Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đón Tết đầu tiên trong quân ngũ

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tháng 8 năm 1982, tôi đi bộ đội. Theo Luật Nghĩa vụ quân sự thì tôi đúng cái mốc tuổi cuối cùng (27 tuổi). Có hai giáo viên nữa, nhưng họ thua tôi vài ba tuổi, tất cả đều chưa vợ…


Tác gi Hoàng Minh Đc thăm chiến trưng xưa – Binh chng Tăng thiết giáp đánh thng trn đ Qung Tr

Hơn một tuần ở Trường Hạ sĩ quan xe tăng 2 ngoài Vĩnh Phú, đến tháng 9, chúng tôi lên tàu vào Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 trong Đồng Nai. Đa số học viên mới tốt nghiệp lớp 7. Một số ít đang học dở cấp 3 và một số nữa là công nhân đã có vợ con. Trường đóng trên vùng đồi thoai thoải của xã Phước Tân, huyện Long Thành. Toàn trường có 1 tiểu đoàn trợ giáo và 4 tiểu đoàn học viên. Các tiểu đoàn cách nhau gần 1 cây số. Tôi ở Tiểu đoàn 1, trưởng xe. Cả tiểu đoàn có 3 đại đội ở 3 ngôi nhà xây xếp thành một dãy dài. Mỗi đại đội có 3 trung đội chia ra 3 phòng lớn, làm 3 lớp học.

Công việc đầu tiên của các học viên là nắm bắt 11 chế độ trong ngày. Nào là thức dậy, treo Quốc kỳ, tập thể dục, kiểm tra sáng, học tập, ăn uống, lau chùi vũ khí, khí tài trang bị… Tối đến, sau giờ đọc báo là được xem ti vi. Điểm danh là chế độ cuối cùng trong ngày. Hai người nằm chung một cái giường tầng, không được nói chuyện to, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác. Gặp cán bộ sĩ quan nào tôi cũng chào là thủ trưởng. Sau gần 5 tháng rèn luyện, học tập, chỉ còn 1 tháng nữa là thi tốt nghiệp ra trường thì Tết đến. Tiểu đoàn thi gói bánh chưng. Chúng tôi là người miền Trung chỉ quen bánh tét. Những học viên người Hà Nội, Hải Hưng, Thái Bình là dân Bắc được cử đi thi gói bánh chưng ở tiểu đoàn. Tôi được chi đoàn giao cho biên tập tờ báo xuân. Phạm Bá Lộc, vốn là một giáo viên văn, tính tình cẩn thận lại có hoa tay cắt, viết, vẽ trình bày tờ báo. Nguyễn Đình Tri, giáo viên hóa, cùng một số học viên đi kiếm hoa rừng về trang trí bàn thờ Tổ quốc. Không có bàn, ghế, Trung úy Duyên, Trung đội trưởng của chúng tôi mượn được một chiếc phông màn bên phòng Ban chỉ huy đại đội phủ lên ba chục chiếc ba lô làm bàn thờ. Tết đến không có hoa đào, hoa mai và không có cả tiếng pháo mặc dù chúng tôi hàng ngày lau chùi, bảo dưỡng những khẩu pháo 100mm trên xe tăng.

Sau khi chọn bài và biên tập lại đôi chút, tôi thay bài “Nơi xa” gửi tặng cô người yêu hồi mới vào trường bằng bài “Người lính với mùa xuân”, một cảm xúc mới nổ ra tức thì:

Cái Tết đầu tiên chúng tôi xa nhà

Có những điều giản đơn cũng trở thành mơ ước

Một nhành đào cắm lọ hoa ngày Tết

Đêm giao thừa thiếu pháo đón xuân sang

Mấy đứa chụm đầu bàn chuyện đón xuân

Mấy chiếc ba lô xếp chồng lên làm bàn thờ nhớ Bác

Nòng pháo xe tăng làm cây nêu ngày Tết

Một bó hoa rừng ngào ngạt hương đưa

Nghĩ tới mùa xuân trong ca gác đêm khuya

Ai cũng bảo lính Tăng là người giàu mơ ước

Riêng chúng tôi thấy điều rõ nhất

Trời đất giao hòa/ người lính chúng tôi/ chạm môi trước với mùa xuân.  

