Bệnh đau nửa đầu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của con người. Ảnh: T.LÊ |
Bệnh này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc giảm đau mà cần phải có sự chỉ định của BS.
Những triệu chứng của bệnh
Chị Minh Phúc (quận Gò Vấp – TP.HCM) cho biết: “Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc đến chu kỳ kinh nguyệt là tôi bị đau nửa đầu bên phải, đau kinh khủng. Ngoài ra, tôi còn mỏi bên cánh tay phải. Tôi hay dùng thuốc giảm đau thông thường nhưng không cải thiện được bệnh này”.
Anh Quang Đại (38 tuổi, giáo viên Trường THPT Tân An, Long An) cũng bị bệnh đau nửa đầu bên phải cách đây hai tháng. Tuy không đau dữ dội như chị Minh Phúc nhưng thỉnh thoảng anh Đại lại bị giật giật nơi đỉnh đầu rất khó chịu. “Bệnh này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của tôi. Trước đây, tôi hoàn toàn khỏe mạnh không hề mắc bệnh gì cả” – anh Đại bảo thế.
Mặc dù bệnh đau nửa đầu không có nguyên nhân cụ thể, nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh này là viêm xoang mạn tính hoặc cấp tính, bệnh đau răng hoặc một số bệnh nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, mắt.
Bệnh tăng huyết áp, huyết áp thấp cũng có thể là nguyên nhân gây đau nửa đầu. Ngoài ra, do tác động của ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến tâm lý (thường gọi là stress) như công việc căng thẳng hay gặp sự cố không thuận lợi trong công việc cũng khiến nhiều người bị đau nửa đầu.
Bệnh này cũng hay bắt gặp ở những người nghiện thuốc lá, nghiện rượu hoặc cân nặng quá mức bình thường (béo phì), rối loạn giấc ngủ… Người mắc bệnh này thường đau đầu dữ dội, kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ, có khi cơn đau kéo dài nhiều ngày. Mức độ và tần số đau đầu ở mỗi người không giống nhau. Kèm theo đau đầu, người bệnh có thể bị buồn nôn, nôn, mệt mỏi, hay cáu gắt vô cớ. Ở một số người, mỗi lần cơn đau đầu tái phát thường có dấu hiệu báo trước như tim đập mạnh, nhanh, hoa mắt, chóng mặt… Khác với đau đầu thông thường, đau nửa đầu mang tính di truyền. Nếu cả bố và mẹ đều bị, nguy cơ con mắc bệnh lên tới 75%.
Nên làm gì khi bị đau nửa đầu?
Sự tức giận, căng thẳng, áp lực công việc có thể dẫn đến tình trạng đau nửa đầu. Nếu sự căng thẳng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chứng đau nửa đầu ngày càng tăng thêm. Chính vì thế, bạn phải luôn giữ cho tâm trạng của mình được thoải mái, thư giãn. Đó là cách bạn chăm sóc tốt sức khỏe và không để bị chứng đau nửa đầu tấn công.
Để ngăn ngừa bệnh đau nửa đầu thì khi mắc một trong các bệnh về tai mũi họng, răng, thoái hóa đốt sống, tăng hoặc giảm huyết áp thì phải nhanh chóng điều trị dứt điểm, nếu không bệnh này sẽ trở thành mạn tính.
Nếu bị stress thì nên khống chế nó bằng cách làm tăng thêm giấc ngủ, đi nghỉ ngơi, tìm bạn bè thân thích trò chuyện, nếu có điều kiện thì đi du lịch cùng gia đình, bạn bè… Những người bị đau nửa đầu nên tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê; tránh căng thẳng về tinh thần trong cuộc sống. Nên hạn chế uống nước lạnh hoặc ăn kem, vì nếu tiêu thụ thực phẩm lạnh, dây thần kinh sẽ nở ra, khiến cơn đau đầu mạnh hơn. Cần tránh ngồi trong phòng lạnh vì những mạch máu sẽ thay đổi bất thường để thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu phải ngồi trong phòng lạnh, hãy điều chỉnh nhiệt độ không thấp hơn 26 độ.
Không nên tự ý điều trị khi chưa có sự chỉ định của BS. Tuy nhiên, khi lên cơn đau dữ dội mà không kịp đi khám thì có thể dùng tạm các nhóm thuốc giảm đau thông thường như Alaxan, Miloxicam… để làm giảm cơn đau tạm thời, nhưng cần chú ý đến các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN (Bệnh viện 175 -TP.HCM)
Bình luận (0)