SV ở Mỹ cũng gói bánh chưng mừng ngày Tết cổ truyền của dân tộc (Trần Hoàng Phong, SV Trường ĐH bang Florida, Hoa Kỳ cung cấp ảnh)
|
Nơi đâu có người Việt, nơi đó có những cành đào cành mai; nơi đó có chả giò, bánh chưng ăn kèm dưa món, củ kiệu… trong những ngày xuân. Ở những miền đất có thời tiết lạnh lẽo như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, New Zealand hay bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ ấm hơn khi nơi đó có con người đất Việt mang Tết đến.
Mỗi dịp Tết đến, người người háo hức về nhà để đón giao thừa ấm áp cùng người thân nhưng với nhiều lưu học sinh (LHS) đang du học thì việc ở lại nơi đất khách quê người là điều thường thấy. Để vơi đi nỗi nhớ nhà trong những ngày này, họ cùng nhau sát cánh làm nên nhiều sản phẩm gợi nhớ về truyền thống dân tộc và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Họ đã thổi cái ấm áp của khí trời lập xuân trong ngày Tết cổ truyền đến những nơi lạnh lẽo, giá băng…
Thổi lửa nấu bánh chưng đêm 30
Tết Nguyên đán, các du học sinh người Việt ở Hàn Quốc chỉ được nghỉ 3 ngày (từ 30 đến mùng 2 Tết) nhưng đây là dịp ý nghĩa bởi họ có thời gian ngồi quây quần bên nhau chia sẻ những niềm vui và cả nỗi buồn sau một năm học tập vất vả.
Chiều 30 tháng chạp, gần 100 SV Việt tại ĐH Ulsan và các trường lân cận đã có mặt tại nhà bếp ký túc xá ĐH Ulsan để chuẩn bị những món ăn thuần Việt ngày Tết. Huỳnh Ngọc Tiên (SV Khoa Kỹ sư hóa, Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Ulsan) chia sẻ: “4 đến 5 giờ chiều 30 Tết, các SV Việt bắt đầu họp lại làm các món ăn như giò chả, bánh tét, bánh chưng, xôi, gà… để đón giao thừa. Mấy món ăn của Việt Nam rất ngon mà không quá cầu kỳ nên tụi mình làm đến giao thừa là có thể phá cỗ. Ngoài ra, trong những ngày Tết cổ truyền người Việt, không thể thiếu hoa đào, hoa mai. Hàn Quốc không có những loài hoa này nên bọn mình thường tự chế, các bạn nữ lấy giấy ra cắt dán trang trí hoa đào, hoa mai để treo lên tượng trưng”.
Dưới bàn tay khéo léo của các bạn nữ, những cành đào, cành mai được dựng lên trông như thật. Nhưng có lẽ, điều làm mọi người chú ý nhất vẫn là mấy đĩa bánh chưng nóng hổi được bày trên bàn tiệc. Để vơi đi nỗi nhớ quê, hễ đến Tết Nguyên đán, các bạn trẻ ở Trường ĐH Ulsan đều chọn cách gói bánh chưng thay vì đặt bánh ở thành phố Seoul mang về. “Xứ sở kim chi không có lá dong và lá chuối nên tụi mình tự chế bằng giấy bạc để gói bánh. Do khéo léo trong cách làm nên sản phẩm nhìn vẫn rất đẹp và thơm phức”, Phạm Văn Huy (SV Khoa Cơ khí, ĐH Ulsan) nhớ lại cái Tết năm ngoái.
Không ồn ào, tấp nập như LHS ở Hàn Quốc, LHS ở New Zealand đón Tết ít đồng hương người Việt hơn nhưng vẫn đầm ấm. Họ tụ tập lại thành một nhóm khoảng 10-20 người làm mâm cỗ cho ngày Tết. Trần Anh Tuấn (vừa tốt nghiệp ngành tài chính và kinh tế Trường ĐH Massey, New Zealand) cho hay: “Mình du học đến nay đã tròn 4 năm và có 3 năm ăn Tết Việt ở xứ sở này. Những ngày này, bọn mình thường đến các gia đình người Việt sống lâu năm ở đây để cùng làm mâm cỗ. Bọn mình mua lá dong, gạo nếp, đỗ… ở các cửa hàng Trung Quốc về và tự gói bánh chưng. Thường thì gói từ buổi chiều nên đến lúc giao thừa có thể đưa ra cúng tổ tiên và thưởng thức mừng năm mới”.