Sáng 30 Tết, đang ngắm nghía tờ báo tường thì đứa em trai thứ 3 của tôi học Đại học Thủy sản năm thứ 2 ngoài Nha Trang vào. Nó nói: “Em vào ăn Tết với anh cho đỡ nhớ nhà”. Đón giao thừa, tiểu đoàn tổ chức hái hoa dân chủ. Cậu Ánh Dương, người Hà Nội bên Đại đội 2 ôm cây đàn ghi-ta lên biểu diễn một nhạc phẩm mới sáng tác. Hôm trước cậu khoe với tôi một tờ báo gia đình gửi vào có đăng bài hát của cậu. Tôi bắt được một câu hỏi hãy phát biểu cảm xúc của người lính khi đón cái Tết đầu tiên trong đời quân ngũ nhưng anh em lại yêu cầu tôi hát bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” bằng hai giọng nam, nữ mặc dù bài đó tôi đã hát đi hát lại nhiều lần.

Đến giờ xem ti vi, cả tiểu đoàn ngồi trên sân cỏ. Khi tiếng chuông Đài Truyền hình TP.HCM điểm từng tiếng một thánh thót, ngân dài báo hiệu giờ phút thiêng liêng đã tới. Người tôi bỗng nổi gai, ớn lạnh. Tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ và các em vô kể. Tôi ôm lấy thằng em trai với một cảm xúc rất lạ. Lần đầu tiên hai anh em chúng tôi đón Tết ở nơi xa, cách nhà hơn 1.200 cây số. Các cô y tá, cấp dưỡng ở tiểu đoàn bộ ôm nhau khóc rồi chạy về phòng. Họ là những người lính nhập ngũ từ năm 1978 xin ở lại làm quân nhân chuyên nghiệp. Sau khi nghe Chủ tịch nước Trường Chinh đọc thư chúc Tết, mọi người đi thăm nhau. Một đoàn cán bộ trong Ban Giám hiệu nhà trường về thăm Tiểu đoàn 1. Đi đầu là Đại tá Trần Quang Bôn, Hiệu trưởng nhà trường. Có cả Thượng tá, Hiệu phó Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 203, người đã chấp nhận lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh năm 1975.

Đúng 2 giờ sáng, tôi đi gác ở khu chăn nuôi heo của tiểu đoàn. Đó là dãy chuồng trại nằm dưới tán những cây ngô đồng. Chuồng không có mái che, chỉ có mấy tấm ghi ghép lại. Thấy tôi đi, thằng em tôi cũng vùng dậy đi theo. Nó nói để xem cuộc đời người lính của anh làm những gì. Tôi kể cho nó nghe câu chuyện vui: “Ăn được gác được”. Nghe xong nó phá lên cười: “Rứa là em cũng trở thành một người lính như anh rồi”. Bỗng có một bóng đen bước tới. Tiểu đoàn trưởng gặp hai anh em tôi. Ông chìa ra bao thuốc lá Điện Biên mời. Ông bảo cũng nhớ vợ con ở nhà không sao ngủ được. Ông ở quê lúa Thái Bình.

Học xong, ba giáo viên chúng tôi được ở lại trường. Tôi lên Phòng Tham mưu, Lộc lên Phòng Chính trị, còn Tri vẫn ở lại làm văn thư Tiểu đoàn 1. Ngày 29 Tết, có một cậu học viên ở Tiểu đoàn 4, pháo thủ lên gặp tôi. Thì ra đó là Nguyễn Nam Nhân, một học trò cũ của tôi mới nhập ngũ năm 1983. Cậu đến thăm và tìm hiểu cách tổ chức đón Tết như thế nào. Thấy có bụi tre ngà bên khu hiệu bộ rất đẹp, cậu muốn xin một cây về trang trí cho tiểu đoàn. Tôi dẫn cậu ta sang gặp Đại tá Trần Quang Bôn. Thủ trưởng bảo cậu cần vụ ra chọn cho Nhân một cây.

Năm 2019, các cựu chiến binh Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 về Quảng Minh xã tôi gặp lại các cựu chiến binh Quảng Bình đã từng học tập, công tác tại trường năm xưa. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cũng được mời đến dự. Bây giờ trên đầu các thủ trưởng của tôi ai cũng đã bạc trắng cả rồi. Có nhiều người mang quân hàm Đại tá. Gặp nhau ai nấy mừng mừng tủi tủi. Chúng tôi hát hò và ôn lại những kỷ niệm xưa…

Trở lại nghề dạy học, đã qua gần bảy chục cái xuân xanh, đón gần bảy chục cái Tết, tôi vẫn không bao giờ quên được cái Tết đầu tiên trong đời quân ngũ.

Nhà văn Hoàng Minh Đc

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)