“Giây phút lao ra biển cứu người, ba chúng em chỉ nghĩ rằng mình biết bơi nên phải nhanh chóng cứu các anh khỏi nạn đuối nước. Không thấy sợ và cũng không kịp suy nghĩ đến luồng nước sâu tới 7, 8 mét đó”, ba nam sinh Nguyễn Vĩnh An, Bùi Trần Viết Tôn và Bùi Trường Giang, học sinh lớp 8, Trường THCS Gio Hải Số 1 (xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bộc bạch.
Nguyễn Vĩnh An – cậu học trò quên mình cứu người trong sóng nước vẫn luôn nghĩ rằng “cứu người quan trọng hơn nỗi sợ”
Lòng dũng cảm của những đứa con miền biển
Tin Bộ GD-ĐT quyết định tặng bằng khen cho ba nam sinh Trường THCS Gio Hải Số 1 về tới làng biển bãi ngang Gio Hải làm ai cũng vui và thấy xứng đáng cho hành động dũng cảm của các em. Bà Ngô Thị Tuyển, mẹ cháu Vĩnh An chia sẻ: “Nghĩ đến cảnh con mình cùng bạn lao ra giữa dòng nước sâu đến 7, 8 mét cũng rất sợ nhưng nghĩ lại thấy may mắn. May vì con và các cháu được an toàn, chỉ tiếc các cháu sức yếu mà lạch nước quá sâu nên khi cứu được ba bạn vào bờ thì một bạn còn lại trong nhóm đó đã đuối sức, không thể cứu được nữa”. Ngồi cạnh vợ, ông Nguyễn Hải Lau nói thêm: “Tôi rất tự hào về hành động của các cháu. Gần 20 năm đi biển, nhiều lần tham gia cứu người, lai dắt tàu bị nạn nên tôi hiểu và thấm thía tình người trong hoạn nạn. Tôi cũng nhắc nhở thêm các cháu về kỹ năng cứu người để không xảy ra sơ sẩy nếu bất ngờ gặp trường hợp cần cứu giúp”.
Nhắc đến chuyện cứu người hoạn nạn vào một ngày đầu tháng 4-2021, cả ba bạn An, Giang và Tôn đều tỏ ra khiêm tốn nhưng sự chân thật trong từng câu chuyện mà các em kể lại xúc động hơn bất cứ ngôn từ hoa mỹ nào. An nhớ lại: “Hôm đó em cùng các bạn đi dạo trên bãi biển. Tầm hoàng hôn sắp xuống thì cả nhóm ngồi nghỉ chân trên cát. Vừa ngồi một lúc thì nghe tiếng kêu cứu. Dõi theo tiếng kêu, em nhìn ra một lạch nước sâu, nơi trước đó từng có con tàu mắc cạn thì thấy nhiều cánh tay chới với đưa lên. Em cùng Tôn và Giang vốn biết bơi nên liền nhảy xuống nước. Trong khi hai bạn đang cứu các anh khác thì em tiếp cận một anh. Em nắm tay anh và cố sức kéo vào nhưng anh lớn cùng với việc anh bị hoảng loạn nên khá nặng. Lúc đó em rất mệt nhưng nếu buông tay thì có thể anh sẽ chìm nên em cố gắng hết sức. Được nửa đường thì Tôn và Giang vừa kịp quay lại tiếp sức”.
Còn với Tôn và Giang, hôm ấy khi cả hai tiếp cận một nạn nhân thì bị ghì chặt xuống nước. “Do em nhỏ con, sức yếu trong khi anh lớn hơn nên em cố nói vào tai anh ấy là thả em ra để em cứu anh vào. Vài lần như thế thì anh buông lỏng em ra và em lựa thế đẩy anh vào bờ”, Tôn kể.
