Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đòi nợ… lòng tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Các ca sĩ hát trong mưa để làm từ thiện trong chương trình Xuân về đất võ – Ảnh: Đình Phú

Một số doanh nghiệp “mạnh thường quân”, sau khi đứng trước ống kính truyền hình giương cao tấm bảng gắn logo thương hiệu của mình, quên khuấy việc họ đã hứa đóng góp tiền làm từ thiện.

Trung tuần tháng 1.2010, phố biển Quy Nhơn (Bình Định) trở nên rộn ràng khi cùng lúc quy tụ hơn 200 ca sĩ, nghệ sĩ khắp mọi miền đất nước đến tham gia Ngày hội ca sĩ – Nối vòng tay lớn lần thứ IV, do Công ty giải trí Lê Quang (TP.HCM) và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức.

Ngày hội không chỉ có lời ca tiếng hát mà các “sao” còn nhiệt tâm làm việc thiện với mục đích giúp đỡ đồng bào nghèo Bình Định vừa trải qua bão lũ dồn dập vào những tháng cuối năm 2009. Khán giả thật sự cảm động khi xem các nghệ sĩ bước ra sân khấu trình diễn bất chấp mưa nặng hạt.

Chương trình Xuân về đất võ (một hoạt động của Ngày hội ca sĩ – Nối vòng tay lớn) tuy được truyền hình trực tiếp trên sóng của HTV và Đài PT-TH Bình Định, nhưng hơn một vạn khán giả vẫn nô nức đổ về sân vận động Quy Nhơn cổ vũ cho lòng nhiệt thành của các nghệ sĩ. Chương trình quyên góp được hơn 20 tỉ đồng (kể cả tiền bán đấu giá tặng phẩm của nghệ sĩ). Có thể nói đó là một con số kỷ lục đã làm ấm lòng bao người nghèo đang mong ngóng được sự sẻ chia. Toàn bộ số tiền này có được là nhờ hơn 80 đơn vị, cá nhân hảo tâm ủng hộ và cam kết thống nhất chuyển vào Quỹ Vì người nghèo Bình Định để Ủy ban MTTQ tỉnh này hỗ trợ xóa nhà tạm và triển khai một số chương trình an sinh xã hội ở trên địa bàn.

Vậy mà kế hoạch đã được cơ quan chức năng tính toán triển khai để giúp một bộ phận người nghèo sớm ổn định cuộc sống buộc phải tạm ngưng vì sau những tấm bảng “5 tỉ”, “1 tỉ”, “500 triệu”… lúc truyền hình trực tiếp là sự chậm trễ, thậm chí một số đơn vị còn “quên” nghĩa vụ chuyển khoản của mình. 3 tháng sau khi chương trình diễn ra đến nay, Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bình Định chỉ mới tiếp nhận khoảng 2 tỉ đồng (tương đương 1/10 số tiền đăng ký ủng hộ), chủ yếu do các cá nhân hảo tâm đóng góp. Tính đến ngày 9.4, vẫn còn hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký ủng hộ nhưng vẫn chưa chuyển tiền, như: Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng (1 tỉ đồng), Công ty CP quốc tế C&T (500 triệu đồng), Công ty TNHH Việt Thuận Thành (500 triệu đồng)…

Mong ngóng tiền về như tâm trạng của người nghèo cần được “tiếp sức”, cơ quan chức năng bất đắc dĩ đã phải phát công văn… đòi nợ. Công văn gửi đi nhưng nhiều “đích đến” vẫn bặt vô âm tín. Doanh nghiệp trên địa bàn thì cơ quan chức năng còn có khả năng “đòi” được, nhưng với doanh nghiệp ngoại tỉnh thì rất khó “đòi”, nếu như bản thân doanh nghiệp đó không tự ý thức hoặc không “vui vẻ” như khi họ đứng trước ống kính truyền hình giương cao tấm bảng gắn logo thương hiệu của mình.

Thực tế không ít hoạt động lễ hội theo mô hình xã hội hóa bị doanh nghiệp “chạy làng”, hoặc “hứa nhiều góp ít” khiến đơn vị tổ chức dù rơi vào tình thế rất khó khăn nhưng cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Hội hè khép lại cũng là lúc không ít doanh nghiệp bình thản chờ lòng tốt của mình “bị” quên, và rồi cũng huề cả làng.

Người nghèo không biết ngã giá với lòng tốt của doanh nghiệp mà chỉ biết đợi chờ và hy vọng. Thế nên sự quyên góp, giúp đỡ không phải chỉ dừng lại ở những tấm bảng gắn logo thương hiệu để “lòe chơi” mà còn phải biết gắn liền với tấm lòng!

Đình Phú (Theo TNO)

Bình luận (0)