Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long: Làm mới để thu hút đầu tư

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC- Vĩnh Long 2013), ngày 25-11, Bộ KH-ĐT phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL 2013” thu hút hàng trăm đại biểu, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Nhiều vấn đề bức bách được đặt ra, trong đó làm thế nào để ĐBSCL hút được vốn đầu tư nhằm đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy kinh tế ở vùng đất đầy tiềm năng này phát triển…
        Nhiều hạn chế, tồn tại
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tính đến nay toàn vùng ĐBSCL có 802 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11 tỷ USD, chiếm gần 5% về số dự án và 2,2% về vốn đăng ký trong cả nước. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, các tỉnh thành ĐBSCL thu hút được 45 dự án FDI với số vốn 269 triệu USD, một con số khiêm tốn so với các vùng miền khác.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng, dù được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng với “vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản”, thế nhưng việc thu hút đầu tư ở ĐBSCL diễn ra ì ạch, chưa tương xứng với nhu cầu thực tế đặt ra. Có nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào ĐBSCL như hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ; kinh tế vùng phát triển chưa bền vững, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản luôn bấp bênh không ổn định; chuyển dịch cơ cấu còn chậm khiến hiệu quả sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chưa ổn định, sức cạnh tranh của những sản phẩm chủ lực bị hạn chế. Song song đó, nguồn nhân lực toàn vùng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, số lao động có tay nghề hạn chế; mô hình thu hút đầu tư chậm đổi mới không hấp dẫn nhà đầu tư.
Tỉnh Bến Tre kêu gọi đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa – thế mạnh của tỉnh.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, nhận định: “Sự liên kết của ĐBSCL để hút đầu tư còn yếu, sản xuất lúa gạo và thủy sản của vùng này vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún; chưa gắn kết đồng bộ giữa sản xuất và tiêu thụ một cách căn cơ ổn định. Có quá nhiều mặt hàng xuất khẩu ở dạng thô nên giá trị thu về thấp. Du lịch được xem là lợi thế của vùng ĐBSCL, nhưng tới nay chưa thể phát huy đúng tầm mức, nhất là nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn thấp”. Nhiều đại biểu cho rằng, đã đến lúc cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém của vùng ĐBSCL nhằm tìm ra hướng đi phù hợp trong tình hình mới.
        Mạnh dạn tạo đột phá
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhìn nhận, trong điều kiện cạnh tranh để thu hút đầu tư, ĐBSCL phải mạnh dạn làm mới chính mình. Phải đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, trong quy hoạch… nhằm tạo ra một môi trường đầy hấp dẫn để hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Điều đáng mừng là gần đây nhiều địa phương có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng được những đòi hỏi của nhà đầu tư; nhờ đó mà chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) ở ĐBSCL tăng đáng kể. “Chúng tôi đặt ra phương châm nhất quán là “đồng hành cùng doanh nghiệp”, lấy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, sự tăng trưởng kinh tế cùng mức cải thiện thu nhập của người dân để làm thước đo cho sự điều hành của địa phương mình. Nhà đầu tư không chỉ đơn thuần mang tới nguồn vốn, tạo ra công ăn việc làm, ủng hộ công tác xã hội… mà luôn trân trọng nhà đầu tư bởi những tư duy nhạy bén, năng động về thông tin, về thị trường… đã giúp tỉnh rất nhiều trong điều hành kinh tế”- ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ. Thời gian qua Đồng Tháp đã chuyển một cách đồng bộ từ thủ tục hành chính đơn giản đến điều kiện hạ tầng, đất đai, vùng nguyên liệu… phù hợp, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến làm ăn hiệu quả. Đồng Tháp đứng đầu về chỉ số PCI năm 2012 là một minh chứng cho sự đột phá hiệu quả.
Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty Cỏ May (ở KCN Sông Hậu, Đồng Tháp), bộc bạch: “Trong thời buổi sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, ngoài chuyện cần nguồn vốn thì doanh nghiệp rất mong đợi sự đồng hành, động viên, chia sẻ từ bộ máy chính quyền. Vấn đề này các ngành chức năng ở Đồng Tháp làm rất tốt, nhờ đó mà nhiều doanh nghiệp an tâm về đây đầu tư xây dựng nhà máy”.

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Công ty De Heus Việt Nam (một tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi của Hà Lan), cho rằng: “Sau khi đầu tư nhà máy thủy sản ở Vĩnh Long với số vốn hơn 12 triệu USD hoạt động hiệu quả, thì năm 2014 sẽ đầu tư thêm một nhà máy nữa với nguồn vốn 15 triệu USD nhằm đón đầu sự phát triển của vùng này. Ngoài các cơ chế chính sách động viên nhà đầu tư thì các ngành chức năng nên nghiên cứu đầu tư vốn nhiều hơn để giúp nông dân sản xuất nông nghiệp, thủy sản gắn được với doanh nghiệp tiêu thụ. Phải làm sao giữa sản xuất và tiêu thụ gặp nhau, cùng đồng hành thì việc đầu tư vào ĐBSCL mới bền vững được”.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng ở ĐBSCL đạt khoảng 305.330 tỷ đồng, tăng hơn 11% so thời điểm cuối tháng 12-2012, chiếm 9,24% tổng dư nợ cho vay trong cả nước. Cái khó là làm thế nào để ngân hàng với doanh nghiệp và hộ nông dân cùng gặp nhau, nhằm tăng cường cung ứng vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Một khi môi trường làm ăn thuận lợi thì việc thu hút đầu tư sẽ chuyển biến tích cực.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh thành ĐBSCL trong việc thu hút đầu tư thời gian qua. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư để sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện… cho toàn vùng, tạo lực đẩy để ĐBSCL phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu những chính sách ưu đãi giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đầu tư dài hạn vào ĐBSCL. Quan điểm của Chính phủ là đồng hành cùng nhà đầu tư khi về làm ăn ở vùng đất tiềm năng này. Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thành ĐBSCL chú trọng khai thác lợi thế riêng của từng địa phương, từng nơi tạo ra sức hấp dẫn khác nhau để hút nhà đầu tư. Cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho nhà đầu tư đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tìm ra hình thức liên kết vùng hiệu quả nhất, nhằm tạo nên sức mạnh tổng thể để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư vào ĐBSCL.
theo SGGP

 

Bình luận (0)