Mưa tầm tả, nhưng người gom rác vẫn chở rác về điểm tập kết cho kịp giờ |
Bài cuối: Những đứa trẻ lớn lên cùng rác
Giữa nhịp sống hối hả, năng động của thành phố, trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.10) luôn xuất hiện một cậu bé với gương mặt đen nhẹm mặc bộ quần áo rách rưới, nhàu nát, vai khoác chiếc bao tải đen xỉn. Mặc cho dòng người xuôi ngược, trời mưa hay nắng em cũng chẳng hề để ý mà chỉ biết lang thang, lầm lũi qua các con hẻm nhỏ hay trên những tuyến đường lớn, chúi đầu vào thùng rác công cộng để nhặt rác…
Tuổi thơ bị đánh cắp
Em là Nguyễn Mai Tú, mới 15 tuổi nhưng đã có gần 8 năm trong nghề nhặt rác. Tú thường được những người trong nghề xếp vào bậc “lão làng”. Ngoài việc có “thâm niên” lâu năm, em còn là người rất chăm chỉ, cần mẫn và sáng dạ nên em biết chọn những hẻm có nhiều rác tốt như nhựa, lon bia… để nhặt. Đưa tay dính đầy rác, gãi đầu sột soạt, em kể cho tôi nghe về quãng đời cơ cực của mình: “Lúc em được 3 tuổi thì cha em qua đời sau một căn bệnh quái ác. Mình mẹ nuôi ba người con, trong cảnh túng thiếu bần cùng. Tuổi thơ em lớn lên theo từng bước chân nhặt rác của mẹ, nên chỉ 6 tuổi em đã bắt đầu “hành nghề”, cho đến tận bây giờ”. Mỗi ngày em làm việc cật lực cũng được 40 – 50 ngàn đồng phụ giúp mẹ lo cho hai đứa em. “Ngày nào nó cũng đi nhặt rác, nhìn nó ốm yếu vậy chứ làm việc giỏi lắm đấy. Dạo trước nó khoe tôi là đi học lớp tình thương nhưng được mấy tháng thì bỏ học để đi nhặt rác kiếm sống rồi”, chị Nguyễn Thanh Tâm, nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh (Q.10) nén tiếng thở dài nói về em Tú .
“Cô chú ơi đổ rác đi. Đổ rác cho sạch cửa, sạch nhà đi”, tiếng kêu quen thuộc đó lại vang lên vào mỗi buổi sáng để hối thúc những gia đình nào chưa mang rác ra cửa thì mang ra để Cu Tý (Nguyễn Văn Bình) đi gom. Sinh ra và lớn lên ở Cai Lậy, Tiền Giang em theo cha mẹ lên Q.9, TP.HCM làm nghề nhặt rác. Mẹ em làm ở bãi rác Phong Phú, còn cha em thì được người ta mướn đi thu gom rác ở Khu phố 4 (P. Phước Long B, Q.9). Trước kia ở quê em đang học lớp 2, nghỉ hè em lên TP.HCM chơi, rồi theo mẹ ra bãi rác… và gắn chặt với rác cho đến hôm nay. Em kể: “Buổi sáng em đi gom rác với cha, chiều em đi ra bãi rác bới rác kiếm thêm. Bình quân mỗi ngày em kiếm được 30 ngàn đồng. Đó là chưa kể bữa nào em “trúng mánh” khi có những gia đình dọn nhà, người ta thương tình nên cho em những đồ dùng không sử dụng nữa. Những bữa đó thì sống khỏe. Nhưng không phải ngày nào cũng như thế, thường thì em chỉ hi vọng vào tiền đi gom rác hàng ngày thôi”, Bình hí hửng kể.
