Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dời trường hàng năm: Dạy – học thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT Hùng Vương còn là trụ sở của Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP.Tân An.
Năm học 2008 – 2009, Trường THPT bán công Tân An (nay là Trường THPT Hùng Vương) phải dời từ phường 4, TP.Tân An đến học tạm ở Trường TH Nguyễn Trung Trực (phường 3, Tân An, Long An).
Đầu tháng 12 vừa qua, thầy và trò Trường THPT Hùng Vương lại “tay xách nách mang” dời về Trường THCS Nhựt Tảo (phường 1). Trong hoàn cảnh phải liên tục “dời nhà”, việc dạy và học có gặp khó khăn? PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với thầy Lê Anh Tài-Hiệu trưởng trường.
Vì sao nhà trường phải liên tục di dời?
Cơ sở cũ của trường bị xuống cấp nặng, không bảo đảm an toàn cho dạy và học nên năm học 2008 – 2009, trường phải dời đến cơ sở cũ của Trường TH Nguyễn Trung Trực khi trường này có cơ sở mới. Đây vốn là 1 trường TH đã xuống cấp nên không thể đáp ứng yêu cầu hoạt động của 1 trường THPT. Vì vậy, khi Trường THCS Nhựt Tảo có trụ sở mới, chúng tôi đã được dời đến cơ sở cũ của trường này.
Đến địa điểm mới lần này, cơ sở vật chất có khá hơn không và liệu sẽ ổn định lâu dài?
Cơ sở cũ của Trường THCS Nhựt Tảo mà chúng tôi vừa tiếp nhận khá rộng rãi, đủ phòng ốc cho việc dạy và học của thầy và trò. Tuy nhiên, đây là ngôi trường đã có trên 70 năm tuổi, cơ sở vật chất xuống cấp nặng, trước đây từng có lần bị đổ sụp mái tôn, nhưng lúc đó không có học sinh nên tai nạn đã không xảy ra.
Khi về đây, chúng tôi cho sửa chữa nhỏ, chứ chưa có kinh phí sửa chữa lớn. Đây cũng là điểm học tạm thời, đến khi nào Trường THPT Hùng Vương có dự án xây dựng cơ sở mới, chúng tôi mới chắc chắn ổn định lâu dài.
Từ bán công mới chuyển qua công lập, lại liên tục chuyển trường, điều đó có ảnh hưởng đến việc dạy và học…
So với các trường THPT khác trên địa bàn TP.Tân An, chúng tôi bị thiệt thòi nhiều. Ngoài trường lớp, các trang bị cho dạy và học cũng đang gặp khó khăn, thiếu thốn. Điều đó chắn chắn có ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả học tập của học sinh.
Theo Lao Động

Bình luận (0)