Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đời nữ phục vụ: Kỳ 3: Tuyển chọn khắt khe

Tạp Chí Giáo Dục

Một nữ tiếp viên đang ghi thực đơn cho khách

Có 1.001 lý do để các cô gái có gia đình rồi vẫn theo nghề phục vụ bàn. Ở nhà họ là vợ hiền, dâu thảo, khi đến quán họ là một con người hoàn toàn khác.
Tiêu chí tuyển phục vụ
Nam Sài Gòn được biết đến là một khu đô thị mới của hòn ngọc Viễn Đông. Ở đây còn nổi tiếng bởi những quán nhậu sầm uất, ngày cũng như đêm. Đại lộ Nguyễn Văn Linh được dân nhậu gọi là phố nhậu, cái tên này dần dà bị “lép vế” và thay vào đó là phố nhậu Nguyễn Thị Thập. Với trên dưới 100 quán, nhà hàng lớn nhỏ bán thâu đêm là điểm dừng chân của mọi thành phần trong xã hội.
Được nghe những tình huống bi hài trong khi đi xin việc của các cô phục vụ. Để hiểu thêm, tôi dắt cô em họ đến quán nằm trên phố nhậu để xin việc. Chúng tôi ngồi đợi ở tiền sảnh của quán lẩu dê 404 trước hàng chục con mắt của các cô phục vụ. Một cô gái trong bộ váy ngắn cũn cỡn, áo dây khá mát mẻ bước đến gần hỏi cô em tôi: “Chị xin làm phục vụ hả?”. Vừa hỏi cô đưa mắt nhìn chằm chằm từ chân đến đầu cô em. Có vẻ như cô ta không hài lòng về điều gì đó. Cô này hướng dẫn: “Nếu có gia đình rồi thì giấu đi nghen, ở đây không nhận gái có chồng đâu”.
Từ trên lầu, người đàn ông trung niên có hàng ria mép, mang đôi kiếng cận trông trí thức gớm. Ông ta giới thiệu mình tên Kiên, em ruột của chủ quán, phụ trách nhân sự. Sau vài câu xã giao, ông Kiên hỏi: “Em có gia đình chưa?”. Dạ chưa, cô em họ trả lời. Thế có làm việc này ở đâu bao giờ chưa? Chưa kịp trả lời, ông ta tiếp: “Mà không cần kinh nghiệm đâu, ở đây chỉ cần các cô chịu ăn mặc thoải mái, chiều khách là ok”. Thấy chúng tôi do dự vì mức lương quá thấp, ông Kiên đưa tấm danh thiếp, nói: “Cứ suy nghĩ, nếu được thì a lô”.
Chúng tôi lại ngược sang cư xá Lữ Gia, quận 11 – nơi từng được mệnh danh là làng nhậu nổi tiếng trong thành phố. Khác với những quán khác, ở khu này không treo bảng tuyển nhân viên nhưng nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Tiếp chúng tôi là một thanh niên có tuổi đời khá trẻ. Biết cô em họ của tôi đến xin việc, anh ta nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống cô em hồi lâu, phán: “Nói thật em gái đừng buồn, em gầy lắm. Thương em anh nhận nhưng ông chủ không chịu đâu. Vừa dứt lời, anh ta bỏ đi một mạch. Anh tiếp thực đứng gần đó bỏ nhỏ vào tai tôi: “Ổng (nói người lúc nãy – PV) chê cô kia gầy là ý nói ngực cô ta nhỏ”. Thì ra vậy, ngoài khuôn mặt ưa nhìn, hay cười thì cái đó cũng quan trọng không kém khi đi làm phục vụ ở những quán nhậu như thế.
Nội chiến giữa phục vụ
Nếu một người được tuyển vào thì có không ít cô nơm nớp lo sợ sẽ mất việc. Chính vì điều này, ở mỗi quán nhậu thường xảy ra tình trạng ganh ghét giữa phục vụ với nhau. Ở quán Nghĩa Phát, cư xá Lữ Gia đã xảy ra nhiều vụ phục vụ đánh nhau, đánh từ trong quán ra ngoài đường. Còn ở quán Hương Quê gần đó, vào cuối năm 2009 đã xảy ra vụ hỗn chiến bằng vỏ chai bia giữa hai cô phục vụ đến nỗi thực khách phải bỏ chạy thoát thân.
