Thùy Vân cùng các bạn trong dịp Tết 2008 |
Không khí mùa xuân ấm áp ùa về trên khắp nẻo đường quê hương của đất nước, với những nụ cười hạnh phúc của người xa quê khi đoàn tụ gia đình. Ở một nơi xa xôi, nước Nga bước vào đông với những con đường bạch dương tuyết trắng nắng tàn. Giữa bốn bề tuyết phủ, một bếp lửa hồng được nhen nhóm lên bên nồi bánh chưng nấu dở, câu chuyện ngày Tết cổ truyền nơi quê nhà lại hiện lên trong kí ức của những du học sinh xa nhà.
Sau 5 cái Tết xa gia đình, Thùy Vân (Trường ĐH Tổng hợp Dầu khí Gubkin – Nga) chia sẻ: 5 năm học ở Nga, năm nào mình cũng đón Tết xa gia đình. Mùa đông ở Nga rất lạnh, dường như sinh viên rất ít ra ngoài, những ngày lễ như Noel, Tết dương hay Tết nguyên đán, sinh viên Việt nhận được nhiều lời chúc từ nhà trường và các thầy cô giáo, Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga. “Nhớ nhất là Tết năm 2008, mình và các bạn còn nấu bánh chưng và muối dưa hành để ăn. Hương vị Tết Việt lan tỏa rất nhiều phòng ở kí túc xá của trường. Bọn mình đã xin phép người quản lý kí túc xá nhóm bếp lửa ở khuôn viên của trường để nấu bánh chưng. Trời tuy lạnh nhưng trong lòng thấy ấm áp lắm, bởi những câu chuyện về ngày Tết chẳng bao giờ hết trong kí ức của mỗi người…” – Thùy Vân nhớ lại.
Em Hải Anh (ở Hà Nội) lần đầu tiên đón Tết ở Nga nên đã khóc vì nỗi nhớ da diết về hình ảnh quê hương trong những ngày xuân ấm áp. “Ở Hà Nội, đêm giao thừa thường có mưa xuân, trời lạnh nhưng đường phố tấp nập và vui lắm. Tết với em tràn ngập niềm vui bên gia đình. Còn ở đây, ngoài trời chỉ có tuyết rơi, chỉ có những đợt gió mang cái lạnh đến cắt da từ vùng Bắc Cực về cho những lưu học sinh ở đây. Cả đám bạn quây quần bên tách trà nóng cùng với đĩa mứt gừng. Chúng em đã miên man trò chuyện cùng nhau để cố xua đi cái lạnh giá” – Hải Anh bùi ngùi nhớ lại.
Trần Thanh Thể, sinh năm 1990, hiện đang theo học tại Khoa Dự bị Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh – Nga.
Đây là năm đầu tiên Thể đón giao thừa xa nhà, cảm giác của Thể cũng giống nhiều bạn sinh viên đang du học ở Nga, không giấu được nỗi buồn trong những dòng chữ trên blog của mình. Khi được hỏi về việc học cũng như không khí đón Tết của các bạn sinh viên cùng trường, Thể tâm sự: “Mặc dù có bạn bè bên nhưng năm đầu xa nhà em thấy nhớ nhà lắm, nhất là những ngày đông lạnh tuyết phủ đầy đường. Cũng may là có các anh chị người Việt mình học khóa trên đến chơi và tổ chức đón Tết cho bọn em. Nếu không chắc em nhớ nhà mà khóc quá!”.
Còn với Phạm Trọng Quỳnh, sinh viên năm 4, Khoa Robot – tự động, ĐH Kĩ thuật miền Nam nước Nga có rất nhiều kỷ niệm về những ngày đón xuân xa xứ. Quỳnh tâm sự: Mùa đông ở Moscow lạnh cắt da, có khi lên đến âm 30 độ C. Hầu hết bọn tôi đều ở trong phòng, thi thoảng qua phòng nhau trao đổi bài vở và trò chuyện. Các bạn đến từ nhiều tỉnh thành nên câu chuyện về ngày Tết lúc nào cũng phong phú. “Tết năm 2007, lúc đó tôi mới sang Nga, ngồi nghe mấy anh chị kể chuyện về các lễ hội vào ngày Tết, tôi đã biết thêm được một số lễ hội ở nhiều vùng quê khác nhau của đất nước mình. Ở đây không có hoa đào, hoa mai và cũng không có nhiều thèo lèo, bánh mứt, dưa hành, củ kiệu… mà chỉ có băng giá và tuyết phủ trắng xóa trên khắp các con đường, mái nhà, góc phố… Dù không ăn được là bao nhưng hàng đêm từ 30 tháng chạp đến mồng 3 Tết, chúng tôi thường nhóm bếp lên để nấu bánh chưng, bánh tét, rồi quây quần bên nhau chuyện trò. Lúc này đây, trong lòng mọi người ai cũng ấm áp một mùa xuân nơi quê nhà…
Một mùa xuân mới lại đến với nhiều lời chúc mừng cho những thành công, hạnh phúc của mỗi người. Với những du học sinh, dù ở bất cứ nơi đâu, thì hình ảnh và hương vị của Tết Việt vẫn in đậm trong tâm trí họ.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)