Một lớp học mẫu giáo tại trường tư thục ở Cần Thơ
|
Vừa qua, tại tỉnh Hậu Giang, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức hội thảo “Giáo dục mầm non Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Thực trạng và giải pháp”. Tham dự có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và đại diện các vụ – ngành thuộc bộ, đại diện Bộ Tài chính, UBND và lãnh đạo sở GD-ĐT các tỉnh – thành trong khu vực.
Dốc sức tháo gỡ khó khăn
Ngay khi đi vào thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, các tỉnh – thành khu vực ĐBSCL đã không ngừng cố gắng nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, tập trung xây dựng CSVC, vận động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Điển hình, năm học 2010-2011, TP.Cần Thơ đã dành 100 tỷ đồng từ vốn xây dựng cơ bản để xây dựng các phòng học cho ngành GDMN. Tỉnh Cà Mau, dù đội ngũ giáo viên (GV) thiếu và yếu nhưng đến nay 100% các trường đã triển khai chương trình GDMN mới. Tỉnh Trà Vinh thì mời các vị sư chùa Khmer tham gia thuyết phục bà con đưa trẻ đến trường, đồng thời chỉ đạo các trường MN vùng dân tộc tìm mọi cách giúp trẻ em dân tộc ngày càng giao tiếp tốt bằng tiếng Việt. Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ ở vùng khó khăn ra lớp, tỉnh Đồng Tháp có mô hình nhóm trẻ cộng đồng và lớp mẫu giáo cộng đồng với 358 nhóm, lớp; kinh phí tỉnh chi cho các nhóm lớp này là 13 tỷ đồng/năm. Tỉnh Hậu Giang có mô hình giữ trẻ liên gia (12 nhóm với 370 cháu) do Hội Liên hiệp Phụ nữ kết hợp cùng ngành GD-ĐT tổ chức…
Nhờ những nỗ lực trên, năm học 2011-2012, toàn vùng có 1.687 trường mẫu giáo, nhà trẻ (169 trường đạt chuẩn quốc gia) với tổng số 14.875 phòng học (trung bình mỗi năm tăng hơn 700 phòng). Tỷ lệ huy động trẻ đến lớp tăng cao. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 95,5% (mục tiêu là trên 98%). Đội ngũ CB-GV-NV bậc học này cũng tăng đáng kể (31.460 người, tăng hơn 4.400 người so với năm học 2009-2010).
Không dễ “với” tới mục tiêu
Tuy nhiên, những thành quả trên chưa mang tính bền vững và còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1033/QĐ-TTg. Rất nhiều nơi, vì phải dành phòng học cho trẻ mẫu giáo, địa phương không còn lớp cho trẻ MN (lứa tuổi từ 1 đến 3). Theo đó, đến nay lứa tuổi mẫu giáo (từ 3 đến 4 tuổi) mới đạt 62,5% cháu ra lớp (mục tiêu đến năm 2015 đạt 70-75%). Mặt khác, tuy trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú tại trường tăng 29% so với năm học trước nhưng mới đạt 45% (bình quân cả nước đạt 72%). Số nhóm lớp học 2 buổi/ ngày rất thấp, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi mới đạt 46,3% (bình quân cả nước là 78,4%). Số trẻ tham gia chương trình GDMN mới chỉ đạt 64,6% (cả nước đạt 78,7%). Hiện ĐBSCL là vùng duy nhất trên cả nước còn thực hiện các chương trình ngắn hạn dành cho trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1, gồm 92 lớp dạy chương trình 36 buổi: Bạc Liêu (51 lớp), tỉnh Cà Mau (41 lớp); và 423 lớp dạy chương trình 26 tuần: Bến Tre (158 lớp), Trà Vinh (129 lớp), Cà Mau (136 lớp).
Dù số trường MN có tăng nhưng việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số địa phương còn hạn chế, toàn vùng còn 215 xã chưa có trường MN độc lập. Cả vùng còn 769 phòng tạm và 3.316 phòng học nhờ, chiếm 27,5% (cả nước tỷ lệ này là 18,98%). Điều kiện CSVC, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc chăm sóc, giáo dục trẻ thiếu thốn, gây khó khăn cho việc triển khai đại trà chương trình GDMN mới. Toàn vùng còn thiếu 2.284 GV: Tiền Giang (488 nguời), Cà Mau (253), Hậu Giang (248), Long An (212), Cần Thơ (200). Trong đó còn 15% GV chưa đạt chuẩn chuyên môn (cả nước tỷ lệ này là 5,8%).
