Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đối tượng nào được miễn, đặc cách thi tốt nghiệp THPT?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009. Theo đó, nhiều đối tượng được miễn thi tốt nghiệp THPT, đặc cách tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, điều thí sinh cần đặc biệt quan tâm là cách làm bài thi tốt nghiệp THPT ở phần riêng và phần chung.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) sáng 28-5 trước giờ vào phòng thi – Ảnh: Quốc Dũng

Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định đề thi dành cho các đối tượng thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, gồm: thí sinh học ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và nhân văn, ban cơ bản, thí sinh học trường THPT kỹ thuật và thí sinh tự do. Đề thi được ra theo chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao. Thí sinh học chương trình nào chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao); riêng thí sinh tự do được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Đối với tất cả thí sinh, nếu làm cả hai phần riêng thì cả hai phần riêng đều không được chấm.
Đối với các môn ngoại ngữ (gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật): đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
Đề thi dành cho thí sinh học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT: được ra theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, không có phần riêng.
Diện miễn thi tốt nghiệp
Thí sinh được miễn thi tốt nghiệp phải là người học lớp 12 được Bộ GD-ĐT triệu tập tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hóa; được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ; người học khiếm thị.
Tuy nhiên, đối tượng trên phải có tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại); được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên hoặc từ trung bình trở lên (tùy đối tượng theo quy định).
Đồng thời phải có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD-ĐT hoặc có công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến Sở GD-ĐT trước ngày thi tốt nghiệp.
Đối với người học khiếm thị: học hết chương trình THPT; đủ diều kiện dự thi theo quy định; được các cơ sở y tế và trường phổ thông nơi học tập xác nhận tình trạng khiếm thị.
Người học thuộc diện miễn thi được công nhận tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp theo các tiêu chuẩn sau: loại giỏi nếu năm học lớp 12 được xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, được tính tương đương tốt nghiệp loại giỏi có điểm xếp loại tốt nghiệp là 9,0 điểm; loại khá nếu năm học lớp 12 được xếp loại học lực và hạnh kiểm đều từ loại khá trở lên, được tính tương đương  tốt nghiệp loại khá có điểm xếp loại tốt nghiệp là 7,0 điểm; còn lại là loại trung bình.
Người học diện miễn thi nếu muốn có điểm xếp loại tốt nghiệp cao hơn thì phải dự thi tốt nghiệp.
Diện đặc cách tốt nghiệp
Thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp là công dân Việt Nam và người nước ngoài đang học tập, sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi chung là người học) đã học hết chương trình THPT, trong năm tổ chức kỳ thi. Người học đã học hết chương trình THPT nhưng không đủ điều kiện dự thi hoặc đã dự thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước và các đối tượng khác được Bộ GD-ĐT cho phép dự thi (sau đây gọi chung là thí sinh tự do).
Theo đó, người học phải tốt nghiệp THCS; được đánh giá, xếp loại về hạnh kiểm và học lực ở từng lớp học; hạnh kiểm xếp loại ở lớp 12 từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém; tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại); không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi.
Thí sinh đủ điều kiện dự thi được xét đặc cách tốt nghiệp trong các trường hợp sau: bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên.
Hồ sơ gồm: hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp (nếu bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt); biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp của trường phổ thông nơi đăng ký dự thi.
Thí sinh bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại. Phải có điểm bài thi của những môn đã thi đều đạt từ 5,0 trở lên; xếp loại ở lớp 12 học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên.
Hồ sơ gồm: biên bản xác nhận của hội đồng coi thi; hồ sơ nhập viện, ra viện của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (nếu bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt).
Ngay khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi, Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm thu nhận và chuyển giao hồ sơ đặc cách cho hội đồng chấm thi; hội đồng chấm thi xem xét, quyết định đặc cách cho thí sinh căn cứ hồ sơ và quy định. Thí sinh tốt nghiệp đặc cách đều xếp loại trung bình.
Mức cộng điểm khuyến khích thi tốt nghiệp THPT
Học sinh đoạt giải cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa lớp 12 nếu đạt giải trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh được cộng 2 điểm; đạt giải nhì cấp tỉnh cộng 1,5 điểm; đạt giải ba cấp tỉnh cộng 1 điểm.
Học sinh đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao, hội thao giáo dục quốc phòng, vẽ, viết thư quốc tế, thi giải toán trên máy tính bỏ túi, thi thí nghiệm thực hành bộ môn (vật lý, hóa học, sinh học) do ngành giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT. Ở giải cá nhân: cộng 2 điểm đoạt giải quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh (huy chương vàng); cộng 1,5 điểm đạt giải nhì cấp tỉnh (huy chương bạc); cộng 1 điểm đoạt giải ba cấp tỉnh (huy chương đồng).
Ở giải đồng đội (hội thao giáo dục quốc phòng, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cầu mây, điền kinh, tốp ca, song ca…) quy định như sau: chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia; số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ hai đến 22 người theo quy định cụ thể của ban tổ chức từng giải; mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân theo quy định. Những học sinh đoạt nhiều giải khác nhau trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.
Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức ở cấp THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận như sau: loại giỏi cộng 2 điểm, loại khá cộng 1,5 điểm, loại trung bình cộng 1 điểm.
Bộ GD-ĐT quy định nếu học sinh đồng thời có nhiều loại giấy chứng nhận để được cộng điểm khuyến khích theo quy định như trên chỉ được hưởng mức điểm cộng thêm nhiều nhất là 4 điểm. Điểm khuyến khích được bảo lưu trong toàn cấp học và được cộng vào điểm bài thi để công nhận tốt nghiệp khi thí sinh dự thi.
Q.DŨNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)