Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đón dân về từ tâm dịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Khi hay tin nhiều tỉnh “mở cửa”, thuê phương tiện để đón con em đang sinh sống, làm việc tại “tâm dịch” TPHCM về quê, nhiều người như mở cờ trong bụng. Về quê với họ lúc này là cần thiết, vì họ đang thực sự khó khăn.
Nhiều tỉnh đón con em từ tâm dịch TPHCM về quê bằng máy bay - Trong ảnh xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi lên máy bay về quê. Ảnh:L.N
Nhiều tỉnh đón con em từ tâm dịch TPHCM về quê bằng máy bay – Trong ảnh xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi lên máy bay về quê. Ảnh:L.N

Về nhà thôi bà con!

Khi hay tin tỉnh Thừa Thiên- Huế thông báo và cho người dân đăng ký về quê thông qua Hội đồng hương Huế tại TPHCM, chị Pham Thị Ái, 28 tuổi ngụ ở Hóc Môn đã lập tức gọi điện đăng ký. Chị Ái có con nhỏ mới 2 tuổi và thất nghiệp hơn 2 tháng qua, sau khi công ty của chị ngưng hoạt động vì dịch bệnh. Khó khăn vì không có tiền trả nhà trọ, chi tiêu trong giai đoạn ở nhà, cộng với giá cả đắt đỏ, chị mong ước được trở về quê mẹ. “Trước đó, em định mua vé tàu để về quê nhưng nhà ga thông báo không nhận khách đến Huế nên em cố cầm cự gần 1 tháng qua. Giờ hay tin Huế đón con em khó khăn, thất nghiệp về quê miễn phí bằng tàu và cho cách ly nên em đăng ký để về”- chị Ái chia sẻ.

Huế lên kế hoạch đón con em của tỉnh ở TPHCM về địa phương cách ly với số lượng 300 người đợt đầu nhưng đến nay, đã có cả nghìn người đăng ký. Sau khi chốt danh sách, UBND tỉnh sẽ chọn những người hoàn cảnh khó khăn nhất để đón về trước. “Tôi đã đăng ký rồi nhưng không biết có được về lần này hay không. Gia đình chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, do tôi đang thất nghiệp phải nuôi hai con nhỏ, còn chồng thì bị cắt giảm lương và công ty đang làm cầm chừng vì không có đơn hàng”, chị Trần Thị Chi, đang ở quận Gò Vấp, rơm rớm nói.

Về quê trong bối cảnh này là điều chẳng đặng đừng, nhưng khi nghe thông tin Hội đồng hương Quảng Nam ở TPHCM làm đầu mối để thu thập thông tin bà con gặp khó khăn muốn về quê, nhiều người ngay lập tức đăng ký. “Về giữa lúc dịch như thế này cũng tủi nhục lắm vì sợ họ nói mình “trốn dịch” nhưng ở đây chúng tôi gặp không ít khó khăn”, ông Nguyễn Thọ, 57 tuổi ở quận Bình Tân nói. Ông Thọ và vợ bán hủ tiếu gõ chục năm nay ở TPHCM. Dịch bệnh bùng phát nên hơn 2 tháng nay ông bà sống lay lắt qua ngày bằng số tiền tích cóp được. Không có thu nhập, tiền ăn, tiền điện, tiền nhà trọ phải trả khiến vợ chồng ông mong được về quê. “Ở quê vẫn còn nhà cửa và con cái ở đó, chúng tôi về sẽ nương tựa con cái thời gian. TPHCM hết dịch chúng tôi lại vào”, ông ngậm ngùi.

Hàng nghìn người dân ở các tỉnh cũng đang háo hức chờ đến lượt được về nhà khi mà TPHCM và các tỉnh phía Nam đang bùng dịch. Hội đồng hương của tỉnh Quảng Ngãi hay Hà Tĩnh ở TPHCM nhiều ngày qua cũng bắt đầu tiếp nhận danh sách bà con có nhu cầu và thực sự khó khăn. Theo đại diện các thành viên trong Hội đồng hương Quảng Ngãi ở TPHCM, đa số người đăng ký đều khó khăn, họ là công nhân, người lao động tự do…vào đây thuê trọ để làm việc. “Nhiều người trong số họ phải nhận sự giúp đỡ về thực phẩm từ các mạnh thường quân trong những ngày qua do gặp khó khăn về tiền bạc”, một thành viên trong Hội đồng hương ở Hà Tĩnh tại TPHCM chia sẻ.

