Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đơn giản hóa bài học

Tạp Chí Giáo Dục

Không nhồi nhét kiến thức, cố gắng đơn giản hóa bài học, chấp nhận những bài làm rối rắm nhưng kết quả đúng để khuyến khích học sinh phát huy năng lực, tính sáng tạo. Đó là phương pháp dạy mà thầy Nguyễn Văn Minh (Trưởng khoa CNTT Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) đang áp dụng.

Thầy Nguyễn Văn Minh hướng dẫn sinh viên thực hành CNTT

Với phương pháp dạy này, thầy Minh đã giành giải nhì trong cuộc thi Giáo viên dạy giỏi nghề cấp quốc gia năm 2015.

Từ dạy toán chuyển dạy CNTT

Tốt nghiệp Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 1993, thầy Minh về Trường THCS Võ Thành Trang (Q.Tân Phú, TP.HCM) làm giáo viên dạy toán. Đây là thời điểm Việt Nam tiếp cận với công nghệ mới (máy vi tính du nhập vào nước ta) đã tạo ra một bước ngoặt lớn khiến cho thầy Minh không cưỡng lại được sức hấp dẫn của “làn gió mới” nên chuyển sang dạy môn tin học. Thầy nhớ lại: “Khi tiếp xúc với tin học, tôi thấy chỉ với một máy tính mà mình như đưa được cả thế giới vào trong nhà, qua đó tôi được tiếp xúc, mở mang thêm nhiều kiến thức rất hay trên thế giới. Hơn nữa, với những kiến thức nền tảng toán học đã giúp ích cho tôi tiếp cận với CNTT nhanh hơn, khoa học hơn. Vì thế, tôi bắt đầu cảm thấy đam mê với môn học mới này”.

Công nghệ như một ma lực khiến thầy Minh ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, về nhà cứ ôm khư khư máy vi tính. Học ngày học đêm trên mạng internet vẫn chưa giải đáp hết mọi thắc mắc của mình nên thầy quyết định đi học văn bằng hai về CNTT tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…

Năm 2008, thầy chuyển về làm việc tại Khoa Máy tính cơ bản của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng để tập trung toàn tâm toàn lực cho niềm đam mê mới của mình. Tại đây, thầy Minh lại tiếp tục vừa dạy, vừa học lên cao học ở Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM). Nhờ sự cố gắng không ngừng, luôn tìm tòi học hỏi mọi lúc mọi nơi nên vừa qua thầy được tập thể giáo viên khoa tín nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ mới là Trưởng khoa CNTT.

Xác định nhiệm vụ của một trưởng khoa không chỉ giảng dạy mà còn làm thế nào để hỗ trợ đồng nghiệp tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng kích thích khả năng sáng tạo của học sinh – sinh viên, lấy người học làm trung tâm… Suy nghĩ vậy nên thầy lại tiếp tục tìm kiếm thông tin mới để chia sẻ với đồng nghiệp. “CNTT đổi mới liên tục từng giờ từng ngày nên nếu người giáo viên không học hỏi thêm thì khó mà truyền đạt kiến thức mới cho người học. Vì vậy, một khi đã theo đuổi chuyên ngành này thì cả thầy và trò phải học tập suốt đời”, thầy Minh chia sẻ.

Kích thích niềm đam mê của người học

Cùng với việc nâng cao kiến thức chuyên môn, trau dồi phương pháp giảng dạy mới để người học tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng, sâu sắc hơn là nhiệm vụ chính của người thầy. Theo thầy Minh, để bài giảng thu hút được người học, người thầy cần chuẩn bị bài kỹ, thiết kế bài học trong 45 phút nhưng phải có tính trực quan, sinh động và kích thích được năng lực của người học.

Thầy Minh phân tích thêm: “Để kích thích năng lực của học sinh – sinh viên, trong mỗi bài giảng giáo viên nên chia nhóm ra thảo luận, đồng thời tạo những game show nhỏ để tiết học nhẹ nhàng, sinh động hơn. Còn để bài giảng có tính trực quan thì nhờ công cụ đắc lực là CNTT, giáo viên sẽ sử dụng phần mềm hiệu quả là PowerPoint để tạo những hình ảnh cuốn chiếu minh họa giống như một bộ phim, hấp dẫn các em từ phần này đến phần khác”.

Để học sinh hệ TC tiếp thu kiến thức đầy đủ cũng như nâng cao khả năng tư duy của các em, thầy Minh cho rằng: “Đối với sinh viên hệ CĐ, khi yêu cầu các em viết lập trình thì giáo viên sẽ yêu cầu viết một cách đơn giản nhất, nhưng đối với học sinh hệ TC thì có thể chấp nhận các em viết dài, nhiều chỗ chưa hợp lý nhưng cuối cùng chương trình vẫn chạy được, giáo viên phải chấp nhận và động viên, khuyến khích các em”. Ngoài ra, theo thầy Minh, với những học sinh thụ động thì người thầy nên đặt những câu hỏi dễ để khuyến khích các em phát biểu, kích thích dần tính mạnh dạn chứ không thể lơ là khiến các em càng thụ động hơn.

Tuy nhiên, trước khi đi vào bài giảng, thầy Minh cho rằng giáo viên cần nắm rõ hồ sơ học sinh – sinh viên. “Hiện các trường phải chú trọng đào tạo theo năng lực. Mà để đào tạo theo năng lực thì phải tìm hiểu hồ sơ học sinh – sinh viên, nắm được nguyện vọng, sở thích, hoàn cảnh gia đình các em để có những hỗ trợ tốt hơn. Từ đó, mới hướng dẫn các em khám phá và phát huy năng lực của mình”, thầy Minh cho hay.

Bài, ảnh: Minh Châu

 

Bình luận (0)