Đến bô rác (P. Linh Trung, Q.Thủ Đức) vào buổi trưa nắng gắt, mấy cậu nhóc đang bới rác ở đây thấy tôi đến cứ vừa bới rác vừa mỉm cười. “Ối, anh đừng bước vào đó, chỗ đó có kim tiêm của bọn hút chích ma túy đó”, thằng cu Sún (theo cách gọi của nhóm, vì em bị sún răng – PV) bé nhất trong nhóm nhanh nhảu. Thằng Khang nói như chê bai: “Anh không biết phân loại rác à, chỗ đó có cơm, rau là rác sinh hoạt gia đình. Chỗ kia là rác thải của công ty vì có vải, bao bì… còn chỗ kia hình như tụi “ken” mới vào đây chích nên ống tiêm bọn chúng bỏ lại. Anh không biết được thì đừng bước qua chỗ đó, nguy hiểm lắm, vì bọn hút ma túy nhiều đứa mắc bệnh Sida mà”. Nói xong thằng Chính, bụi nhất trong nhóm kể tiếp: “Ngày trước cha của thằng Tám cũng bị giẫm phải kim tiêm ở bãi rác dưới Q. Bình Chánh mắc bệnh Sida rồi đó”. Nhóm Chính từ Tây Ninh xuống Sài Gòn đi bán vé số, nhưng do liên tục bị bọn xấu giựt vé số nên dần hết vốn. Đứa này rủ đứa kia và trở thành một nhóm bốn đứa kéo về bãi rác này mưu sinh.
Tương lai mịt mù
“Em muốn đi học không?” tôi hỏi, thằng Chính trả lời nhát gừng: “Ai không biết đi học là tốt, là được biết chữ nhưng tiền đâu mà đi”. Còn thằng cu Sún đứng góc đối diện thì lên tiếng ra vẻ chê bai chữ nghĩa: “Nhà anh Trực (anh họ của Sún làm nghề chở rác thuê – PV) đó có ai biết chữ đâu, nhưng mỗi ngày chở xe ba gác đi đổ rác kiếm được cả 100 ngàn đồng. Ngày sau lớn lên có tiền em sẽ đi học lái xe đi thu gom rác kiếm tiền nhiều như anh Trực bây giờ”. Nhưng cũng có nhiều em ấp ủ ước mơ sau này có cơ hội sẽ được đi học lại như tâm sự của Thu Thủy (nhặt rác trên đường 61, Q.9): “Ngày trước đi học em cũng được nhiều điểm mười lắm! Nay thấy mẹ vất vả quá nên em đòi đi bới rác giúp mẹ. Mẹ em bảo phải học chữ sau này mới đỡ khổ được. Biết thế nên để khi nào có tiền rồi em xuống lớp học tình thương của bà Giáo Hoa (ấp Dầu Dây, P. Long Bình) theo học”. Khi nói về Thu Thủy, chị Thanh Minh người ở gần chỗ trọ của em không hết lời khen ngợi: “Nó học giỏi lắm, nghe đâu năm nào cũng được học sinh tiên tiến, hay đạt học sinh giỏi gì đó. Ngày đó nó hay kèm thằng nhỏ nhà tôi học, mấy đứa con tôi khen chị Thủy sáng dạ. Nhưng gia đình khốn khó quá lấy tiền đâu mà theo học chứ”. Khi nói đến việc đi học, mắt của Mai Thu (cùng nhặt rác với Thủy) sáng rực, trong em vẫn ấp ủ một ước mong là được đến trường như các bạn cùng trang lứa. “Mong sao có tiền là em sẽ theo học. Bữa trước có người mách xuống Bình Chánh nhặt rác rồi học lớp tình thương. Nhưng thấy mẹ vất vả quá nên ở trên này làm có tiền hơn chứ về đó bọn khác bắt nạt, bắt nộp tiền, rác lại ít nên chưa đi được”, với nét mặt đen sạm của những tháng ngày dãi nắng dầm mưa, vén chiếc mũ lụp xụp trên đầu lên, Thu thổ lộ.
Tất cả những đứa trẻ mà tôi gặp đứa nhiều chữ lắm cũng chỉ được học hết lớp ba như trường hợp của bé Thủy, còn lại đều học hết lớp 1, thậm chí có em chưa một ngày được đến trường như trường hợp của cu Sún. Nên khi tôi hỏi về trường lớp thì các em xem đó là điều gì không tồn tại trong cuộc sống của các em. Cuộc sống khốn khó, nhọc nhằn đã gắn đời các em với rác, vì thế đường đến tương lai của những đứa trẻ lớn lên với rác cũng mịt mù tăm tối và không lối thoát.
Văn Mạnh
Bình luận (0)