Lưu Phi Hùng, trước đây làm quản lý bar, karaoke Bình Minh (đường Nguyễn Thị Thập, quận 7) kể lại: “Chuyện phục vụ đánh nhau là bình thường, diễn ra như cơm bữa. Họ ghét nhau vì sắc đẹp, vì tuổi tác, vì thu nhập… Ở môi trường này, thật ra người chung nghề phải thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau nhưng chung quy cũng vì miếng cơm manh áo cả”.
“Mồi sống”
Bên cạnh những quán cần phục vụ chưa lập gia đình vẫn có một số quán cần các cô đã thôi chồng. Sở dĩ nhiều chủ quán nhậu tuyển các cô gái đã có một đời chồng vì họ cần ở các cô sự bạo dạn.
Ngoài đội ngũ phục vụ bàn trên 10 người, quán nhậu Xanh (huyện Bình Chánh) còn có một lực lượng “đánh du kích”. Số người này chủ quán không phải trả lương hàng tháng mà chỉ sống bằng tiền boa của khách. Khi khách cần, chủ quán sẽ gọi họ đến, bao nhiêu cũng có. Nhiệm vụ của họ chỉ ngồi rót bia, trò chuyện, đôi lúc phải biết chấp nhận tật táy máy tay chân của những vị khách có máu… dê. Trước khi đến, chủ quán cũng nhắc nhở với giọng hài hước nhưng không kém phần nghiêm nghị: “Ở đây chỉ từ A đến C, nhiều lắm là H thôi nghe, nữa là đi chỗ khác giúp cho”.
Ở các quán nhậu chắc chắn không có món thịt dê sống nhưng lại có ở quán sân vườn Linh Chi (quận 8). Các “đệ tử lưu linh” gọi món “độc” ấy là mồi sống, cụ thể hơn là “dê sống”. Người lao động thu nhập thấp có thể “nướng” cả tháng lương cho một chầu nhậu ở đây.
Chiều cuối tuần, Kiệt, một tay cò đất có tiếng ở khu Nam Sài Gòn gọi tôi đến quán có món “độc”. Hiểu việc tác nghiệp của tôi cần một góc thuận tiện, Kiệt chọn bàn ngồi khuất sau chậu lộc vừng. Khách vào quán mỗi lúc một đông. Các cô phục vụ ăn mặc rất tinh tươm với quần Tây hoặc quần jeen và áo sơ mi trắng kín đáo. Tuy nhiên, Kiệt bảo cách ăn mặc đó chỉ là hình thức. Sau khi bật nắp hai chai bia, cô phục vụ nhỏ nhắn hỏi chúng tôi: Hai anh cần bạn ngồi cùng không? Chúng tôi từ chối, cô ta lại sang bàn khác mời mọc. Cả nửa giờ trôi qua rồi còn gì, cứ tưởng buổi tác nghiệp của tôi trở thành công cốc bỗng Kiệt lay nhẹ chân tôi và hất hàm về phía bàn bên trái. Cô phục vụ lúc nãy đang đứng trong lòng của một ông khách đáng tuổi cha mình và thản nhiên hôn giữa thanh thiên bạch nhật. Ông khách rút tờ tiền mệnh giá 20 ngàn đồng xoe tròn rồi nhét vào khuy áo của cô phục vụ. Cô rời khỏi lòng ông khách đến ngồi ở một góc rồi cho tiền vào ví. Tôi ra hiệu cô ta đến bàn giả vờ hỏi han. Nhìn bảng tên biết cô tên Bảo Ngọc. Ngọc quê Hậu Giang, đã có một con trai, chồng theo vợ bé hơn năm nay phải đi làm nuôi con nhỏ.
May mắn hơn Bảo Ngọc, Sương (Kiên Giang) từng làm phục vụ nhiều bar nổi tiếng trong thành phố. Từ ngày lập gia đình, sinh con đẻ cái rồi phải nuôi mẹ chồng nay ốm mai đau… cuộc sống gia đình chật vật hơn. Đồng lương công nhân của chồng không đủ sống nên chấp nhận để vợ đi làm phục vụ quán nhậu. Sương giãi bày: “Ông xã em đồng ý cho em đi làm phục vụ bình thường. Ổng mà biết em đi làm kiểu này chắc ổng giết em mất”. Kiệt cho biết, ban ngày coi “hiền” vậy chứ đêm “táo bạo” lắm.
Nữ, mới vào làm phục vụ ở quán Linh Chi cho biết: “Lương chỉ có 1 triệu đồng/ tháng, chủ quán cho phép phục vụ làm thế để kiếm tiền boa”. Em không ngại hay sợ điều gì sao? Nữ thản nhiên trả lời: “Mỗi lần để khách ôm, hôn như vậy được 20-50 ngàn đồng, có mất mát chi đâu mà sợ”.
Bài, ảnh: Trần Trần
Kỳ cuối: Đường về

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)