Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Đông Bắc Á đầu tư mạnh vào Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 22-5, Trường ĐH Văn Hiến tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác đầu tư các nước Đông Á – Việt Nam và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động” thu hút sự tham dự của nhiều đại biểu trong và ngoài nước.

Đại biểu quốc tế trình bày ý kiến tại hội thảo

Trong tham luận, bà Nguyễn Thị Huyền Ngọc (Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, một số nền kinh tế Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã và đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam để mở rộng thị trường.

Tính riêng trong năm 2017, tổng vốn đầu tư từ Đông Bắc Á tại Việt Nam đạt hơn 22,72 tỷ USD, cao hơn 51,46% so với năm 2016. Đến cuối năm 2017, Đông Bắc Á có 15.753 dự án còn hiệu lực với tổng cộng 167,87 tỷ USD, chiếm 52,67% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với gần 57,66 tỷ USD, cao hơn Nhật Bản (đang đứng vị trí thứ hai với 49,46 tỷ USD) và bỏ xa Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc với tổng vốn đầu tư lần lượt là 30,91 tỷ USD; 17,75 tỷ USD và 12,08 tỷ USD.

Về ngành nghề đầu tư, nhóm công nghiệp chế biến và chế tạo thu hút nhiều vốn nhất với gần 212 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn đầu tư của cả khối. Các nhóm ngành nghề khác chiếm tỷ trọng tương đối thấp, dưới 10%. Về địa bàn, Đông Bắc Á chủ yếu rót vốn vào khu vực miền Bắc và miền Nam. Riêng phía Nam, Đồng Nai đang đứng đầu bảng với hơn 15,2 tỷ USD; tiếp là Bình Dương (13,76 tỷ USD) và TP.HCM (12,89 tỷ USD).

Bà Ngọc cho rằng, việc Đông Bắc Á đầu tư mạnh vào Việt Nam nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp thông qua việc tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam như: vị trí địa lý chiến lược, sự tương đồng về văn hóa, tình hình chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ với chi phí hợp lý…

Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, đã và đang hội nhập với khu vực lẫn thế giới. Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược, thuộc khu vực Đông Nam Á, một bên giáp biển Đông, một bên giáp đất liền, thuận lợi để phát triển giao thông đường biển lẫn đường bộ. Ngoài ra, đây là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay. Từ TP.HCM, chỉ trong bán kính 8 giờ có thể tiếp cận 50% thị trường thế giới với khoảng hơn 3 tỷ người (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Đông Nam Á..) mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam có thể phát triển thành một cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện vào cuối năm 2015, hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đứng thứ 3 trong số 15 quốc gia/ vùng lãnh thổ khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có chi phí nhân công rẻ.

Đối với lao động phổ thông trong lĩnh vực sản xuất: mức lương trung bình của Việt Nam là 3.855 USD/người/năm, thấp hơn Philippines 6-8% trong khi trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam và Philippines tương đương nhau; thấp hơn Indonesia 11%; thấp hơn Malaysia; thấp hơn Thái Lan 40%; chưa bằng phân nửa so với Trung Quốc; tương đương Ấn Độ và chỉ cao hơn Campuchia, Lào lần lượt là 46% và 62%.

Đối với kỹ sư và quản lý: mức lương trung bình của Việt Nam là 5.940 USD/người/năm, thấp hơn hầu hết các nước và cả Ấn Độ (khoảng 30%).

Đặc biệt, chính sách đầu tư của Việt Nam thông thoáng và ưu đãi. Cụ thể, Việt Nam đưa ra chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích đầu tư, theo lộ trình giảm dần thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức tiêu chuẩn 32% đến nay còn 20%, bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực, chỉ cao hơn Singapore (17%). Ngoài ra đối với dự án trọng điểm, công nghệ cao hoặc tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, Chính phủ cho phép áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi ở mức 10%, 15% hoặc 17% trong 10 đến 15 năm hoặc suốt thời gian dự án, miễn thuế từ 2 đến 4 năm kể từ khi có lợi nhuận; cùng với đó là chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho một số thiết bị, hàng hóa nhất định.

Chưa kể, Việt Nam còn có quy mô thị trường vừa phải với khoảng 93,7 triệu dân, trong đó số người từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 58% dân số, tạo nên một lực lượng lao động hùng hậu có phẩm chất tốt, cần cù, ham học hỏi và tiếp thu nhanh với chi phí khá cạnh tranh.

T.Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)