Một loạt chính sách tích cực trên thị trường tiền tệ cùng với xu hướng giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ sớm gỡ khó cho doanh nghiệp…
Tại đại hội cổ đông của một số ngân hàng (NH) thương mại năm 2023, lãnh đạo các NH cho biết đang khẩn trương ban hành quy định nội bộ để triển khai Thông tư 02/TT-NHNN của NH Nhà nước (Thông tư 02) về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại cần xây dựng quy trình thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) là nhiệm vụ trọng yếu lúc này.
Hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp
Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú cho hay Thông tư 02 được triển khai là giải pháp thiết thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong thời điểm hiện nay. Theo đó, các khoản nợ, khoản trả lãi đến hạn của người dân, DN gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ NH sẽ được giãn, hoãn và không bị chuyển nhóm nợ.
"Đây là một chính sách có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho DN đang gặp khó khăn do tác động của kinh tế thế giới, cung ứng nguồn hàng, việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ. Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng; tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" – ông Đào Minh Tú nói.
Dòng vốn cho doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sớm khai thông sau một loạt chính sách tích cực trên thị trường tiền tệ được ban hành
Ngoài Thông tư 02, một chính sách quan trọng khác vừa được NH Nhà nước ban hành là Thông tư 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) liên quan cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước đây đã bán, trái phiếu chưa lên sàn… Quy định này sẽ tạo điều kiện cho những DN phát hành trái phiếu giảm bớt áp lực dòng tiền hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu DN còn đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), nhận xét bức tranh kinh tế đang có chuyển động tích cực khi hàng loạt giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản và nền kinh tế đang được triển khai.
"Mới đây, NH Nhà nước ban hành Thông tư 02 về cơ cấu nợ, Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu DN, Chính phủ thúc đẩy các dự án đầu tư công… sẽ là đòn bẩy quan trọng cho cả nền kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng từ giữa quý II, các hoạt động của DN và thị trường sẽ chuyển động tích cực hơn" – ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định với Thông tư 02 và Thông tư 03, các NH được cung cấp công cụ cần thiết để xử lý những vấn đề liên quan đến trái phiếu DN và các khoản cho vay bất động sản. Người đi vay cũng có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị trả nợ cho các khoản vay sắp tới hạn, dù sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Lãi suất cho vay giảm tiếp
Bên cạnh việc giải tỏa áp lực nợ, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn đang trong xu hướng giảm góp phần đưa dòng vốn vào nền kinh tế ngày càng dồi dào hơn. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết từ đầu tháng 5 đến hết ngày 30-7, NH cam kết giảm đồng loạt 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với cả khách hàng cá nhân và DN. Ước tính sẽ có hơn 600.000 tỉ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng được giảm tiếp lãi suất vay.
"Trước đó, trong 4 tháng đầu năm, Vietcombank đã giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với toàn bộ khách hàng vay vốn. Chủ trương giảm lãi suất này nhằm chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh kinh tế còn có nhiều khó khăn" – ông Nguyễn Thanh Tùng nói.
Trả lời cổ đông về xu hướng lãi suất trong năm nay, lãnh đạo NH TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) cho biết định hướng của NH Nhà nước là giảm lãi suất huy động và cho vay nên các NH thương mại trong đó có Lienvietpostbank đều phải tuân thủ. Với kỳ vọng giảm lãi suất trong năm nay, Lienvietpostbank sẽ có điều kiện giảm lãi vay nhằm hỗ trợ DN và khách hàng cá nhân thời gian tới. Với tình hình hiện tại, dự báo lãi suất sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, động thái giảm lãi suất điều hành của NH Nhà nước thời gian qua đang thúc đẩy các NH thương mại giảm mặt bằng lãi suất. "Kỳ vọng điểm rơi của chính sách tiền tệ sẽ dễ chịu hơn, cụ thể là giảm lãi vay giúp DN giảm chi phí tài chính. Lãi suất vay giảm giúp DN tiếp cận vốn NH dễ dàng hơn, mở ra bối cảnh kinh doanh thuận lợi" – ông Tùng bày tỏ.
Về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, lãnh đạo OCB cho rằng trong ngắn hạn 3-6 tháng, lãi suất có thể giảm thêm ít nhất 1 điểm % với cả huy động và cho vay. Còn về dài hạn, lãi suất huy động phải kéo về mức bình quân 5%-6%/năm và lãi suất cho vay từ 8%-10%/năm sẽ hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế.
Thực tế, nhiều khách hàng cá nhân và DN đều đang ngóng giảm thêm lãi suất cho vay trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, bởi mức giảm lãi suất vay thời gian qua chưa tương xứng với đà giảm của huy động.
Cần giải pháp căn cơ
Liên quan đến Thông tư 03 về tiếp tục cho phép NH thương mại được quyền mua trái phiếu DN, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định thị trường trái phiếu sẽ được giải tỏa phần nào, khi các NH thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và thanh khoản tại NH đang dư thừa. Nghị định 08 về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ mới ban hành cũng được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường.
Về lâu dài, để thị trường trái phiếu DN phát triển căn cơ và bền vững, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu DN vừa qua để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích DN phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây vẫn là kênh gọi vốn quan trọng, đặc biệt là những DN bất động sản cần vốn.
"Cần hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản bảo đảm, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu DN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản bảo đảm để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước" – TS Cấn Văn Lực nói.
|
THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)
Bình luận (0)