Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đời “trai trường lái…”

Tạp Chí Giáo Dục

Mọi người hay dùng câu “trai trường lái” để chỉ những người làm nghề lái xe với thái độ e dè và nhiều nghi ngờ. Chúng ta đâu có biết những câu như vậy đã làm cho họ bị tổn thương rất nhiều…

Nghề nhiều gian khổ…
Đây là nghề không có giờ giấc. Bất kỳ lúc nào có hàng là phải trường chinh. Có những hôm, mới chập choạng tối đã có hàng. Nhưng cũng có hôm hai, ba giờ sáng, lúc mọi người đang say giấc nồng, họ phải vùng dậy, lóc cóc đi hàng. Một hôm tôi qua chỗ bạn chơi rồi ngủ lại đó, nhờ thế tôi mới thấu hiểu nỗi khổ cực của họ. Hôm đó, tôi mắt nhắm, mắt mở tất tả chạy theo cậu bạn, vừa đi vừa càu nhàu vì mất giấc ngủ. Nó kêu tôi ra xe rồi lật đật đi lấy lệnh. Do đã làm lơ được hai năm nay, Hòa – người bạn của tôi – được đánh giá là khá “cứng cáp”, biết lái đôi chút nên tài xế giao cho việc đi lấy công.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: I.T
Lấy công xong, chúng tôi mới thấy tài xế mà Hòa gọi là sư phụ đến. Sư phụ của Hòa người miền Tây, rất vui tính. Ban ngày, anh hay nói và cười suốt. Nhưng có lẽ bị mất giấc ngủ nên hôm nay anh chẳng nói chẳng rằng, nhảy lên xe ôm vô-lăng. Tôi cũng lủi thủi chạy lên xe, ngồi im. Còn bạn tôi, chạy sầm sầm đến, mồ hôi nhễ nhại. Thấy tôi trố mắt nhìn, nó cười như mếu: “Nãy giờ tao đi kiểm hóa”.
Vì giờ xe chạy thất thường nên chuyện ăn uống cũng như sinh hoạt cá nhân không theo một trật tự, nề nếp nào hết. Bạ đâu ăn đó, bạ đâu ngủ đó. Nói theo ngôn ngữ của anh em trong nghề thì đúng là “bốn bể là nhà”, luôn phải “rày đây mai đó” như loài chim rừng. Đêm chúng tôi ăn cơm ở Hàng Xanh, sáng ăn ở Đồng Nai, có khi chiều lại ngồi tại một quán bình dân nào đó ở miền Tây.
Cuộc sống không có gì ổn định nên đại đa số anh em đều có người yêu và có vợ muộn. Sớm cũng phải ngoài 30 tuổi. Anh Kiên, người Tiền Giang lái xe “công” ở Cảng Tân Thuận nói đùa “tại cái nghề nên không ai yêu nổi, có yêu thì nhiều khi vẫn phải xa nhau”. Đùa mà thật. Nó chất chứa bao nỗi niềm của một người “ế vợ vì nghề”. Nếu đã có vợ, các anh cũng thành nỗi lo cho vợ con. Chị Linh, vợ anh Kiên tâm sự: “Lúc nào tôi cũng lo cho anh ấy, đường sá xa xôi nhiều nguy hiểm. Nhiều đêm nằm một mình tôi không thể nào ngủ được”. Đôi mắt chị đầy nỗi u sầu. Anh Kiên thương chị lắm nhưng “biết làm sao bây giờ”!
Thông thường lơ xe đồng thời làm bảo vệ của xe. Họ ăn trên xe, ngủ trên xe, thậm chí tắm trên xe. Cuộc sống của họ gắn bó với chiếc xe nên họ rất chăm chút cho nó đúng như câu “yêu xe như con”. Lơ xe ngoài tiền công mỗi tháng được trả thêm từ 300 đến 500 ngàn đồng tiền công coi xe. Đêm đêm phải ngủ trên cabin hoặc thùng hàng để coi xe.
