Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đối phó với bệnh văn phòng mùa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Theo TS Huỳnh Tấn Tiến, Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, trong danh sách các bệnh nghề nghiệp thấy xuất hiện những bệnh của dân văn phòng liên quan đến… máy điều hòa.

 
Bệnh đau vai gáy là nỗi ám ảnh của dân văn phòng. Ảnh minh họa.
Đổ bệnh vì ít vận động
Theo TS Huỳnh Tấn Tiến, đã có nhiều bệnh nhân phải điều trị bệnh hô hấp, nguyên nhân có liên quan đến máy điều hòa. Theo BS Phạm Thị Hiếu, Trung tâm y tế Quang Hồng (Hà Nội), trời càng nóng, nhân viên văn phòng ngồi máy lạnh càng lâu. Mỗi lần ra vào phòng máy lạnh, trung khu điều nhiệt của cơ thể phải làm việc cật lực để phù hợp với môi trường chỉ trong… vài giây, làm suy giảm sức đề kháng. Cộng với không khí lạnh, khô, bụi và nhiều mùi hóa chất, bức xạ… càng kích thích viêm mũi dị ứng, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.
Máy lạnh ít vệ sinh còn phát sinh vi khuẩn có hại cho hô hấp, có nguy cơ nhiễm vi trùng legionella pneumophila (trú trong các ống nước máy lạnh, làm khởi phát nhanh bệnh sưng phổi), với các triệu chứng cảm cúm, nóng sốt, sổ mũi, nặng hơn là sưng phổi kèm đau khớp, nhức đầu, tiêu chảy… Thay đổi nhiệt độ đột ngột đã tạo thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào “vùng kín” khiến phụ nữ ngồi lâu trong văn phòng khó tránh khỏi bệnh viêm nhiễm.
Do nghỉ trưa ít, giới văn phòng thường ăn những thực phẩm giàu năng lượng, ít dưỡng chất (thức ăn nhanh, đồ uống có gas…), khiến dư thừa thức ăn và năng lượng, sinh ứ đọng mỡ, rối loạn chuyển hoá, dẫn tới nhóm bệnh mạn tính không lây liên quan đến lối sống (thừa cân – béo phì, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đột quỵ…).
Đáng kể nữa là nhóm bệnh về cơ xương khớp với các triệu chứng mỏi cổ, đau lưng, đau khớp, hội chứng vai gáy, hội chứng ống cổ tay… do tư thế ngồi, làm việc không phù hợp. Giới văn phòng còn bị tiếng ồn của phương tiện lưu thông, máy móc, chuông cửa, các thiết bị báo động, tiếng gõ bàn phím, máy in… làm căng thẳng tâm lý, lâu ngày dẫn tới stress.
Phòng tránh bệnh
Theo BS Phạm Thị Hiếu, người làm trong văn phòng dễ buồn ngủ, thiếu tập trung, đó là hệ quả của việc thừa khí carbonic (CO2) và thiếu ôxy, thiếu máu chứ không phải bị thiếu ngủ. Lúc đó mà ngủ sẽ càng muốn ngủ thêm và rất mệt. Giải pháp là năng mở cửa phòng để đối lưu không khí trước khi khởi động máy lạnh. Chỉ nên bật điều hòa 1-3 giờ thì tắt máy, mở cửa sổ cho gió và không khí làm giảm nhiệt độ trong phòng, hoặc dùng thêm máy tạo ion âm.
Nếu văn phòng chật, dùng một bình nhỏ xịt nước làm ẩm không khí trước khi bật máy lạnh để tăng độ ẩm và làm bụi nhỏ rơi xuống, giảm bớt độ ô nhiễm. Nên đặt bể cá, đồ có nước gần máy lạnh để làm ẩm không khí. Bàn làm việc không nên đặt ngay chỗ gió điều hòa thổi ra để tránh bị cảm, đau đầu.
Buổi trưa cần ngủ 5-10 phút rất có lợi cho tinh thần và cơ thể. Hãy tự mát xa đầu, vai, mắt, để các dây thần kinh được thư giãn, đầu óc bớt căng thẳng, loại bỏ cơn buồn ngủ. Hoặc vận động 30 phút, nghe nhạc, tán gẫu… Phụ nữ có thể tận dụng buổi trưa làm sạch da, bổ sung nước cho da (nhúng khăn vào ca nước lạnh hoặc nước đá, rồi đắp lên mặt khoảng 2-3 phút) để vào buổi chiều làm việc phấn chấn, vui vẻ. Đừng nằm bò trên bàn làm việc mà ngủ để tránh làm tổn thương cổ và đôi mắt. Khi ngủ nên tránh nơi máy lạnh thổi trực tiếp để không bị nhiễm lạnh.
 
– Trong văn phòng vẫn nên dùng kem chống nắng bảo vệ da vì vẫn bị tia tử ngoại tấn công. Thỉnh thoảng làm ẩm da bằng khăn hoặc vỗ nhẹ nước lên da.
– Uống nhiều nước và chớ ngại tới nhà vệ sinh. Nên uống 2 lần với 2 ly đầy nước/ngày, còn lại nên uống từng ngụm nhỏ để có lượng nước cần thiết.
– Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng thiết yếu, đủ nhu cầu năng lượng theo tuổi và điều kiện làm việc. Tránh khói thuốc lá, bụi, khí thải.
– Ít nhất sau 1 giờ nên tranh thủ đứng lên, đi lại, vận động tay chân 10 – 15 phút .
Trà Giang
GiadinhNet

Bình luận (0)