội MBH của các cơ quan chức năng đều là vô nghĩa.
Cụ thể, PH cần phân tích giúp các em hiểu rõ sự nguy hiểm khi TGGT nếu không đội MBH để trẻ tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, cha mẹ mỗi lần ngồi lên xe cần đội MBH và cài mũ đúng quy cách để làm gương cho con cái.
Tham gia xong trò chơi đi xe đạp chậm, bé Minh Anh (Q.1) vui vẻ nói: “Lúc thi xe đạp chậm, con sợ ngã lắm vì ngã làm con đau. Nhưng khi chú công an Phạm Minh Tuấn (Đại diện Ban ATGT) đội MBH cho con và nói như vậy sẽ tránh làm con bị thương ở đầu nếu ngã. Giờ thì con cảm thấy đỡ sợ và tự tin hơn. Con sẽ làm theo lời chú dặn”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)