Cá tra – ba sa là đặc sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ chỗ chỉ nuôi hầm, bè trên sông, đến nay bà con đã nuôi trên ao theo phương thức công nghiệp. Cá tra VN đã có mặt tại hơn 130 thị trường thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, với giá trị xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD/ năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động…
Các vị khách trong và ngoài nước tham quan ao nuôi cá tra tuần hoàn nước trong bể xi măng tại Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ |
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt, với những đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu, đòi hỏi VN cần phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu.
1.Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), hiện nay khu vực ĐBSCL có khoảng 230 cơ sở sản xuất giống cá tra và trên 4.000 hộ ươm dưỡng cá giống với diện tích trên 2.250ha. Tuy sản lượng cung cấp đủ nhưng chất lượng cá tra giống chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do thời gian qua giá cá tra giống thấp nên chưa khuyến khích được các cơ sở tập trung sản xuất với quy mô lớn vì vậy rất khó quản lý chất lượng cá tra giống tại các địa phương. Trong khi đó, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ chưa đạt, còn tình trạng đẻ ép, khai thác quá mức bằng cách cho cá tra bố mẹ đẻ nhiều lần trong năm, nhất là khi giá cá tra giống nằm ở mức cao.
Bên cạnh đó, công nghệ nuôi cũng chưa hoàn chỉnh. Ông Dương Thanh My, nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Giá thành nuôi cá tra của ông chỉ 20.000 đồng – 21.000 đồng/kg nên những đợt giá cá tra thịt có giá 22.000 đồng – 23.000 đồng/kg, ao nuôi cá tra của ông vẫn có lãi. Nhưng nhiều hộ nuôi cá do không nắm kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, có giá thành nuôi cá lên tới 23.000 đồng – 24.000 đồng/kg thì coi như lỗ nặng”. Nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL cho biết: tỷ lệ chết cá tra nuôi thâm canh phổ biến ở mức trên 50%, thậm chí có hộ bắt cá giống không tốt, thả giống lúc thời tiết bất lợi nên tỷ lệ cá chết lên đến 60-70%. Hiện, có nhiều bệnh gây hại trên cá tra nhưng việc tìm ra tác nhân, phương pháp phòng trị hiệu quả vẫn là bài toán khó giải đối với các nhà khoa học khiến chi phí sản xuất trong quá trình nuôi con giống, thuốc thú y ngày càng cao, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm. Trong một nghiên cứu khoa học của Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ, nhiều hộ nuôi thả giống với mật độ 100 con/m2 với suy nghĩ thả cá nhiều để cá chết tới thu hoạch là vừa. Cách nuôi này khiến ao nuôi cá tra khó quản lý, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh tăng, dẫn đến giá thành sản xuất càng cao. Hơn nữa hầu như các hộ nuôi cá tra không bố trí ao lắng, ao xử lý nước thải mà xả trực tiếp vào nguồn nước mặt trên sông khiến mầm bệnh luôn có sẵn trong nguồn nước và đi vào ao nuôi.
Theo Trung tâm Chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản VN – Đan Mạch (VIDATEC) thì bên cạnh việc tăng cường mở các lớp tập huấn và có chính sách khuyến cáo, hỗ trợ người nuôi tiếp cận sử dụng các thiết bị tiên tiến, dự án cần tìm giải pháp, chiến lược để giảm giá thành, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, hình ảnh tích cực cho cá tra VN, để sản phẩm ngày càng mở rộng thị trường, tăng hiệu quả kinh tế… đó mới là đáp số toàn diện cho bài toán nâng cao chất lượng nuôi cá tra một cách bền vững cho ĐBSCL.
Mô hình truyền thống nuôi cá tra tuần hoàn nước |
2.PGS.TS Đỗ Thị Thanh Hương, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ, bổ sung: “Hiện nay những ao nuôi cá tra thâm canh có độ sâu từ 4-4,5m, mật độ nuôi lên đến gần 100 con/m2 nhưng chỉ sử dụng phương pháp thay nước một phần theo sự biến động thủy triều trong ngày. Tuy nhiên, cá tra sống và hoạt động chủ yếu ở tầng mặt (0,5m) nên tình trạng thiếu ôxy ở những lúc cao điểm (22 giờ đến 9 giờ sáng), hoặc ở những tầng nước sâu hơn là điều không thể tránh khỏi. Khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp, cá buộc phải bơi lên tầng mặt để lấy ôxy từ không khí nên bị mất năng lượng, làm giảm tốc độ tăng trưởng”.
Muốn khắc phục, người nuôi cá cần sử dụng phương pháp sục khí để tăng hàm lượng ôxy trong ao nuôi, giảm bớt khí độc, giúp cá có thể sống ở các tầng nước sâu và phân bố đều hơn ở các tầng nước trong ao. PGS.TS Thanh Hương nhấn mạnh: “Khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp, cá thường tăng cường lấy ôxy từ không khí buộc cá phải di chuyển lên tầng mặt làm mất năng lượng, giảm tốc độ tăng trưởng. Do vậy khi ao nuôi được tăng cường ôxy hòa tan bằng hệ thống sục khí sẽ giúp cá giảm tiêu tốn năng lượng, giảm stress, cải thiện tốc độ sinh trưởng, tăng mật độ nuôi; nâng cao sản lượng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá”.
3. Từ tháng 7-2013, thông qua dự án “Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại VN”, với nguồn tài trợ 850.000 USD của Đại sứ quán Đan Mạch tại VN, một hệ thống tiên tiến được triển khai tại Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ với mô hình Ao nuôi tuần hoàn nước, và trại cá của Công ty TNHH Thuận Hưng với mô hình Ao nuôi thử nghiệm. Dự án trên có mục tiêu: trình diễn các khả năng thực hiện nuôi cá tra thương phẩm bền vững; cải thiện môi trường nước trong ao nuôi bằng cách lắp đặt công nghệ nuôi tiên tiến cùng khả năng truy xuất nguồn gốc từ vùng nuôi đến chế biến; và giao Trường ĐH Cần Thơ, Công ty TNHH Thuận Hưng, và Trung tâm Chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản VN – Đan Mạch (VIDATEC) thực hiện. Điểm khác biệt giữa ao nuôi theo dự án với ao nuôi truyền thống là áp dụng công nghệ tuần hoàn nước và sục khí ôxy trong ao, kết hợp hệ thống lọc sinh học để tăng hàm lượng ôxy cho cá, hệ thống cho ăn tự động và xây dựng hồ thu chất thải rắn.
Qua 2 năm triển khai, dự án đã chứng minh tính hiệu quả: sản lượng của cá trong ao thực hiện dự án tăng 18,7 đến 29,3% so với cách nuôi truyền thống nên giúp giảm chi phí thức ăn, tăng sản lượng nuôi trên một đơn vị diện tích nuôi. Mô hình còn giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, thích ứng điều kiện địa lý, khí hậu của ĐBSCL. Đặc biệt, quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh, chỉ bổ sung khoáng, vitamine và tăng sức đề kháng.
Cuối tháng 5-2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), ĐH Cần Thơ, Trung tâm Chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản VN – Đan Mạch (VIDATEC), phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết dự án. Tại buổi tổng kết, các đại biểu thống nhất: công nghệ tiên tiến này góp phần giúp cá tra VN nâng cao giá trị gia tăng, tạo thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, dự án cần tập trung cải tiến thiết bị và ao nuôi phù hợp như giảm độ sâu, tìm giải pháp thu gom chất thải.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)