Mở rộng vòng tay chào đón

Thấu hiểu nỗi lo của người dân xa quê khi sống trong những ngày dịch bùng lên ở TPHCM, tỉnh Quảng Nam đã giao Hội đồng hương ở TPHCM làm đầu mối thu thập thông tin bà con thực sự khó khăn để Quảng Nam hỗ trợ. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện các nơi được giao nhiệm vụ như Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lên kế hoạch sẵn sàng đưa người dân về quê. Riêng những người khó khăn không về được, ở lại TPHCM trong giai đoạn này cũng được UBMT Tổ quốc tỉnh lên phương án hỗ trợ.

“Số người ở TPHCM về quê sẽ được tỉnh đưa xe vào đón, thực hiện các biện pháp cách ly y tế tương tự người nhập cảnh”- tỉnh này thông báo và cho biết sẽ dùng ngân sách cùng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại miễn phí cho toàn bộ người dân trong những ngày cách ly. Hội đồng hương Quảng Nam dự tính có khoảng 10.000 người đăng ký về quê đợt này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, bắt đầu từ ngày 20/7, tỉnh này sẽ triển khai chuyến bay đón 200 người dân đầu tiên về quê. Theo kế hoạch, Bình Định sẽ đón 1.000 người lao động đang gặp khó khăn ở TPHCM về địa phương cách ly. Theo ông Long, chi phí vé máy bay, xét nghiệm và ăn ở tại khu cách ly tập trung được tỉnh hỗ trợ miễn phí cho bà con. Ngày 18/7, Tập đoàn Phương Trang cho biết, huy động 5.000 chuyến xe để vận chuyển miễn phí người dân khó khăn từ TPHCM về các tỉnh miền Trung, miền Tây để phòng dịch COVID-19.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế mới đây làm việc với ngành đường sắt để hỗ trợ một chuyến tàu đón bà con từ TPHCM về Huế, cách ly tập trung tại thị xã Hương Thủy. Theo thông báo từ UBND tỉnh này, đợt đầu sẽ có 300 người khó khăn được chọn để đón về quê và toàn bộ chi phí vé tàu, ăn uống, sinh hoạt trong khu cách ly của người dân sẽ hoàn toàn miễn phí.

Trong khi đó, UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND TPHCM cho phép Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM được tổ chức đón dân; đồng thời đề nghị các tỉnh từ Bình Dương ra đến Quảng Nam tạo điều kiện cho các xe do Đà Nẵng tổ chức đưa đón dân được lưu thông thuận lợi và bảo đảm an toàn. Cũng như các tỉnh thành khác, người dân về Đà Nẵng sẽ được cách ly y tế như người nhập cảnh và được miễn phí hoàn toàn trong quá trình cách ly. Thông tin từ đại diện Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM cho biết, trong các ngày 20-21/7 sẽ có nhiều chuyến xe 45 chỗ đưa đón người dân từ TPHCM về quê. Trước khi rời TPHCM, người dân sẽ được xét nghiệm COVID-19…

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết có khoảng 200.000 người dân của tỉnh này sinh sống, làm việc tại TPHCM, trong đó có chục nghìn người mong muốn được về quê đợt này để tránh dịch. Theo tỉnh này, hiện Quảng Ngãi cũng đang có khu cách ly tập trung 2.000 người, trong đó có 1.000 người từ các tỉnh về nên có nguy cơ quá tải. Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn tìm mọi cách để sớm khắc phục, có đủ chỗ cách ly tập trung nếu cần để đón con em về quê. Và dự tính trong đợt này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đón 400 người dân thực sự khó khăn đang lao động, mưu sinh ở TPHCM về quê. Nhiều nơi khác như Hà Tĩnh cũng chuẩn bị để đón bà con từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê.

Theo Lâm Trần/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)