Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đời nữ phục vụ: Kỳ cuối: Chông chênh đường về

Tạp Chí Giáo Dục

Mẹ và em gái của Thúy

Hầu hết các nữ phục vụ ít nhất cũng đã một lần nghĩ đến chuyện chuyển nghề hoặc “Ta về ta tắm ao ta…”, nhưng nó cứ như một cái “nghiệp chướng” không thể rứt ra…
Ngắn tuổi nghề
Dung – phục vụ ở quán Hương Quê (Tân Bình, TP.HCM) tâm sự chuyện nghề: “Làm nghề này chỉ được vài năm, trong đó phải chạy từ chỗ này sang chỗ kia, một quán làm chừng vài tháng, quán nào làm được một năm là kỳ cựu”. Nghề phục vụ quy luật đào thải đến khá nhanh. Hơn nữa, đa phần những cô phục vụ đều từng có vài năm làm ở bar, vũ trường… khi hết thời mới đi làm phục vụ quán nhậu. Dung thừa nhận, cũng là làm phục vụ nhưng mỗi môi trường đều có cấp bậc riêng của nó. Từ vũ trường, quán bar, đến quán cà phê rồi quán nhậu… Hết thời ở quán lớn thì dạt sang quán nhỏ, từ nội thành về ngoại thành… Ngô Văn Phú, tổng quản lý một hệ thống quán nhậu, nhà hàng ở TP.HCM ví: “Các cô phục vụ cũng như một sản phẩm, sản phẩm nào được khách hàng chọn nhiều thì trưng bày ở nơi dễ nhìn và ngược lại”. Chính vì thế, nơi làm việc của các cô được luân phiên thay đổi theo thứ hạng…
Mới vào làm còn được khách để ý, các quán khác đến săn đón nhưng thời hoàng kim ấy sớm tắt lịm. Các cô không còn thấy tự tin làm việc ở đó nữa và lại tìm đến một nơi khác thích hợp hơn. Đó là quy luật, các cô nghĩ rằng tự mình đi sẽ hay hơn chờ đến lúc bị… đuổi khéo. Không còn “cạnh tranh” được nữa thì nghĩ ngay đến chuyện “làm bé” cho một “đại gia” nào đó lắm tiền nhiều của hoặc sống bằng “vốn tự có”. Đó là suy nghĩ của hầu hết các cô gái làm phục vụ mà tôi từng tiếp xúc. Với hai lựa chọn, cách nào thì đường về cũng tối tăm mù mịt. Như cô bạn cùng xóm của Dung tên Điệp làm vợ hờ cho một người đàn ông đáng tuổi cha mình được vài tháng thì đường ai nấy đi. Lựa chọn sống bằng “vốn tự có”, cô cũng từng kinh qua nhưng chẳng thấy tương lai ở đâu?
 “Nhìn tụi này ra đường mặc thời trang hàng hiệu, đi xe tay ga đời mới, nói cười hồn nhiên nhưng khi trở về giữa bốn bức tường, không ít người có bao chuyện lo toan phải vò đầu bứt tóc. Cuộc sống của nữ phục vụ nhiều đối phó: với gia đình, với cái nhìn của người đời và cả người cho vay nặng lãi”, Dung nói. Không ít cô quen với cuộc sống xa hoa, phung phí nên khi trở về quê lại chán ngán, rồi đi nữa. Theo Dung, nghề phục vụ cứ như nghiệp chướng.
Đường về xa lắm…
Rời đảo Hòn Sơn (Rạch Giá, Kiên Giang) quanh năm nắng gió, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thúy vào TP.HCM làm phục vụ. Nơi Thúy làm việc là một quán ăn gia đình thuần túy. Sau 3 tháng, Thúy quen với một thanh niên, là khách ruột của quán. Rồi họ thuê nhà sống với nhau như vợ chồng. Người chồng không hôn thú yêu thương, chăm sóc cô hết mực. Anh đề nghị Thúy đưa mẹ và đứa em gái bệnh bại não lên sống chung. Ngày anh mất vì tai nạn giao thông, bác sĩ khẳng định anh nhiễm HIV. Cái tin dữ ấy khiến Thúy như người không hồn, đêm ngày cứ ra ngẩn vào ngơ. Thúy mắc bệnh, đó là điều hiển nhiên. Hôm tôi tìm đến nhà trọ của Thúy ở P. Tân Hưng, Q.7, bà con ở xóm trọ còn xôn xao chuyện vợ chồng Thúy mắc căn bệnh chết người. Họ không ghét bỏ mà thương cho cô gái trẻ xấu số, bạc mệnh. Tiếp chúng tôi trong căn phòng chật chội chỉ nhỉnh hơn 10m2 là một người phụ nữ lam lũ, tiều tụy, hốc hác đến lạ thường. Người phụ nữ ấy chính là mẹ của Thúy. Thúy được người em gái của chồng đưa lên ở trong một trung tâm dành cho người nhiễm HIV tại Bình Phước. Nhắc đến tên con, mẹ Thúy nghẹn ngào: “Con tôi vắn số quá, nó sẽ chết trong nay mai. Mới tháng trước nó nói thèm ăn canh chua bông so đũa, tôi chưa kịp nấu cho nó ăn thì nó lại đi lên đó…”.
Sau bao năm lăn lộn mưu sinh nơi đất khách, Lê Thị Kiều (Tuy Phong, Bình Thuận) không nhớ nổi mình đã làm phục vụ ở bao nhiêu nhà hàng, quán ăn. Nhiều lần Kiều đã tính đến chuyện trở về quê nhưng sợ những lời đám tiếu, dị nghị của hàng xóm. Họ luôn nghĩ rằng đi làm phục vụ là xấu. Tài sản mà Kiều ki cóp được là chiếc Attila đời cũ và 5 chỉ vàng 18K. Nói trở về chứ đó là một cuộc trốn chạy. Kiều tâm sự: “Ngán ngẩm cuộc sống ở Sài Gòn, muốn làm nghề gì đó đàng hoàng hơn để còn xây dựng gia đình nhưng học hành không đến đâu. Ngoài 30 tuổi rồi, xin đi làm phục vụ không ai nhận cả”.
Bài, ảnh: Trần Trần

 

Có người nói vui đường về của các nữ phục vụ (kiêm kinh doanh “vốn tự có”) rất rộng, được chào đón nồng hậu nhưng con đường đó không phải đường về bên mái ấm gia đình mà đến trung tâm phục hồi nhân phẩm. Như Kiều, đã một lần đưa vào Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề phụ nữ TP.HCM (Thủ Đức, TP.HCM) theo diện tập trung nhưng khi trở về vẫn ngựa quen đường cũ. Kiều lý giải cho sự “trở lại” của mình: “Biết làm gì khác bây giờ?”.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)