Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đời sống công nhân: Khó chồng khó

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 14-10, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đã đi khảo sát về điều kiện làm việc, ăn ở cũng như công tác chăm lo đời sống của công nhân lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM). Qua chuyến khảo sát, nhiều vấn đề về chính sách tiền lương được đặt ra.

Giật gấu vá vai

Đoàn công tác đã đi thực tế tại khu lưu trú công nhân của 2 công ty Sadeco, Palace và nơi làm việc của công nhân tại Công ty Juki Việt Nam. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã tìm hiểu tình hình đời sống, việc làm, tiền lương tối thiểu và thu nhập thực tế của công nhân…

Ông Vương Phước Thiện, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 13 KCX-KCN với gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho 260.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 65%. Đã thành lập được 700 tổ chức công đoàn cơ sở với 160.000 đoàn viên.

Công nhân Công ty Juki (KCX Tân Thuận) sản xuất máy may.

Riêng KCX Tân Thuận có 131 doanh nghiệp, 58.100 lao động. Theo ông Thiện, từ đầu năm đến nay, tình hình giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao đã tác động trực tiếp đến đời sông công nhân. Tuy nhiên, TPHCM đã có một số chính sách kịp thời như: vận động chủ nhà trọ không tăng giá; thực hiện giá bán điện, nước đúng giá cho công nhân; đưa hàng bình ổn vào các KCX-KCN; các doanh nghiệp hỗ trợ thêm tiền nhà trọ, xăng xe; nâng tiền ăn giữa ca…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, công nhân Công ty Juki Việt Nam, bày tỏ: “Chỉ mới nghe thông tin nâng lương tối thiểu, giá nhà trọ, giá ngoài chợ đã rục rịch tăng khiến cho đời sống công nhân vô cùng khó khăn, nhất là người đã lập gia đình. Để tiết giảm chi tiêu, công nhân phải chuyển chỗ trọ xa hơn hoặc 4-5 người ghép nhau ở 1 phòng chưa đầy 10m². Chỗ ngủ thì đủ nhưng không có chỗ để vui chơi sinh hoạt, con cái không có nhà trẻ để gửi”.

Còn anh Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch công đoàn Công ty Juki Việt Nam, cho rằng, với thu nhập hiện nay, công nhân không có tích lũy. Mỗi lần gia đình có chuyện phải đi vay công đoàn hoặc vay nóng ở ngoài vài triệu đồng với mức lãi 5%-10% tháng. “Thu nhập thấp trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhiều gia đình công nhân phải gửi con về quê nhờ người thân nuôi giùm. Công đoàn cũng đã hỗ trợ hết mức nhưng đời sống công nhân vẫn rất khó khăn” – anh Đại nói.

Về nhà lưu trú cho công nhân, đến nay TPHCM, Ban quản lý KCX-KCN cho biết, đã 7 dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân đưa vào sử dụng đáp ứng 6.000 chỗ, 9 dự án còn lại (12.000 chỗ) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011 nhưng vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế.

Chính sách tiền lương xa thực tế

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, qua khảo sát, trên 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCX-KCN, có 731 doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương. Tỷ lệ áp dụng lương tối thiểu cao hơn quy định chiếm 32,3%. Thu nhập bình quân của công nhân tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bình quân 2,8 – 3,2 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp trong nước 2,7 – 3 triệu đồng/người/tháng. Tổng các khoản phụ cấp thấp nhất 100.000 đồng; cao nhất 1 triệu đồng/người.

Để chia sẻ khó khăn với công nhân, Thành ủy, UBNDTP và các đoàn thể đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực như: vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng; hỗ trợ thủ tục để công nhân sử dụng điện, nước đúng giá; bán hàng bình ổn giá tại các KCX-KCN…

Ông Vương Phước Thiện kiến nghị, cần sớm ban hành luật tiền lương tối thiểu trên cơ sở phải đảm bảo mức sống cho công nhân; có chính sách tích cực trong việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà trẻ cho con công nhân và cần luật hóa cơ chế đối thoại của chủ sử dụng lao động và người lao động…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động của TPHCM. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước băn khoăn: Ngoài cơ chế chính sách tiền lương bất cập, còn có một phần trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp liên tục mở rộng quy mô sản xuất chứng tỏ họ làm ăn có lãi, nhưng chưa coi trọng việc chăm sóc, đãi ngộ công nhân đúng mức. Nhà trọ cho công nhân còn quá chật hẹp, hệ thống nhà trẻ và mẫu giáo cho con em công nhân chưa đầy đủ, hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân rất ít nên lý tưởng sống của công nhân mờ nhạt.

Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị: TPHCM cần quyết liệt tìm quỹ đất tại các KCX-KCN để xây dựng nhà lưu trú, nhà trẻ và nơi sinh hoạt cho công nhân, nhất là khi quy hoạch các KCX-KCN cần phải dành quỹ đất xây nhà ở, nhà trẻ và các hạ tầng xã hội khác, đồng thời phải kéo cả doanh nghiệp vào cuộc. Về những bất cập trong chính sách, Phó Chủ tịch nước khẳng định sẽ rà soát lại, đặc biệt là chính sách tiền lương để có những điều chỉnh nhằm đảm bảo đời sống cho công nhân lao động.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm việc với LĐLĐ TPHCM về Quỹ trợ vốn cho lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP). Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ CEP, cho biết hiện Quỹ CEP đang phục vụ 190.000 thành viên là công nhân, lao động nghèo với mạng lưới 26 chi nhánh tại TPHCM và các tỉnh. Song song với sản phẩm tín dụng truyền thống, những năm trở lại đây, Quỹ CEP còn cung cấp sản phẩm tín dụng cải thiện nhà ở cho cán bộ, đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp; đã phát vay 42 tỷ đồng giúp 1.446 lượt đoàn viên cải thiện chỗ ở. Đặc biệt, Quỹ CEP còn đẩy mạnh hoạt động xã hội như Mái ấm CEP, Học bổng CEP để hỗ trợ thành viên và con thành viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hồ Thu / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)