Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đội tuyển Olympic Việt Nam: Tập nghĩ lớn từ những việc nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyển Olympic Việt Nam dám dũng cảm chơi một trận sòng phẳng và đánh bại Nhật Bản, khiến vài người "ở nhà" chưa tin, thậm chí chưa nhìn nhận đúng giá trị của chiến thắng lịch sử đó.
Đội trưởng Văn Quyết hạnh phúc bên lá cờ ủng hộ của các CĐV Việt Nam và Indonesia, điều lần đầu tiên xuất hiện /// Độc Lập
Đội trưởng Văn Quyết hạnh phúc bên lá cờ ủng hộ của các CĐV Việt Nam và Indonesia, điều lần đầu tiên xuất hiệnĐỘC LẬP

Trước trận gặp Nhật Bản, người viết đem câu chuyện nên đá với Nhật Bản thế nào để hỏi bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy, người luôn nhận được sự tôn trọng từ mọi tầng lớp người hâm mộ bởi kiến thức và góc nhìn đặc biệt, cùng các chia sẻ sâu sắc của mình.
Câu trả lời của BLV Quang Huy: “Vẫn phải chơi đề bảo đảm phong độ chứ nhỉ? Cho đến lúc này, ta chưa thể vội tính thầy Park sẽ tính ra sao. Tất nhiên, cá nhân tôi cho rằng gặp Malaysia vẫn khỏe hơn. Nhưng vẫn còn nhiều con đường khác. Quan trọng là tâm thế của mình”.
Nhiều người cho rằng, nếu thua Nhật Bản chúng ta sẽ gặp Malaysia được cho vừa tầm hơn những cái tên Thái Lan, Qatar, Bangladesh (bảng B), Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Bahrain (bảng E), Iran, Ả Rập Xê Út, CHDCND Triều Tiên hay Myanmar (bảng F).
Nhưng quan điểm của BLV Quang Huy, như thứ tự trong phát biểu của mình, rõ ràng ưu tiên số 1 vẫn là bài toán chuyên môn. Trước khi nhìn ra ngoài, phải nhìn vào nội tại bản thân mình, rằng mình ở đâu, cần gì và dám làm gì.
Ai đã thi đấu nhiều, ai chưa đủ thời gian làm nóng, ai đang cần “nhốt” sẽ cần “nhốt” thêm để làm một quả bom nguyên tử khi vào sân… sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, như cách ông tiếp cận trận gặp Pakistan, Nepal.
Anh Đức, Công Phượng, Phan Văn Đức và Xuân Trường được cho ngồi nghỉ. Anh Đức cao tuổi đá liên tục 2 trận nên cần thời gian hồi phục. Những người đã bị "nhốt" một thời gian như Văn Toàn, Đức Chinh và Đỗ Hùng Dũng được trao cơ hội.
Còn lại là bộ khung mạnh nhất! Nhật bản cũng tương tự…
Đội tuyển Olympic Việt Nam: Tập nghĩ lớn từ những việc nhỏ - ảnh 2

Hậu vệ Văn Thanh dốc bóng trong sự truy đuổi của một cầu thủ Nhật BảnĐỘC LẬP

Olympic Việt Nam đã chứng thực bằng một lối chơi nghiêm túc. Mọi cầu thủ khi ra sân đều chơi đầy tập trung, quyết liệt. Nói như hậu vệ Duy Mạnh sẵn sàng lấy thân mình để phá bóng mà chấn thương gãy ngón chân của Đỗ Hùng Dũng là ví dụ.

Trưởng đoàn Dương Vũ Lâm khẳng định những giải đấu như VCK U.23 châu Á và nay là ASIAD 2018 là cơ hội để những quốc gia như Việt Nam nỗ lực chứng tỏ sự tiến bộ, thu hẹp khoảng cách từng rất lớn với các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trận gặp Nhật Bản là cơ hội vàng như thế. Nên nhớ, ngôi sao sáng nhất của chúng ta là Xuân Trường vẫn chưa thể trụ lại K-League Classic trong khi Nhật Bản có những cái tên ra sân mỗi tuần, trong đội hình xuất phát tại J-League 1.

Đối thủ đẳng cấp hàng đầu châu lục và trong top đầu thế giới như Nhật Bản, sẽ là cơ hội để chúng ta thử sức mình để biết mình đang ở đâu. Đó là cơ hội không phải lúc nào cũng có bởi đây không phải là trận giao hữu vô thưởng vô phạt, hay một giải mời.
Đội tuyển Olympic Việt Nam: Tập nghĩ lớn từ những việc nhỏ - ảnh 3

Tâm thế đường hoàng HLV Park Hang-seo xây dựng cho tuyển Olympic Việt NamĐỘC LẬP

Nói thẳng, Việt Nam vẫn chưa đủ tầm để tính toán trong cuộc chơi châu lục. Chúng ta cần giữ tâm thế đã đi suốt vòng chung kết U.23 châu Á: không biết sợ, dám đối đầu và chiến đấu trong từng bước chân một như một tập thể thống nhất.
Chiến thắng trước Olympic Nhật Bản không chỉ là 3 điểm và ngôi đầu bảng. Đó là chiến thắng về tâm thế của đội bóng muốn làm điều lớn lao một cách đường hoàng. Và thực sự như lúc này, tất cả mọi đối thủ đều đã nhìn vào, cẩn trọng tính toán với Việt Nam bằng con mắt khác.
Chặng đường thách thức chẳng bao giờ dễ dàng. Thuyền to sóng lớn, kẻ càng mạnh thách thức càng lớn. Nhưng một khi vượt vũ môn sẽ nhận được những giá trị tưởng thưởng mà những kẻ không có tâm thế mạnh mẽ sẽ không hiểu được.

Quốc Việt/ TNO
(từ Cikarang, Indonesia)

 

Bình luận (0)