Hội nhậpThế giới 24h

Đón năm mới ở các nước trên thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Người lớn và trẻ em cùng đón chào năm mới

Năm mới 2009 đã đến. Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu một số phong tục đón năm mới ở các nước trên thế giới.
Anh: Trước kia người Anh đón năm mới ngày 1-3, song từ năm 1752 đã chuyển sang ngày 1-1 như nhiều nước châu Âu khác. Trong đêm giao thừa, mọi người đánh bài đến tận 12 giờ đêm, rồi mỗi người viết ba điều ước tốt lành trên một mảnh giấy lụa riêng, đốt mảnh giấy ấy lấy tro hòa tan vào cốc sâm banh mới và uống cạn. Người Anh tin rằng làm như thế thì sẽ có một điều ước trở thành hiện thực.
Ba Lan: Dịp Tết, thanh niên Ba Lan thường tụ tập thành hội, kéo nhau đến từng nhà hát vang bài hát Kolota. Đi đầu đoàn thanh niên vui vẻ ấy bao giờ cũng là một chàng trai mặt bôi đen, tay cầm đàn. Những người theo sau thì hóa trang thành động vật, thánh thần và ma quỷ. Nhiều nơi còn giữ tục lệ: Các cô gái cầm cây gỗ gõ vào những ngôi nhà mình gặp để xua đuổi mọi điều xấu xa, rủi ro.
Bun-ga-ri: Năm mới không thể thiếu cành thông trang trí (tượng trưng cho sức sống bền lâu) cùng món bánh mì đen chấm muối (thức ăn truyền thống). Mọi người tặng quà cho nhau. Trẻ con cầm cờ hoặc cành cây đến từng nhà, đập nhẹ vào lưng người lớn, vừa đập vừa chúc mừng năm mới, bị đập càng nhiều thì càng may mắn! Trong bữa tiệc đầu tiên của ngày mùng 1 Tết, nhà nào cũng bày một cái bánh nướng to, nhân bánh giấu đồng tiền và hoa hồng. Ai ăn phải phần bánh có đồng tiền thì sẽ giàu sang, còn ăn phải phần bánh có hoa hồng thì sẽ hạnh phúc trong tình yêu.
Đan Mạch: Mọi nhà đều gom giữ các mảnh vỡ đồ vật. Đêm giao thừa, người ta lặng lẽ đem những mảnh vỡ đó đặt trước cửa nhà bạn mình như một lời chúc may mắn. Sáng ra, cửa nhà ai nhiều mảnh vỡ chứng tỏ người ấy nhiều bạn bè và rất được bạn bè quý mến.
– Ai Cập: Người Ai Cập đón năm mới không theo ngày tháng cố định mà theo nước sông Nin, khi nước sông dâng cao ngập lụt nhiều nơi, họ mới làm cỗ mừng năm mới. Sông Nin có tầm quan trọng đặc biệt đối với dân Ai Cập và họ tin rằng nước dâng ngập, sau khi rút đi sẽ làm cho đất thêm màu mỡ, cuộc sống thêm hạnh phúc.

Trượt băng là một trong những vui chơi đón chào năm mới ở các nước châu Âu Ảnh: I.T

I-xra-en: Lễ đón năm mới gọi là “Hanukkah” bắt đầu từ tối ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái (thường trùng với tháng 12 dương lịch) và kéo dài trong 8 ngày. Mọi người vui chơi, ăn uống, múa hát tưng bừng. Đêm giao thừa, cả gia đình thắp một ngọn nến trên chiếc đèn Menora. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp thêm một ngọn nến. Sau đó người ta đọc kinh cầu nguyện rồi đem cây đèn với 8 ngọn sáng rực này đặt ở cửa sổ để chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.
Nhật Bản: Năm mới ở xứ hoa Anh Đào vào mùng 1 tháng Giêng âm lịch và được chuẩn bị từ khá sớm. Khắp nơi vang tiếng chày giã gạo để gói bánh. Trước cửa nhà treo những cành thông buộc lẫn với lá tre để tượng trưng cho lòng chung thủy và ước vọng sống lâu, đồng thời căng thêm dây rơm để xua đuổi những điều rủi ro. Đêm giao thừa, các ngân hàng đều làm việc tới khuya vì mọi người tin rằng muốn may mắn thì phải trả hết nợ năm cũ. Lúc giao thừa, chuông chùa gióng 108 tiếng. Mùng 1 Tết mọi người đi lễ đền chùa và thăm hỏi nhau. Các cô gái thì ra động hái lộc. Mùng 2 Tết, mọi công việc đầu tiên trong năm mới được tiến hành (học trò khai bút, cửa hàng mở cửa, dân miền núi làm lễ “vào rừng”…).
In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và một số đảo thuộc châu Đại Dương: Lễ đón năm mới của những người theo đạo Hồi có một số điểm khác nhau, nhưng về thời gian và nghi thức cơ bản thì lại giống nhau. Từ 10 ngày trước năm mới, mọi người đã nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ vào lúc mặt trời lặn) để thể hiện sự thông cảm với nỗi khổ của người nghèo khắp nơi như Thánh A-la khuyên dạy.
T.N

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)