Năm 2021, đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty, xí nghiệp ở khu vực phía Nam phải ngưng sản xuất. Trong đó các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều công ty thủy sản “chết lên chết xuống”, kéo theo đó hàng loạt nông dân nuôi tôm cá cũng điêu đứng. Để đảm bảo sinh kế cho người nông dân cũng như tăng giá trị thủy sản Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL cần nỗ lực hơn nữa để con tôm, con cá được “bơi ra biển lớn”…
Chế biến xuất khẩu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long
Sống sót giữa đại dịch
Có thể nói, Công ty TNHH thủy sản Hùng Cá (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) là một trong số ít các công ty xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL cầm cự được trong đại dịch Covid-19. Năm 2021, 9 nhà máy của công ty liên tục sản xuất, đưa sản phẩm cá tra đến với thị trường nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu. 6.000 công nhân được giữ nguyên mức thu nhập và tiền thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Năm qua, công ty đã xuất 90.000 tấn cá tra, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD. Hiện tại công ty đang mở rộng sản xuất với gần 8.000 công nhân, người lao động.
Ông Trần Văn Hùng – Tổng Giám đốc công ty – cho biết: “Thời điểm dịch căng thẳng, các nhà máy đều thực hiện 4 tại chỗ, tạo môi trường an toàn để công nhân an tâm ở lại sản xuất. Ban giám đốc ăn, ở cùng công nhân; chăm lo cho họ và gia đình của họ, động viên mọi người chấp hành tốt quy tắc 5K… Thực hiện 4 tại chỗ khiến chi phí sản xuất tăng rất cao, công ty làm ăn hầu như không có lãi nhưng chúng tôi rất vui vì đã giữ vững và mở rộng thị trường, đem lại công ăn việc làm, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều người lao động. Năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, công ty nhận được nhiều đơn hàng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhờ vậy anh chị em công nhân rất phấn khởi vì thu nhập sẽ tăng”.
Bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho rằng, sở dĩ Công ty Hùng Cá ngày càng mở rộng thị trường vì sản phẩm của công ty đạt chất lượng, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, ao nuôi được cấp mã số, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Công ty có vùng nguyên liệu riêng, quy trình chăn nuôi và sản xuất chế biến khép kín, trong đó công ty tự sản xuất thức ăn cho cá nên sản lượng nuôi trồng và hiệu quả sản xuất rất cao.
Theo thống kê, năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước đạt 4,81 triệu tấn, tăng 1,1 % so với năm 2020; trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay tất cả thị trường xuất khẩu cá tra đang tốt dần lên, kéo theo giá cá tra thương phẩm cũng tăng lên mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021.
Bà Lan nhận định: “Thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt, trong đó 4 nhóm thị trường chính: Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), CPTPP (13%), EU (6,6%) chiếm đến 73,6% thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam, đều có khả năng tăng trưởng cao trong năm 2022. Giá cá xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, logistics, lao động… Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so với năm 2021”…
Đa dạng sản phẩm, thị trường xuất khẩu
Năm 2022, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vắc-xin cho toàn dân được thực hiện hiệu quả, dịch Covid-19 được kiểm soát. Đồng thời, nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng thủy sản gia tăng cũng là động lực thúc đẩy sản xuất phục hồi và tăng trưởng, trong đó giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất. Năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất 1,6-1,7 triệu tấn cá thương phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng nóng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng; sẽ tăng số người tham gia nuôi cá, dẫn đến nguy cơ gây mất cân đối cung cầu và có khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, khí hậu có thể tiếp tục diễn biến bất thường; hạn hán xâm nhập mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.
Tại Hội nghị trực tuyến và trực tiếp “Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022” vừa tổ chức tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt trong năm 2022, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ NN-PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đánh giá đúng thực trạng, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn để phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả bền vững.
Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT – đưa ra các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành cá tra. Cụ thể, tiếp tục triển khác các đề án nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất. Các tỉnh Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất; tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”; An Giang nhanh hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp…
Về phía các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần quan tâm xây dựng vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong giám sát quá trình sản xuất. Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, theo từng phân khúc thị trường. Đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Các địa phương thực hiện tốt việc hướng dẫn cơ sở nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh phù hợp trong nuôi cá tra và kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…
“Toàn ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biển – cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính. Xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra. Tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại để phát triển thị trường”, ông Luân nhấn mạnh…
Đan Phượng
Bình luận (0)