Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Đông Á tạo phiên bản giáo dục Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Chính phủ các nước Đông Á đang tập trung đầu tư vào các trường đại học hàng đầu, tài trợ nghiên cứu cơ bản và tăng quy mô tuyển sinh của các trường nghề và cao đẳng – tất cả nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Vị thế của Hong Kong và Singapore trong lĩnh vực vận tải và sản xuất đang suy giảm. Nhưng đồng thời, hai thành phố cảng nhộn nhịp này lại đang nỗ lực chuyển mình để trở thành trung tâm phát minh, sáng chế.

Trung Quốc đã đầu tư vào một số trường đại học với hy vọng các trường này sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ danh tiếng toàn cầu.
Ở Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo đang dành hàng tỷ USD để xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại và thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học nước ngoài. Và để khỏi bị tụt hậu so với Trung Quốc, Đài Loan đang “săn lùng” những tài năng sáng giá trên khắp thế giới.
Thái độ của Châu Á đối với giáo dục đại học tương phản rõ rệt với Mỹ. Tại Mỹ, ngay cả khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa xảy ra, tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học cũng đã suy giảm đáng kể.


Khu nhà ở dành riêng cho sinh viên năm nhất của ĐH Pennsylvania. Ảnh: K.L

Bài 1: Học theo mô hình GD Mỹ
Quan chức chính phủ và các trường đại học Châu Á lại cho biết họ đang chịu ảnh hưởng từ Mỹ.
Một số cường quốc Đông Á may mắn được quản lý bởi những chuyên gia thông thái. Họ từng du học Mỹ và được mắt thấy tai nghe sự ưu việt của hệ thống giáo dục này. Giờ đây họ đang muốn áp dụng mô hình đó cho quốc gia mình.
Một số người cho rằng việc chính phủ Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đổ tiền vào các trường đại học “tinh hoa” chính là sự mô phỏng tính phân cấp giữa các trường đại học Mỹ.
“Hệ thống giáo dục Hàn Quốc rất giống với Mỹ”, ông Nam Pyo Suh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ cấp cao Hàn Quốc, nhận xét. Ông cho biết số đại học tư ở nước này đã vượt số đại học công, nhưng chỉ một vài trường trong số đó phát triển nổi trội.

Nhằm tái định vị quốc gia trong lĩnh vực y tế và công nghệ sinh học, Singapore đã mời các trường hàng đầu của Mỹ như Đại học Chicago, Đại học Duke và Viện Công nghệ Massachusetts giảng dạy các chương trình sau đại học. Học xá của những trường này được đặt cạnh các công viên công nghệ để kích thích sự phát triển của các công ty trong đó.
Hàn Quốc cũng có chính sách tương tự đối với đào tạo đại học. Tháng 5/2009, nước này khởi công xây dựng một khu học xá quốc tế ở thành phố Songdo, thuộc Khu Kinh tế Tự do Incheon. Khu học xá Songdo sẽ là điểm dừng chân của 6 trường đại học Mỹ. Những người phụ trách dự án hy vọng rằng các trường đại học ở đây sẽ hợp tác với bộ phận nghiên cứu của các công ty đa quốc gia, biến Songdo thành một trung tâm giáo dục và kinh doanh toàn cầu.
Năm 2005, Đài Loan đầu tư 1,6 tỷ USD vào các trường đại học danh tiếng trong nước nhằm mục tiêu chiếm được 10 vị trí trong danh sách các trường đại học hàng đầu Châu Á tới năm 2010. Ngoài ra, tất cả các trường đại học ở Đài Loan đều đang nỗ lực tăng cường các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trung Quốc đang thực hiện đề án 985 nhằm đẩy mạnh phát triển các trường đại học hàng đầu. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng không quên chú trọng đầu tư cho các trường dạy nghề, đồng thời lên kế hoạch phổ cập giáo dục đại học trên quy mô tương đương với nước Mỹ thời kỳ hậu chiến.
“Châu Á đã nghiên cứu rất kỹ nguyên nhân thành công của phương Tây”, Giáo sư Kishore Mahbubani, một chủ nhiệm khoa ở Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định. “Họ hiểu rằng nếu không thành lập những trường đại học tốt và thu hút nhân tài trên khắp thế giới, đất nước không thể tiến tới giai đoạn phát triển tiếp theo”.
Những kết quả bước đầu
Hiệu quả của các chiến dịch này khác nhau đối với từng nước, nhưng không thể phủ nhận rằng cú hích của Châu Á đã đem lại một số thành tựu đáng kể. Trừ Đài Loan, tất cả các nước Đông Á đều đã có những trường nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu của Times Higher Education-QS World University Rankings.
Cải cách giáo dục ở Châu Á đã tác động tới các nước có nền giáo dục danh tiếng lâu đời. Năm 2006, một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khen ngợi chương trình giáo dục phổ thông của Hàn Quốc và nhấn mạnh sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ. Bản báo cáo khẳng định: “Châu Âu không thể ngăn cản các nước Đông Á tạo ra hàng loạt cử nhân chất lượng cao”.
Michael Spence, hiệu phó Đại học Sydney, cho biết trường này có nguy cơ mất nhiều sinh viên Trung Quốc, hiện đang chiếm 40% tổng số sinh viên quốc tế. Đối thủ của Đại học Sydney không phải các trường phương Tây, mà chính là các trường Trung Quốc.
Báo cáo Giáo dục Toàn cầu 2009 (2009 Global Education Digest) của UNESCO cho thấy trong năm 2007, 42% số du học sinh ở Đông Á và Thái Bình Dương chỉ học trong khu vực, trong khi năm 1999, con số này chỉ là 36%.
Tất cả các nhà nghiên cứu trên thế giới đều có thể tiếp cận những phát minh của Châu Á thông qua các tạp chí khoa học quốc tế. Các học giả phương Tây có thể tìm kiếm những cộng tác viên đắc lực tại các trường đại học danh tiếng ở Châu Á. Sinh viên Châu Á được đào tạo tốt hơn cũng có nghĩa là các chương trình sau đại học của Mỹ sẽ tuyển được nhiều học viên giỏi hơn.
Một báo cáo năm 2008 của Quỹ Khoa học Quốc gia (Mỹ) cho thấy, số lượng bằng sáng chế của Mỹ đã giảm từ 55% vào năm 1996 xuống còn 53% vào năm 2005. Nguyên nhân là do số lượng bằng sáng chế của Châu Á tăng lên.
Tương tự, năm 2003, Mỹ chỉ sở hữu 58% số nghiên cứu khoa học có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu trong khi năm 1992, con số này là 63%. Trong khi đó, có sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.
Cũng theo báo cáo này, ngày càng có nhiều quốc gia đã khẳng định được mình trong lĩnh vực nghiên cứu, phát minh nhờ tạo ra phiên bản giáo dục Mỹ của riêng mình.
VNN

Bình luận (0)