Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Đổi” nguồn nước cho TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng gia tăng, TP.HCM dự kiến sẽ di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Dự kiến hồ Dầu Tiếng sẽ là nơi cung cấp nước thô cho TP.HCM		 /// Ảnh: Giang Phương
Dự kiến hồ Dầu Tiếng sẽ là nơi cung cấp nước thô cho TP.HCM. ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Đây là một trong những nội dung nổi bật thuộc Đề án phát triển hệ thống cấp nước TP giai đoạn 2020 – 2050, cùng Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 vừa được UBND TP.HCM chính thức phê duyệt.
Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng
Theo định hướng phát triển hệ thống cấp nước của TP giai đoạn 2020 – 2050, TP.HCM sẽ di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2030, TP sẽ di dời điểm khai thác nước thô hiện tại ở xã Hòa Phú (H.Củ Chi) lên vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện hữu khoảng 15 – 20 km, cách ngã ba sông Thị Tính – sông Sài Gòn khoảng 10 – 15 km về phía thượng lưu. Việc này nhằm hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính.
Tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông là rất lớn, không ai dám chắc nước phía thượng nguồn an toàn tuyệt đối và không có thêm tác nhân khác gây nguy hại. Do đó, vấn đề gốc rễ là quản lý an ninh nguồn nước
GS-TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường
Trong tương lai, các nhà máy nước hiện hữu và nhà máy mới sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An. Các nhà máy nước dự kiến được xây từ 2 hướng đông và tây của TP. Trong đó, nhà máy nước phía đông có công suất 500.000 m3/ngày và đêm, sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai, hồ Trị An, dự kiến hoạt động năm 2040, vị trí đặt tại TP.Thủ Đức. Nhà máy nước phía tây sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng với công suất 2 triệu m3/ngày và đêm (năm 2050), vị trí đặt tại huyện Hóc Môn hoặc Bình Chánh.
Thực tế, hiện nay 94% nguồn nước thô TP.HCM lấy từ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai thông qua 2 trạm bơm Hòa Phú (H.Củ Chi) và Hóa An (Đồng Nai), sau đó được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước Thủ Đức xử lý, cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, TP.HCM nằm phía cuối lưu vực nên còn tồn tại rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế – xã hội dọc theo hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn nhìn chung biến động và có xu hướng xấu hơn. Các chỉ tiêu như ammonia (NH3-N), hữu cơ, vi sinh, mangan (Mn)… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng. Số lượng trực khuẩn, E.coli, độ đục và hàm lượng ammonia, mangan đều vượt quá chuẩn cho phép của VN và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cấp nước cho cộng đồng.
“Đổi” nguồn nước cho TP.HCM
Trạm bơm của Nhà máy nước Thủ Đức trên sông Đồng Nai, đoạn ngay cầu Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai). ẢNH: LÊ LÂM
Hàng trăm triệu USD đổi sự an toàn
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên TP.HCM tính đến chuyện di dời điểm khai thác nước thô lên phía thượng nguồn. Quy hoạch tổng thể cấp nước TP.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 đã nêu rõ nhu cầu sử dụng nước cho TP đến năm 2025 là trên 3,6 triệu m3/ngày. Quy hoạch cũng đặt vấn đề di dời nguồn lấy nước, xây dựng một số tuyến ống chuyển tải nước thô từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An về các nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Đức. Trước nguy cơ nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và bẩn, các cơ quan chuyên môn của TP.HCM cũng đã tính đến việc lập hồ dự trữ nước sông. Song song, sẽ chuyển điểm lấy nước từ trạm bơm Hòa Phú hiện nay lên khu vực thượng lưu sông Sài Gòn thuộc H.Củ Chi. Phương án này sẽ xây dựng 10 km đường ống để dẫn nước về Nhà máy nước Tân Hiệp. Thế nhưng đến nay đã gần 1 thập kỷ, đề án này vẫn chưa được thực hiện.
Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên – Môi trường TP, chất lượng nước sông Sài Gòn từ Hóa An về Cát Lái đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Trong đó, nước của sông Sài Gòn từ Bình Phước trở xuống đến điểm đổ ra sông Đồng Nai chỉ đạt chuẩn nguồn loại B, đang bị ô nhiễm vi sinh cao. Ngược lại, nước ở phần thượng nguồn từ Bình Phước trở lên đạt tiêu chuẩn nguồn loại A.