Còn ở nước Mỹ xa xôi, các LHS Việt cũng không quên thổi lửa giữa đêm đông để nấu bánh đón xuân quê nhà. Trần Hoàng Phong, SV Trường ĐH bang Florida, kể: “Ở các trường ĐH của Hoa Kỳ, thời điểm này là lúc SV đã vào học kỳ mới. Vì vậy, tụi mình thường tạm gác chuyện học hành và công việc để cùng nhau đón năm mới. Bữa tiệc mừng năm mới rất vui vì đây là dịp mọi người quây quần cùng nhau gói bánh chưng, nấu các món ăn ngày Tết và kể cho nhau nghe chuyện đón Tết ở mỗi vùng miền của Tổ quốc”…
Ngày xuân – ngày của quê hương
SV Việt ở Trường ĐH Ulsan (Hàn Quốc) chụp hình lưu niệm trong bữa tiệc tất niên (Phạm Văn Huy, SV Khoa Cơ khí, ĐH Ulsan cung cấp ảnh) |
Ngày Tết, gia đình Việt thường mời mọi người đến ăn cỗ để thắt chặt thêm mối quan hệ bạn bè, xóm làng. Ở phương trời xa xôi, các bạn trẻ cũng không thể quên nét đẹp truyền thống này, dù chỉ có một mình làm tiệc đãi khách. “Đón Tết Dương lịch ở Canada rất vui, tụi mình thường tham gia nhiều lễ hội chào đón năm mới ở nước bạn. Còn Tết Nguyên đán của người Việt thì tụi mình vẫn phải đi học bình thường, chiều đến mình mới về nhà để nấu cơm đãi bạn bè các nước học chung trường. Cũng may là ở Canada, đồ ăn của Việt Nam được bày bán ở nhiều nơi nên mình có thể làm những món ngày Tết như chả giò, bánh chưng, củ kiệu… để đãi mọi người”, Trần Vĩnh Sơn, nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Moncton, Canada cho biết.
Không chỉ thắt chặt thêm tình bạn, đây cũng là dịp để bạn trẻ Việt giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của đất nước mình đến bạn bè quốc tế. “Những người bạn ở các nước khi được mời đến dự tiệc Tết Việt họ rất vui, thường khen những món ăn như nem nướng, chả thủ, chè bắp… ngon và muốn sang Việt Nam để khám phá thêm văn hóa dân tộc Việt”, Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Còn với Phạm Ngọc Thiên Trang, SV năm 2 Trường ĐH Massey, thì có một mùa xuân để đời ở đất nước New Zealand. Trang bộc bạch: “Khi mới sang xứ sở này du học, em ở homestay vì lúc đó đang học phổ thông. Mới xa gia đình nên ngày Tết em rất buồn và nhớ nhà. Tuy nhiên, nơi em ở cũng có một số bạn LHS người Việt nên chúng em đã làm các món ăn như chả giò, xôi gấc, bánh chưng… đãi bạn bè và bố mẹ nuôi. Bữa tiệc bắt đầu, chúng em quay clip để mọi người cùng chia sẻ những cảm xúc hết sức cảm động trong ngày Tết xa quê”.
Tết là ngày đoàn viên nên mỗi người con đất Việt khi xa quê không tránh khỏi cảm giác nhớ gia đình, nhớ bạn bè da diết. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian mà họ đã dành trọn cho quê hương, xứ sở. “Thời khắc giao thừa mình thường tranh thủ gọi điện chúc Tết gia đình và bạn bè để được hòa cùng không khí ở quê nhà. Trong không khí của ngày xuân, tấm lòng của những người con phương xa luôn hướng về quê hương, mong cho một năm mới an lành, ấm no và hạnh phúc”, Trần Hoàng Phong thổ lộ.
Dương Bình
Bình luận (0)