Hơn 20 năm làm báo, bất chợt sau những chuyến băng ngàn vượt biển, Duy Khanh bỗng nhận ra rằng thời gian vẫn chưa đủ để anh nếm trải hết cái nghề nghiệt ngã mà đáng yêu. Anh thử một lần trải lòng cùng đồng nghiệp để cùng sẻ chia hết đắng cay ngọt bùi của nghề. Và tất cả những tâm tư, kỷ niệm, kinh nghiệm công tác của đồng nghiệp đã được anh tập hợp lại trong cuốn sách dày dặn Đối thoại với nhà báo.
38 chân dung đồng nghiệp, có người là phóng viên, biên tập viên, trưởng ban, có người là thư ký tòa soạn, phó và tổng biên tập nhưng chưa phải là tất cả những nhà báo mà anh quen biết. Cũng không hẳn đấy là những “ngôi sao hot” nhất của đội ngũ những người làm báo, nhưng độc giả sẽ hiểu vì sao Duy Khanh lại chọn để giới thiệu họ. Đó cũng có thể là một quan chức báo chí, nhưng Duy Khanh lại muốn bạn đọc hiểu về họ ở khía cạnh của một nhà báo đích thực; cũng có thể đấy chỉ là phóng viên của một tờ báo tỉnh, báo ngành rất khiêm tốn trong làng báo nhưng Duy Khanh hiểu rằng những người làm báo đích thực thì dù ở đâu ngòi bút của họ cũng đáng trân trọng.
Nhà báo – nhà giáo Trần Ngọc Châu nhận xét: “Tập sách là nỗ lực đáng kể của Duy Khanh. Vấn đề không phải là phỏng vấn các nhà báo nổi tiếng mà là “nhà báo đích thực”. Điều ghi nhận ở họ trước nhất là niềm đam mê nghề nghiệp. Xét tiêu chuẩn đó thì phần lớn họ xứng đáng”. Lời nhận xét khách quan từ một nhà báo nổi tiếng, người có hơn 30 năm làm báo, đã lấy học vị tiến sĩ khoa học về báo chí tại Hoa Kỳ… là sự xác nhận đáng giá cho tập sách. Đọc Đối thoại với nhà báo, người đọc sẽ có cái nhìn rõ nét hơn, cụ thể hơn công việc của các nhà báo; sẽ hiểu được rằng tại sao nghề làm báo được xem là một nghề nguy hiểm, một công việc khó khăn nhưng vẫn không ít người lựa chọn để trao gửi niềm đam mê của cả một đời người. Và hơn thế nữa, bạn đọc sẽ hiểu thêm về một nhà báo Duy Khanh qua chân dung các đồng nghiệp mà anh yêu mến.
Trịnh Hoài Thanh
Bình luận (0)