Tôn bảo, chuyện con trai miền biển làm quen với sóng nước rồi biết bơi không có gì là lạ nhưng các kỹ năng thì phải học hỏi. “Năm lớp 1, em ra biển chơi không may bị sẩy chân vào vùng nước sâu. Một bác ngư dân cứu em lên và chú bộ đội hô hấp nhân tạo cho em, vùi em vào cát để lấy lại sức. Sau này em vẫn nhớ mãi các hành động đó. Lên lớp 5, em cùng Giang và An mỗi ngày ra biển học bơi rồi thành thạo dần. Ở trường, có lần em cũng được thầy giáo hướng dẫn các kỹ năng bơi, cách cứu mình và cứu người khi bị đuối nước nên em ghi nhớ lâu”.
Vật lộn trên biển suốt nửa tiếng đồng hồ, Giang mệt nhoài phải vào bờ nghỉ. An tiếp tục lặn tìm nạn nhân còn Tôn chạy trên bãi biển tìm một miếng xốp lớn để ném ra vùng nước xoáy với hy vọng nạn nhân vớ được làm phao. Nỗ lực của ba em Giang, Tôn và An hôm ấy đã cứu được ba nạn nhân đến từ thành phố Đông Hà.
Hành động đẹp được nêu gương
Nhắc về chuyện cứu người, cả ba em đều bảo, ngay thời điểm ấy chỉ sợ nếu mình chậm chân thì người gặp nạn đối diện với nguy cơ đuối nước nên không kịp nghĩ gì. “Chỉ tiếc là còn một anh cuối cùng nhóm em không thể cứu. Dù hôm đó em đã cố gắng tiếp tục lặn xuống tìm sau khi cùng Tôn và Giang cứu được ba người nhưng vẫn không tìm thấy”, ánh mắt An thoảng buồn.
Ba học sinh miền biển Gio Hải dũng cảm cứu người đuối nước được tuyên dương (từ trái sang: Giang, An, Tôn)
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, hành động cứu người gặp nạn của các em học sinh Trường THCS Gio Hải Số 1 là đáng khen ngợi và xứng đáng được Bộ GD-ĐT tuyên dương. Hành động của các em không chỉ lan tỏa lòng nhân ái, quả cảm, mà còn nhắc nhở mỗi chúng ta cần nâng cao kỹ năng tự cứu mình và cứu người đuối nước cho học sinh. |
Trong suốt những tháng năm dạy con tập bơi, kể cho con nghe về chuyện buồn vui của nghề biển, ông Lau vẫn không nghĩ rằng có ngày chính con trai mình trực tiếp cứu người. “Hôm đó trời sập tối, thấy con hớt hải chạy về xin ba 10 ngàn đồng. Tôi hỏi để làm gì thì cháu nói rằng để góp chung với Tôn và Giang mua hương và bánh ra biển thắp cho một anh không may bị đuối nước. Nhiều đêm cháu không ngủ vì thương anh đó. Tôi động viên cháu “con đã nỗ lực hết sức rồi” thì cháu mới chịu đi ngủ”, ông Lau bần thần kể.
Thầy Ngô Văn Phước – Hiệu trưởng Trường TH&THCS Gio Hải Số 1 chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh về việc nêu cao cảnh giác khi tắm sông, biển, nhất là vào mùa hè. Hành động dũng cảm của ba em học sinh đã được nêu gương, tuyên dương trước cờ và đồng thời nhà trường cũng nhắc nhở các em đây là việc làm tốt song cần chú trọng các kỹ năng khi tham gia cứu người”.
Câu chuyện cứu người gặp nạn đuối nước đâu đó vẫn diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Đôi khi việc cứu người chỉ là bản năng tốt và bản thân người cứu cũng quên mất giây phút đắn đo mà chỉ lao mình về phía người gặp nạn. An, Tôn và Giang – ba cậu học trò miền biển bãi ngang nghèo đã viết nên câu chuyện cổ tích thật đẹp. Một cái nắm tay giữa mênh mông biển khơi không chỉ cứu sinh mạng một người mà sau đó hàng ngàn nụ cười được nhân lên, nhiều cuộc đời được hồi sinh từ đó.
Phan Lệ
Bình luận (0)