Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đói tình cảm đáng sợ hơn đói cơm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tôi lớn lên ở tỉnh, trong một gia đình đông con và hạnh phúc. Học cấp II và cấp III ở Sài Gòn, các kỳ nghỉ hè ở quê của chị em tôi được mẹ chăm sóc đặc biệt. Không biết mẹ tôi đã làm cách nào mà suốt một tháng các bữa ăn sáng của chúng tôi không bao giờ “đụng hàng”!  

Mẹ và con ở công viên Tao Đàn (ảnh chỉ mang tính minh họa) – Ảnh: Gia Tiến

 

Trẻ thiếu tình thương thường biểu hiện bằng nhiều cách như không nói chuyện, phá phách, đi tìm chỗ dựa nơi khác, đàn đúm với bạn bè… Sự cô đơn cũng có thể dẫn tới xu hướng tự hủy hoại trong rượu chè, ma túy… Người thiếu tình thương khi yêu có thể trở thành độc đoán, đòi hỏi quá mức, dễ ghen tuông…Trẻ phá phách ngoài đường có khi chỉ muốn thu hút sự quan tâm thôi.

Bấy nhiêu cho thấy chúng tôi được thương yêu biết chừng nào. Nhưng có những lúc tôi ước thầm thay vì ngon miệng và no bụng, mình được nói lên biết bao điều ước mơ hay ấm ức trong lòng. Ở tuổi teen thời ấy có lúc tôi cũng muốn “đi bụi” hay “chết quách cho rồi” (nhưng hồi đó chỉ nghĩ vậy thôi chứ không dám liều như một số bạn trẻ bây giờ).

Khi học cấp III ở trường Tây, tôi may mắn gặp được những cô giáo rất quan tâm hỏi han, tư vấn cho chuyện học hành hay những khó khăn riêng tư. Học đại học ở Mỹ tôi càng ngạc nhiên trong sung sướng khi thấy sinh viên chúng tôi được chăm sóc rất kỹ về mặt tình cảm, tâm lý. Từ đó tôi hiểu ra đó là một việc làm không thể thiếu để giúp hình thành những nhân cách sung mãn lành mạnh. Tuổi mới lớn có những khó khăn, nhu cầu đặc biệt mà nổi bật nhất là sự cô đơn và cảm giác không ai hiểu mình.

Tôi không trách cha mẹ mình vì cách đây hơn nửa thế kỷ không thể mong chờ những hiểu biết hiện đại về tâm lý học. Suy dinh dưỡng về mặt cơ thể dẫn tới những bệnh tật khác và để lại những di chứng lâu dài, như còi xương chẳng hạn. Sự thật là không cha mẹ nào có điều kiện mà bỏ đói con mình. Nhưng người ta rất dễ bỏ đói về tình cảm vì nhu cầu này khó phát hiện.

Những cái vỗ để lớn lên

Tâm lý học cho biết trẻ sinh ra cần những cái vỗ (stroke) để lớn lên lành mạnh. Đó là những cử chỉ vuốt ve, bồng ẵm có khả năng tạo những phản ứng hóa học trong cơ thể chúng. Nhờ đó chúng cảm thấy thoải mái, dễ chịu, ăn ngon, ngủ tốt. Cũng vì lý do này mà trẻ ở cô nhi viện không phát triển bình thường vì chúng thiếu sự vỗ về, vuốt ve của người lớn. Những “cái vỗ” dần dần biến thành sự quan tâm trìu mến, sự ước đoán các nhu cầu về tinh thần để đáp ứng kịp thời. Đứa cháu tôi một hôm bỗng dưng ít nói hẳn. Mẹ cháu xem tập thấy con trai có điểm thấp. Hiểu ra lý do, mẹ cháu bắt chuyện hỏi thăm những gì xảy ra với bạn bè trong lớp, rồi từ từ an ủi cháu.

Trong những lá thư gửi cho các chuyên viên tư vấn tâm lý, nhiều bạn mới lớn hay nói “cha mẹ thương mà không hiểu chúng cháu thì cũng như không”. Mà hiểu người khác cũng khó, nhất là những lứa tuổi khác. Do đó thời nay ở các nước phụ huynh phải đi học các lớp dạy làm cha mẹ để hiểu con mình. Những “cái vỗ” nho nhỏ như “hôm nay cô giáo nói gì?”, “con hết đau bụng chưa?”, “sao con không rủ bạn về nhà mình chơi?”… rất cần thiết và có thể như là sự bảo đảm với con em rằng cha mẹ luôn quan tâm đến chúng.

Mong sao ngày càng ít trẻ than phiền cha mẹ mình là người thành đạt, chỉ lo… “phấn đấu” nên không có thời giờ nói chuyện với con. Có thể người lớn chúng ta nên làm thử một bài toán để so sánh giữa tiền bạc, quyền cao chức trọng với hạnh phúc thật của gia đình. Đánh mất cái nào là nghiêm trọng hơn?

Th.S NGUYỄN THỊ OANH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)