Để hiểu thêm giấc ngủ của “trai trường lái”, tôi đã ngủ trong cabin với Hòa. Chiếc cabin tuy nhỏ nhưng chứa rất nhiều đồ đạc: một cái võng, một cái chăn, khăn mặt, kem đánh răng, quần áo, giày dép… Tất cả đều gắn liền với họ trên từng cây số. Tôi không thể ngủ trên võng vì quá hôi, bèn ngồi úp mặt vào vô-lăng để ngủ. Đóng kín cửa xe, theo sự hướng dẫn của Hòa, tôi đốt nhang muỗi. Rốt cuộc, suốt đêm tôi không thể ngủ được vì muỗi đốt và sự nồng nặc của nhang muỗi. Khuya lạnh thấu xương. Sáng hôm sau mặt mũi tôi phờ phạc như người mới ốm dậy. Người ta nói giấc ngủ là quan trọng nhất vậy mà ngủ như thế thì làm sao có sức mà làm. Hòa cười vang “cũng phải quen đi chứ. Những người làm nghề này phải khỏe mạnh, có sức chịu đựng tốt, ăn ngủ tốt. Bọn mình đặt đâu cũng ngủ được”.
Và nhiều cám dỗ…
Đại đa số những người làm “trai trường lái” đều có trình độ học vấn thấp. Có những người mới chỉ học xong cấp một. Hầu như lúc đầu họ không định hướng cho mình theo nghiệp lái xe. Nhưng sau khi trải qua nhiều nghề, do nhiều nguyên nhân họ đã chọn làm lơ, sau đó học lái và trở thành tài xế. Có nhiều người theo nghề là do bạn bè “rủ rê”, nghe thấy “hay hay” sẵn tính “giang hồ” nên thích. Có người lại do sẵn có anh em trong nghề nên theo luôn. Vì thế, có gia đình ba bốn anh em đều theo nghề này.
Do học hành không đến nơi đến chốn và gia nhập “giang hồ” sớm nên rất nhiều anh em trong nghề đã sa ngã trước sự cám dỗ của cuộc sống. Đại đa số anh em trong nghề đều có câu cửa miệng “sống như thế nào cũng chấp tất”. Lối sống bất cần, rày đây mai đó, tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội. Nếu là người có bản chất tốt, họ sẽ có công ăn việc làm ổn định, có đủ tiền nuôi bản thân và vợ con. Nhưng nếu là người sống bất cần, họ rất dễ “hư hỏng”. Nhìn những hàm răng đã chuyển sang màu vàng ố hoặc đen xỉn tôi biết rằng họ đã nghiện thuốc lá nặng đến mức nào. Bình, một lơ xe tâm sự “đêm đêm buồn, nằm giữa trời sương lạnh, bọn mình lấy điếu thuốc làm bạn thân. Thân đến mức không thể thoát khỏi nó được nữa”. Trăm lần tự hứa với người yêu rằng sẽ bỏ thuốc nhưng cả trăm lần thất bại nên người yêu cũng chán chẳng thèm nhắc Bình bỏ thuốc lá nữa. Những đêm không “chạy hàng”, nhiều anh em lại la cà hàng quán làm khuây, nhất là anh em chưa có vợ con. Khi thì quán cà phê, khi thì vào quán rượu và cả những quán “treo đầu dê bán thịt chó”… Bệnh tật cũng từ đây mà ra.
Những người lái xe đường dài bị nhiều cám dỗ nhất trong khoản “ăn bánh trả tiền”, đặc biệt là lái xe Bắc Nam. Đường sá xa xôi, có khi cả tháng mới về nhà được một lần, “buồn đời” nên dễ bị dỗ ngọt vào vòng tay của “gái giang hồ”. Nhiều người không làm chủ được bản thân nên không chỉ rước họa vào mình mà còn làm khổ cả vợ con. Đúng là “tiền mất tật mang”.
Nhiều anh em, dù đã có công việc ổn định rồi nhưng vẫn không tiết kiệm được đồng nào mà “tháng nào xào tháng ấy” theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Thông thường, lương của lơ xe từ 1,2 đến 2 triệu đồng/tháng, bao cơm. Còn lương của tài xế từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Nhưng ngay sau khi nhận lương, tiền vào tay họ như “gió vào nhà trống”. Lĩnh lương xong chỉ để trả nợ và nhậu một bữa là hết sạch. Thế rồi lại vay, ăn uống kham khổ và đến tháng lương sau trả nợ. Mặc dù lương cao vẫn rất ít người có dành dụm cho tương lai hoặc gửi về cho gia đình.
Phương Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)