Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đội ngũ văn nghệ sĩ: Cần cảnh giác với cái nhìn thiên kiến, lệch chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 5-1, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với giới văn nghệ sĩ… Tới tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang; Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đại diện các ban ngành và khoảng 300 đại biểu giới văn nghệ sĩ TP.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trò chuyện với NSND Ngọc Giàu và NSND Lệ Thủy. Ảnh: Q.Huy

Tại buổi gặp gỡ, các văn nghệ sĩ đã đóng góp, hiến kế cho TP nhiều giải pháp nhằm giáo dục, định hướng cho giới trẻ ngày hiểu và biết nhiều hơn về lịch sử của dân tộc của TP; cần giám sát chặt hơn nữa những chương trình “bất cập”, thiếu định hướng, thiếu tính thẩm mỹ, không có tính giáo dục đang nở rộ trên các kênh truyền hình của TP và các đài khác… Bên cạnh đó là những trăn trở về công tác đền ơn đáp nghĩa; nâng cao cả chất và lượng về văn học – nghệ thuật của TP.

Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy bày tỏ, dù lãnh đạo TP bận trăm công ngàn việc vẫn tạo điều kiện để giới văn nghệ sĩ TP được gặp gỡ, trao đổi những tâm tư nguyện vọng, tạo một niềm tin mãnh liệt để bà cũng như những văn nghệ sĩ khác tiếp tục cống hiến nhiều hơn.

Bà Thúy cũng mong muốn lãnh đạo TP, cần có cuộc phát động viết về những ngày tháng anh hùng của cuộc đấu tranh và đặc biệt khi vào năm 2018, TP cùng cả nước sẽ kỷ niệm 50 năm “Mậu Thân 1968”. Qua đó nhằm giáo dục cho giới trẻ biết trân trọng cuộc sống hôm nay. Bởi có cuộc sống thanh bình, đất nước độc lập như hôm nay là biết bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu mới giành được.

Họa sĩ Trang Phượng – nguyên Phó ban Tuyên giáo Thành ủy – xúc động kể lại những tháng ngày hào hùng của quân và dân ta vào năm “Mậu Thân 1968”. Trong đó đặc biệt là tấm lòng tri ân của ông với các liệt sĩ văn nghệ sĩ và những người dân bình thường khác đã chấp nhận hy sinh tính mạng của mình cho độc lập – tự do của đất nước. Ông Phượng bồi hồi: “Trong “Mậu Thân 1968”, khi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất, nhiều đồng chí, anh em hy sinh. Ông và đồng đội không có thời gian để chôn cất liệt sĩ nên phải đưa anh em vào những ngôi nhà đang cháy do bom đạn, còn người bị thương, gặp nhà nào ông và đồng đội cũng gõ cửa nhờ nhân dân cưu mang, che chở cho anh em bị thương mà không biết đó là địch hay ta. Nhưng tất cả bà con đều ân cần đón tiếp và tìm cách cứu thương, đưa anh em đi điều trị… Đó chính là ấn tượng mà cá nhân ông không bao giờ quên, ân tình của nhân dân đối với quân giải phóng”.

Còn NGƯT Nguyễn Ngọc Ký cho biết, trong thời gian qua bản thân ông đã sáng tác được 79 tập thơ văn về văn học thiếu nhi để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước nhưng bản thân ông tuy thấy học trò vẫn đam mê về văn học, nghệ thuật nhưng công tác truyền bá những tác phẩm này tới học trò TP còn hạn chế.

Thầy Ký mong muốn, thời gian tới hội và TP cần có những kế hoạch cụ thể để làm sao dành “một góc – tâm hồn nho nhỏ” viết cho các em để văn học nhà trường” thật bổ ích cho học trò TP.

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trân trọng và ghi nhận, cảm ơn các anh, các chị, đã đem đến đây không chỉ cảm hứng sống, cảm hứng sáng tạo mãnh liệt mà còn là sự hiểu biết, nỗi đồng cảm sâu sắc về trách nhiệm chung cùng nhau vun đắp, kiến tạo một cuộc sống ngày càng có chất lượng cao hơn, đẹp hơn cho tất cả mọi người dân… Bí thư Thành ủy cho biết, trong buổi gặp gỡ này bản thân ông rất ấn tượng vì được gặp nhiều “thần tượng” của mình từ hồi còn cắp sách tới trường…

Bí thư Đinh La Thăng khẳng định, tất cả các kiến nghị, góp ý của các đại biểu sẽ được lãnh đạo TP bàn bạc với Hội Liên hiệp nhằm đưa ra những kế hoạch cụ thể nhất, kể cả việc truy phong – đền ơn đáp nghĩa tới các văn nghệ sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Vì các nghệ sĩ chính là những người lính tiên phong trong công cuộc xây dựng và đổi mới của đất nước và TP.HCM. Chúng ta không phủ nhận vẫn còn nhiều chuyện chưa thể bằng lòng, còn khiến nhiều người bận tâm. Tuy thế, tôi muốn chúng ta cùng khẳng định lại rằng, bản chất của xã hội ta là tốt đẹp. Lòng yêu nước, yêu chế độ, tính hướng thiện, làm điều tốt, sống có trách nhiệm là thiên hướng chủ đạo của mỗi người dân. Tùy vào hoàn cảnh, tâm thế mà những phẩm chất đó được thể hiện khác nhau, trong sự đa dạng và đa âm của đời sống. Văn nghệ sĩ sẽ là những người đầu tiên nhìn thấy, nghe thấy, tìm ra những nét đẹp ấy, trong những dáng vẻ khác nhau, từ đó biểu dương, khẳng định mạnh mẽ những mặt tích cực, đồng thời chỉ ra nơi ẩn nấp của những thứ tiêu cực, vạch trần những góc tối tăm làm hoen ố tâm hồn con người.

“Chúng ta không sợ phải chỉ mặt gọi tên cái xấu, cái ác. Nhưng chúng ta cần phải cảnh giác với những cái nhìn thiên kiến, lệch chuẩn, những ý nghĩ u ám làm tiêu tan nhuệ khí lao động, chiến đấu và sáng tạo vốn rất cần được tiếp sức của xã hội. Hơn lúc nào hết, xã hội cần một sự đồng lòng, huy động sức mạnh của cả khối đại đoàn kết toàn dân. Sự động viên, khích lệ bằng vẻ đẹp, tạo ra sự thăng hoa trong mỗi tâm hồn là vô cùng quan trọng. Đó là nhiệm vụ đặc biệt và đặc thù của nghệ thuật. Vì thế, tại đây, tôi kêu gọi giới văn nghệ sĩ tiếp tục nhận lấy công việc to lớn và tinh tế ấy. Chúng ta cần tiếp tục làm bền vững hơn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta cần làm cho đời sống tinh thần của hơn 10 triệu người dân luôn có sự phong phú, giàu có, sang trọng và đa dạng. Bởi vì họ yêu thành phố này, gắn bó máu thịt với nó và xứng đáng được quan tâm hơn nữa”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Lê Quang Huy

Bình luận (0)