Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dồn sức cứu nông nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Thảo luận tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ (mở rộng trực tuyến với các địa phương) ngày 27.6, nhiều ý kiến tập trung kiến nghị cơ chế để giải cứu cho nông nghiệp, vốn được cho là đang hết sức khó khăn.

“Khó lắm rồi, không thể phục hồi ngày một ngày hai”
Mở đầu phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói ngay: “Vấn đề nông nghiệp hiện đang nổi lên, dù sáu tháng vẫn tăng trưởng nhưng thấp hơn, vậy thì nguyên nhân tăng thấp là gì, giải pháp thế nào?” Không chỉ gợi ý lãnh đạo địa phương, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận vào trọng tâm, nhiều lần người đứng đầu Chính phủ đã cắt ngang phần phát biểu của lãnh đạo các địa phương để hỏi thêm cho rõ hiện trạng của ngành kinh tế được coi là trụ đỡ này.
Trong thời gian dài, người chăn nuôi phải bán sản phẩm dưới giá thành. Ảnh: Ngọc Tùng 
Theo bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ hải sản quý 2 đạt 2,2%, thấp hơn quý 1 0,4%. Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 13,5 tỉ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,59 tỉ USD, giảm 10,5%; lâm sản chính ước đạt 2,31%, tăng 12,4% và thuỷ sản ước đạt 2,88 tỉ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, càphê, cao su, trà, khoai mì đều giảm cả về giá và khối lượng.
Bí thư tỉnh Thanh Hoá, Mai Văn Ninh, than thở: nền nông nghiệp của địa phương đang rất khó khăn. “Nhất là chăn nuôi, kể cả tập trung lẫn hộ gia đình đều khó lắm, khó mà khôi phục ngày một ngày hai được”, ông Ninh lo lắng. Chủ tịch tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh, còn bức xúc hơn: “nói thẳng ra rằng, bây giờ muốn làm lúa đặc sản gì nông dân cũng làm được nhưng nghịch lý là An Giang đã xuất khẩu 24 năm mà vẫn chưa có thương hiệu, trong khi làm xuất khẩu mà không có thương hiệu thì rất kẹt. Phải định hướng cho nông dân, phải theo quy hoạch, phải chỉ cho họ thị trường chứ vừa qua cái gì cũng tình thế, không chiến lược gì hết. Nay chặt cây này mai chặt cái kia, toàn hên xui không!”
“Phải tập trung giải quyết ngăn chặn vật tư đầu vào nông nghiệp như giống, phân bón… giả, kém chất lượng để giảm chi phí, nâng tính cạnh tranh cho nông sản. Rà soát sản phẩm nào làm được trong nước thì bằng các hàng rào kỹ thuật để “chặn” nhập khẩu, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Nếu không, nợ xấu trong nông nghiệp không nhỏ”, ông Ninh kiến nghị. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cũng nhấn mạnh: cần tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ nông sản, đảm bảo siết chặt tình trạng nông sản nước ngoài vào.
“Xuất khẩu hiệu quả hẵng xuất”
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận: Cấp bách nhất hiện này là thị trường, trong đó quan trọng nhất là xuất khẩu. Như với lúa gạo, bộ trưởng cho rằng “tạm trữ là tình thế, căn bản là xuất khẩu, và các bộ đang gồng mình để tháo rào cản các thị trường, thúc đẩy xuất khẩu”. Theo ông Phát, bộ đã trình đề án tái cơ cấu nông nghiệp và đang triển khai nội bộ, tới đây sẽ triển khai rộng với các địa phương, như điều chỉnh cơ cấu sản xuất, bắt đầu từ lúa gạo. “Trồng lúa không có lợi thì chuyển sang cây khác có thị trường, như hiện nay chúng ta đang phải nhập khẩu 1,2 triệu tấn ngô, giảm sản xuất các mặt hàng không có lãi, như trồng rừng lúc này là tuyệt vời vì không gây sức ép thị trường ngay bây giờ”, bộ trưởng gợi ý. Cũng liên quan đến mặt hàng này, bộ trưởng cho hay đang xây dựng đề án phát triển sản phẩm chiến lược với đồng bằng sông Cửu Long và sẽ điều chỉnh cơ cấu cây trồng ngày vụ đông xuân tới.
Tuy nhiên, trước đó, chủ tịch tỉnh An Giang đã thúc giục: chính sách thì nhiều, rất hay, song triển khai rất chậm. “Ví dụ nghị quyết 02, đã giao tổ chức thực hiện cụ thể nhưng tới tháng 4, tháng 5 mới có hướng dẫn, địa phương còn trông chờ, vì sợ làm trái luật. Nếu các bộ ngành trung ương làm nhanh hơn thì hiệu quả còn cao hơn”, ông Thạnh xót xa. Ông Thạnh nói tiếp: “Tôi biết đề án tái cơ cấu nông nghiệp rất hay, cần sớm triển khai, sản xuất theo quy hoạch vùng, theo định hướng thị trường”.
Theo phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nên tính toán lại quy hoạch ngành nông nghiệp, xem lại quy hoạch cung cầu lúa gạo: xuất khẩu hiệu quả hẵng xuất, không hiệu quả xem lại chỉ tiêu, chuyển sang cây khác, sử dụng đất hiệu quả hơn. “Tôi đi thăm xã Nam Điền (Nam Định) thấy dân chuyển sang trồng hoa, cỏ nhật, một năm lãi gần 1 tỉ đồng, gấp mười lần sản xuất lúa, dân chuyển đổi mà chính quyền không cho. Rất mừng Trung ương, Quốc hội cho chuyển đổi, nhưng làm sao để sau này chuyển lại lúa vẫn có điều kiện”, phó Thủ tướng lưu ý. Còn phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lạc quan: đây là thời cơ thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Theo ông Nhân, đó là chuyển từ “hai tăng” (tăng sản lượng, tăng vốn) sang giảm chi phí, bằng ứng dụng khoa học công nghệ. “Lúc đó giá không tăng nhưng thu nhập vẫn tăng. Thứ hai là tăng chất lượng sản phẩm, theo nhu cầu thị trường và theo hiệu quả”, phó Thủ tướng nói.
Chí Hiếu
SGTT.VN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)