Đã gần 1 năm chưa về quê vì dịch Covid-19, Tết sẽ là dịp lý tưởng để gia đình hội tụ. Nhưng nhiều người dân làm việc tại TP.HCM đang đắn đo không biết nên về quê hay ở lại TP đón Tết vì nhiều lý do.
Người dân gom hành lý lên tàu về quê ăn Tết
Đứng giữa “đôi bờ” lựa chọn
Chỉ còn khoảng ba tuần nữa là bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Với một người con đi làm xa quê như, đây có lẽ là thời điểm mong chờ nhất sau một năm quá nhiều khó khăn, mệt mỏi vì Covid-19 hoành hành. Khao khát được khỏe mạnh, bình an về đoàn tụ cùng gia đình điều mà ai xa quê cũng mong đợi vào lúc này.
Chị Trần Kim Lý (bán trái cây ở chợ Bà Quẹo, quê Nghệ An) cho biết, cả năm qua, chị chẳng thể một lần về thăm nhà. Một phần vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít lần chị trở thành F0 rồi F1, F2, ở vùng cam, nên không thể về quê. Phần khác cũng vì thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bùng phát kéo dài. “Thế là tôi đành đặt hy vọng của mình vào dịp Tết năm nay, mong được trở về bên gia đình tề tựu cùng gia đình sau một năm quá nhiều biến cố. Thế nhưng, đọc tin tức những ngày này, tôi thấy khá lo lắng vì mỗi nơi quy định mỗi kiểu đối với người dân về từ TP. Theo quy định phòng chống dịch, Nghệ An quy định người dân khi về quê từ các khu vực nguy cơ cao phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế trước khi về nhà, nơi lưu trú; đi từ khu vực nguy cơ thấp hơn thì thực hiện khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày. Không biết sắp tới có quy định gì nữa không thì tôi chưa biết. Tôi không biết nên về quê hay ở lại”, chị Lý chia sẻ.
Trong khi đó, bạn Thái Thị Ngọc Yến (sinh viên, quê ở Thanh Hóa) cho biết, tỉnh Thanh Hóa vừa ra thông báo vận động người sinh sống, học tập, công tác xa tạm thời không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết. “Dù đây không phải lệnh cấm về quê nhưng nó cũng khiến tôi vô cùng băn khoăn trước khả năng có thể trở về nhà ăn Tết hay không? Mọi kế hoạch của người dân xa quê dường như có thể đổ bể bất cứ lúc nào nếu các địa phương thay đổi mức độ chống dịch. Liệu về có bị cách ly không, có phải xét nghiệm không, có mất Tết không…? Đó là những câu hỏi khiến tôi và nhóm bạn vô cùng lo lắng”, Yến tâm sự.
Bạn Trần Thị Ngọc Châu (cùng quê Yến) cho hay chưa bao giờ chị thấy việc về quê ăn Tết gặp nhiều đắn đo như thế này. “Quê tôi ở Sóc Trăng, cách TP.HCM chỉ vài trăm cây số, đi vài tiếng đồng hồ là tới nhưng sao tôi vẫn lo sợ. Lỡ về quê bị cách ly thì mất luôn cái Tết, mà ở lại cũng không xong. Tôi chỉ mong là gần Tết mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi, khi đó tôi có thể về quê để đón Tết cùng gia đình.
Vẫn về quê
Dù lo ngại tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhưng một số bạn trẻ quyết định về quê sum vầy với gia đình dịp Tết. chị Trịnh Thị Ngọc Giàu (nhân viên văn phòng, quê tỉnh Đồng Tháp) cho biết, sau khi TP.HCM kiểm soát được tình hình dịch bệnh thì chị phải bắt tay vào công việc nên không có thời gian về quê thăm gia đình. Chính vì vậy, Tết là cơ hội trong năm có được kỳ nghỉ dài ngày nên chị sẽ tranh thủ thời gian này để về quê sum vầy với ông bà, cha mẹ. “Về quê trong dịp Tết không có gì vui hơn ngoài việc các thành viên trong gia đình được đoàn tụ ăn bữa cơm, trò chuyện, thăm hỏi, cùng chúc cho nhau một năm mới an lành, hạnh phúc và luôn gặp nhiều may mắn… Giờ thì mình chỉ mong từ đây đến Tết tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt như thời gian gần đây. Và nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt thì mình sẽ về quê ăn Tết cùng với gia đình, chị Giàu nói.
Có thế nói, hiện nay, dù không cấm người dân về quê đón Tết, nhưng mỗi địa phương lại có một quy định chống dịch khác nhau. Nơi làm chặt (yêu cầu xét nghiệm, cách ly), nơi lại nới lỏng (chỉ cần khai báo y tế và đảm bảo 5K). Điều này vô tình gây khó, bất tiện cho người dân trong việc quyết định trở về quê ăn Tết.
|
Trong khi đó, nhiều bạn trẻ đã quyết định về quê vào lúc này để ăn Tết. Có mặt tại ga Sài Gòn để chuẩn bị lên tàu về quê bạn Hoàng Tân (quê Quãng Ngãi) cho biết, một năm qua em không được về quê vì bận đi làm. “Nay em nghe thông tin Quảng Ngãi quê em thông báo người về từ các tỉnh, thành có số ca mắc Covid-19 cao như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã tiêm đủ hai liều vắc-xin hoặc đã khỏi mắc Covid-19 trong vòng sáu tháng vẫn phải xét nghiệm PCR; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng bảy ngày kể từ ngày về địa phương. Để được đón Tết cùng gia đình, em quyết định nghỉ việc về trong lúc này. Trừ thời gian cách ly tại nhà em vẫn còn thời gian để đón Tết cùng ông bà, người thân. Nếu về muộn sẽ không có thời gian nhiều để ăn Tết cùng gia đình. Với lại không biết sắp tới tỉnh có thay đổi gì nữa không thì chưa ai biết được”, Tân chia sẻ.
Chị Lưu Thị Thu Thủy (công nhân, quê Phú Yên) đang làm việc tại nhà hàng Q.1 cho biết: “Mặc dù cũng phân vân lắm nhưng hy vọng tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát như thế này thì mình sẽ về quê ăn Tết với gia đình vì đã lâu mình không về nhà”.
Chị Thủy cho biết sở dĩ chị có chút phân vân là vì mình làm việc ở môi trường tiếp xúc rất nhiều người nên cũng sợ chẳng may vô tình về quê ăn Tết lại mang dịch Covid-19 về nhà. Tuy nhiên, Tết là dịp để mọi người được đoàn viên, cha mẹ, anh chị em quây quần bên mâm cơm gia đình cùng đón giao thừa và chụp hình gia đình. Để bảo vệ an toàn cho cha mẹ cũng như người thân ở quê, chị Thủy cho biết, trước khi về quê ăn Tết, mình sẽ đến cơ sở y tế test Covid-19 cũng như tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K trong suốt những ngày ăn Tết ở quê nhà.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)