Ủng hộ việc di dời điểm lấy nước thô về phía thượng nguồn của TP.HCM, GS-TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, phân tích nguyên tắc trong quản lý nguồn nước là các điểm xả thải sinh hoạt hay công nghiệp, nông nghiệp đều không nằm ở phía thượng nguồn, các khoảng cách thế nào đều được quy định rõ theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nguồn nước tránh xa nguồn xả thải sẽ đảm bảo an toàn.
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia TP.HCM, đánh giá tình trạng ô nhiễm tại sông Sài Gòn hiện nay đã quá nghiêm trọng. Nếu tiếp tục sử dụng nguồn nước này sẽ phải cải thiện các nhà máy xử lý nước với công nghệ cao hơn mới đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Quan trọng hơn, tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đặc điểm thời tiết, thủy văn và biến đổi khí hậu đã khiến nguồn nước mặn xâp nhập rất sâu vào mùa khô, dẫn đến thiếu nước. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khu vực phía thượng nguồn sông Sài Gòn – sông Đồng Nai sẽ nằm trong khu vực an toàn, ít chịu tác động trong khoảng từ 50 – 100 năm nữa.
“Tính cấp bách thì ai cũng thấy rõ, về kỹ thuật di dời cũng không có vấn đề gì. Khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn. Để di dời điểm khai thác nguồn nước thô, TP.HCM sẽ phải đầu tư hàng trăm triệu USD cho hệ thống trạm bơm nước công suất cực lớn, hàng triệu m3/ngày đêm; đường ống dài, quy mô lớn và cả chi phí đền bù giải tỏa mặt bằng… Đấy là lý do TP còn chần chừ, khi nhu cầu vốn chưa thu xếp được thì vẫn cố gắng xoay xở, kéo dài tiến độ”, ông Phi lý giải.
Mấu chốt là an ninh nguồn nước
Mặc dù ủng hộ việc đổi nguồn lấy nước thô nhưng GS-TS Trần Đức Hà cho rằng lấy nước trực tiếp phía thượng nguồn mới đơn thuần là an toàn theo cách hiểu “tránh xa được nước thải nông nghiệp từ Bình Dương”. Tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông là rất lớn, không ai dám chắc nước phía thượng nguồn an toàn tuyệt đối và không có thêm tác nhân khác gây nguy hại. Do đó, vấn đề gốc rễ là quản lý an ninh nguồn nước.
Phân tích rõ hơn, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế Mê Kông, cho biết trên thế giới đã có nhiều dự báo tương lai sẽ có cuộc chiến tranh về nước. Nước trong tự nhiên rất nhiều nhưng nước dùng cho sinh hoạt, phục vụ đời sống ngày càng hiếm. Việc TP.HCM hay VN nói chung lấy nguồn nước để lọc phục vụ sinh hoạt có xác suất an toàn không cao lắm. Đơn cử, vụ gây ô nhiễm lớn tại nguồn nước ở Sông Đà xảy ra mới đây cho thấy lỗ hổng trong quản lý về an ninh nguồn nước rất lớn. Chúng ta phát hiện nước bẩn chỉ bằng mắt thường do bị đổ dầu thải vào.
Thực tế, nguy cơ ô nhiễm trên các sông đều rất lớn. Nguồn thải từ con người, chất độc hại không được quản lý, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất… được sử dụng tràn lan, vô tư xả ra sông, suối ngày càng nhiều nên mức nhiễm chất độc trong nước sinh hoạt là cực kỳ cao. Giả sử VN kiểm soát được nguồn nước trong quốc gia mình nhưng dòng sông chảy qua nhiều quốc gia trước khi vào VN thì rất khó kiểm soát. Thế nên, tư duy ô nhiễm đến đâu, di dời tới đó chỉ là đối phó, chưa khả dĩ.
“Các nước không bao giờ lấy nước dùng sinh hoạt trực tiếp từ các dòng sông. Họ phải xây dựng các hồ chứa tự nhiên và qua nhiều tầng bậc, nếu lấy nước từ sông phải qua hồ chứa, lấy nước từ hồ chứa thứ nhất kiểm nghiệm rất kỹ, kết quả an toàn mới đưa vào các hồ chứa sau. Vấn đề là nước tại dòng sông luôn chảy, nguồn nước được lấy vào phải được dự trữ lớn…”, ông Tùng nói.
Theo Hà Mai – Nguyên Nga/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)