Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đội ngũ giáo viên tâm lý – giáo dục: Tre già, măng… chưa kịp mọc

Tạp Chí Giáo Dục

Cấp bách xây dựng đội ngũ giảng viên kế cận cho các trường đại học sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành tâm lý – giáo dục trong những năm tới.
Tại hội thảo “Vai trò của Khoa Tâm lý – Giáo dục đối với sự phát triển của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong 35 năm qua” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 31-5, TS. Huỳnh Công Minh (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đã nêu những nét đáng buồn về thực trạng hoạt động khoa học tâm lý – giáo dục trong trường mầm non và phổ thông tại TP.HCM. Theo ông Minh, điều lệ nhà trường không quy định thành lập tổ chức và nhân sự tham vấn tâm lý. Bộ máy sư phạm giúp hiệu trưởng giáo dục học sinh là giáo viên đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn hội, giám thị, quản nhiệm… Tuy nhiên lực lượng này hầu như chịu ảnh hưởng khá nặng bởi quan điểm giáo dục truyền thống, chủ yếu vẫn áp đặt, áp dụng hệ thống kỷ luật hành chính. Sở GD-ĐT TP.HCM đã tham mưu với UBND thành phố để có biên chế và thiết lập hệ thống tổ chức tham vấn tâm lý học đường, có chế độ bàn giao định kỳ nhằm nâng cao năng lực tâm lý – giáo dục cho đội ngũ và bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Song hiện nay rất khó tuyển dụng đủ lực lượng theo biên chế cho phép do thiếu nguồn đào tạo chính thống.
Trong khi đó, số giáo viên thâm niên đã qua đào tạo sâu về khoa học tâm lý nay đã lớn tuổi, hầu hết đã nghỉ hưu. Số còn lại ít nhiều đều bị ảnh hưởng quan niệm giáo dục phong kiến, kỷ luật hành chính, áp đặt… do vậy khó “thích ứng” với quan điểm giáo dục dân chủ ngày nay. Số giáo viên mới tốt nghiệp là nhân tố quan trọng trong công cuộc đổi mới nhưng thường thiếu năng lực và bản lĩnh nhất là trong điều kiện xã hội ngày càng có nhiều biến động và tâm lý học sinh rất nhiều thay đổi. TS. Minh thừa nhận, dù Sở GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều đổi mới (về quản lý, phương pháp dạy học, các mối quan hệ tích cực trong nhà trường); tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình giáo dục tốt nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động tâm lý giáo dục trong nhà trường nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu do thiếu tính căn cơ, thiếu đồng bộ và hệ thống.
Việc phát triển đội ngũ kế cận cho ngành là cấp bách và hết sức quan trọng được nhiều đại biểu đặt ra nhằm hướng đến giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong thời gian tới. Chỉ riêng tại Khoa Tâm lý – Giáo dục của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giảng viên Lý Minh Tiên thống kê, giai đoạn 2011 đến 2015 sẽ liên tục có người nghỉ hưu, trung bình mỗi năm 2-3 người. Mặc dù khoa đã chú trọng tìm lực lượng bổ sung nhưng kết quả nhận được vẫn chưa được như mong đợi, số lượng hiện tại vẫn thiếu so với nhu cầu. PGS.TS Đoàn Văn Điều (Khoa Tâm lý – Giáo dục) cũng nhấn mạnh việc đào tạo dài hơi nguồn nhân lực kế cận: “Khoảng 5 năm nữa, những giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ rất ít, không đủ sức đảm nhiệm công việc được trường giao. Khó khăn ở chỗ số lượng giảng viên trong khoa chưa làm hết thời gian quy định dành cho mình, nhưng nếu phải chờ đợi giảng viên lớn tuổi về hưu mới tuyển mới thì việc đào tạo bồi dưỡng lực lượng kế tục cũng sẽ gặp khó”.
Trên thực tế, còn có tình trạng sinh viên tỏ ra xem nhẹ các yếu tố tâm lý – giáo dục trong giảng dạy. Nguyên nhân theo TS. Đinh Phương Duy (Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM) là do trong những năm gần đây, các học phần tâm lý – giáo dục tại các trường sư phạm đã không còn là môn thi tốt nghiệp.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)