Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đối thoại với doanh nghiệp công nghệ thông tin: Nhiều chính sách cần sửa đổi

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 20-5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà; Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cùng lãnh đạo các sở, ngành TP đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin.

Nhiều ý kiến phản ánh về thuế liên quan đến hoạt động mua bán, giao dịch giữa DN trong nước với DN nước ngoài; các chế độ thanh toán bằng đồng ngoại tệ có trái với quy định phải thanh toán bằng đồng Việt Nam hay không… đã được lãnh đạo các cấp tiếp thu, giải đáp.

Một dây chuyền lắp ráp máy vi tính tại TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Quy định thay đổi,DN kêu bị thiệt…

Đại diện Công ty CMC Sài Gòn, ông Đặng Văn Quân bức xúc kể, CMC nhập hàng PC, laptop thông thường từ năm trước, nhưng nay cơ quan thuế có văn bản kết luận CMC phải chịu thuế nhà thầu. Cơ quan kiểm toán thì đưa ra căn cứ rằng lô hàng nếu có “bảo hành” thì được xem là phía đối tác nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam nên phải đóng thuế nhà thầu 2%. Tổng số thuế bị truy thu và xử phạt hơn 11 tỷ đồng – một số tiền quá lớn khiến DN lâm vào khó khăn. Thế nhưng, thời gian cơ quan thuế ra quyết định xử lý quá nhanh, hôm trước lập biên bản, ngay hôm sau ban hành quyết định truy thu thuế khiến công ty không có thời gian giải trình, trao đổi lại với nhà sản xuất. Hơn nữa, các lô hàng này là công ty tự nhập về và tự bảo hành trong nước nên không thể nói là nhà thầu nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam được.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TPHCM) giải thích, theo Thông tư cũ quy định, các tổ chức nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam thì phải nộp thuế nhà thầu. Theo đó, nếu hàng hóa có bảo hành thì dù bảo hành ở đâu cũng phải chịu thuế. Kể từ 1-10-2014 thì Thông tư mới ra đời thay thế thông tư cũ, đã bỏ trách nhiệm bảo hành, tức có hay không có bảo hành thì hàng hóa cũng không phải chịu thuế nhà thầu. Do mỗi thời điểm có quy định khác nhau, nên việc áp dụng tính thuế như nói trên là do DN nhập khẩu rơi vào thời gian thông tư cũ còn hiệu lực. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều công ty cũng rơi vào trường hợp này, cơ quan thuế đã kiến nghị lên cấp trên nên phải chờ quyết định của Chính phủ.

Đông đảo bạn trẻ hào hứng tìm hiểu về công nghệ 3D tại các cuộc triển lãm quốc tế về điện tử – công nghệ thông tin.Ảnh: MAI HẢI

Tương tự, một số DN cho rằng, do các quy định pháp luật liên tục thay đổi khiến cả DN và cơ quan thuế “rối” khi thực hiện. Giám đốc một công ty chuyên về phần mềm tin học hỏi, DN của bà thành lập từ năm 2006, lúc ấy pháp luật cho hưởng ưu đãi thuế suất: miễn 4 năm đầu, giảm 50% cho 9 năm tiếp theo. Nay thông tư mới ra đời, quy định DN tin học chỉ được giảm 10%, nhưng khi hỏi thì cán bộ quản lý thuế nói áp dụng theo thông tư mới, như vậy là thiệt thòi cho DN. Một DN khác cũng cho biết, DN thành lập trước năm 2014 – trước thời điểm có thông tư mới – khi đó quy định được hưởng nhiều ưu đãi hơn, nếu như áp dụng theo thông tư mới hiện nay thì sẽ thiệt hại cho DN. Câu trả lời của đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP khiến DN thở phào nhẹ nhõm: DN thành lập ở thời điểm nào thì vẫn được hưởng theo quy định tại thời điểm đó.

Thanh toán: quá rắc rối!

Thắc mắc về hoạt động thanh toán ngoại tệ, bà Nguyễn Thị Hồng Hải (Công ty HPT) thắc mắc, nếu quy định DN phải ký hợp đồng mua bán bằng đồng Việt Nam (VNĐ), khi tỷ giá tăng thì DN bán sẽ thiệt thòi. Do vậy, HPT bán phần mềm cho DN khác với thời hạn 3 năm, thanh toán từng năm thì ghi trong hợp đồng số tiền bằng VNĐ nhưng mở ngoặc ghi rõ tương đương với bao nhiêu đồng USD. Khi USD tăng giá, các bên ký phụ lục hợp đồng thay đổi giá tiền thanh toán thì có sai quy định không? – Đại diện cơ quan thuế cho biết, việc quy định chế độ thanh toán bằng ngoại tệ là theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Còn với cơ quan thuế, chỉ cần hóa đơn thanh toán ghi bằng VNĐ là được chấp nhận.

Đại diện Sở Thông tin – Truyền thông TP trả lời doanh nghiệp.

Cũng thắc mắc về vấn đề thanh toán, ông Trần Minh Triều, giám đốc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hỏi: Vì một số sản phẩm ở trong nước không có dịch vụ thay thế nên công ty phải dùng dịch vụ nước ngoài. Khi mua dịch vụ, nhân viên dùng thẻ tín dụng cá nhân để thanh toán thì có được tính vào chi phí công ty không? Cơ quan thuế trả lời: Hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ được đưa vào chi phí được trừ của công ty phải thỏa mãn 3 yếu tố là hàng hóa mua vào phải phục vụ cho sản xuất kinh doanh, có hóa đơn chứng từ hợp pháp và nếu hàng hóa có giá trị trên 20 triệu đồng thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (từ tài khoản bên bán chuyển qua tài khoản bên mua). “Thế nhưng, các DN chuyên về công nghệ thông tin thường mua phần mềm, dịch vụ trên mạng thì thanh toán phải bằng thẻ, mà hiện nay các ngân hàng ở Việt Nam không cấp thẻ cho công ty”- một DN phản ứng. DN khác hỏi, riêng việc hàng hóa phải phục vụ cho sản xuất thì hàng hóa mua là công cụ phần mềm thì không chứng minh được, như vậy có được đưa vào chi phí được trừ hay không? Lãnh đạo Cục Thuế cho biết, vẫn còn nhiều quy định bất cập nên cơ quan thuế sẽ tiếp thu ghi nhận các ý kiến để kiến nghị với cấp trên sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

HÀN NI

(SGGP)

Bình luận (0)