Tính đến nay, còn hai tỉnh An Giang và Bạc Liêu chưa được phê duyệt Đề án kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. 11 tỉnh – thành còn lại, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, tuy đã được phê duyệt đề án nhưng một số địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động trong việc huy động các nguồn vốn cho triển khai thực hiện. Nhiều nơi thì xây dựng kế hoạch với kỳ vọng lớn, chưa chủ động xác định nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết để giải quyết từng bước nhằm đạt các mục tiêu cụ thể trong công tác phổ cập cho trẻ 5 tuổi.
Những kiến nghị cụ thể
Nhằm giải quyết những khó khăn trên, ngành GD-ĐT khu vực ĐBSCL đề nghị Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng tiếp tục duy trì chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2012-2015. Về vấn đề kinh phí thực hiện Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, có ý kiến: “Chúng tôi đề nghị nên có nguồn vốn riêng phân bổ cho các tỉnh; tăng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác phân bổ cho tỉnh, trong đó ưu tiên thực hiện Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đề nghị trong nguồn vốn phân bổ có kinh phí cho việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cần tham mưu các bộ liên quan để có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho việc mở trường MN tư thục”.
Liên quan đến vấn đề đội ngũ, trong đó có chức danh bảo mẫu, cấp dưỡng, tỉnh Kiên Giang đề xuất: Có thể tuyển dụng người chưa đạt chuẩn về trình độ văn hóa vào làm việc, từng bước cho học các khóa nâng cao trình độ, về chuyên môn lẫn văn hóa (trình độ đạt chuẩn là tốt nghiệp 12 + 2 năm trung cấp MN).
Về vấn đề huy động trẻ ra lớp, đại diện nhiều sở GD-ĐT đề nghị Bộ GD-ĐT duy trì và công nhận mô hình lớp mẫu giáo trong trường tiểu học, bởi với đặc thù vùng sông nước, dân cư sống rải rác, dù có xây dựng mỗi xã một trường MN cũng không thể giải quyết vấn đề khó khăn khi phụ huynh đưa trẻ đến trường. Thực tế đã chứng minh: Chính những lớp “học nhờ” này đã góp phần quan trọng để khu vực đạt hơn 95% trẻ 5 tuổi ra lớp hiện nay. Ông Ninh Thành Viên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh: “Vấn đề là lớp phải có phòng học riêng và được trang bị đầy đủ những thiết bị phục vụ việc nuôi – dạy trẻ như tại trường MN”.
Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các bộ – ngành, các tổ chức nghiên cứu đề xuất một chế độ tiền lương tương xứng với công việc của GVMN. Phía địa phương cũng cần nghiên cứu bổ sung chính sách và chế độ cho CB, GV. Vấn đề biên chế phải tính cụ thể và ban hành các định mức, quy chuẩn còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, thí dụ về giờ làm của GV, về định biên như chức danh bảo mẫu trong nhà trường. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông, đồng thời linh động tìm các nguồn, thực hiện xã hội hóa để tăng đầu tư cho GDMN. Vấn đề trường lớp cần linh hoạt vì trong khu vực, mỗi tỉnh – thành, mỗi xã đều có đặc thù riêng. Các tỉnh – thành cần có chương trình hành động cụ thể, khả thi trong việc triển khai Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị về phổ cập GD mẫu giáo 5 tuổi, và cố gắng huy động các cháu ra lớp, nhất là con em thuộc các gia đình đối tượng, con em bà con dân tộc. Bộ GD-ĐT sẽ dành những quan tâm cho các tỉnh khó khăn, trong đó sẽ ưu tiên khu vực Tây Nam bộ khi triển khai các chương trình, dự án, bao gồm những nguồn lực trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Đan Phượng
“GVMN làm việc vất vả suốt ngày với trách nhiệm rất lớn trong khi lương và các khoản phụ cấp chưa tương xứng. Do vậy, nếu không có cơ chế đặc thù để tăng thu nhập thì không đủ sức thu hút học sinh tốt nghiệp THPT vào học ngành MN”, NGƯT – TS. Đoàn Thị Bảy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau nói.
|
Bình luận (0)