Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đồng bằng sông Cửu Long: Ô nhiễm môi trường từ nước lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, tại các địa phương đầu nguồn sông Cửu Long, nước lũ vượt đỉnh lịch sử gây ngập nặng, không chỉ làm giao thông bị tê liệt, mà còn khiến hàng ngàn hộ dân tản cư phải sống trong điều kiện “kinh khủng” do nguồn nước ô nhiễm.

Dọc quốc lộ 30 qua địa bàn các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, (Đồng Tháp), nước lũ làm ngập sâu hàng ngàn ngôi nhà, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân. Số hộ phải dựng chòi tạm sống cặp hai bên quốc lộ chờ lũ rút đông tới hàng ngàn.
Một bãi rác lộ thiên ngập lũ gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Ảnh: T.L
Gia súc, gia cầm cũng tản cư theo chủ. Nguồn nước sinh hoạt của bà con chỉ có thể lấy từ nước lũ hiện đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những người dân tản cư chạy lũ thở dài: “Biết là ô nhiễm, nhưng cũng đành chịu, vì đâu có nguồn nước nào khác”. Tại 2 bãi rác Phú Thọ, Tân Phú thuộc 2 huyện Tam Nông, Thanh Bình, mỗi bãi rộng hơn 3ha, từ nhiều ngày qua đã bị ngập sâu trong lũ khiến dòng nước xung quanh đen ngòm, chảy len lỏi đến các khu dân cư, bốc mùi nồng nặc.
Tại An Giang, hàng chục bãi rác tập trung tại các khu vực dân cư cũng gây ô nhiễm nặng nề. Ông Trần Anh Thư – Phó Giám đốc Sở TNMT – cho biết, nguồn ô nhiễm một phần là do xác gia súc, gia cầm bị chết trong lũ nên rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Trước thực trạng trên, ngành y tế 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp đều khuyến cáo người dân xung quanh bãi rác bị nước lũ tràn vào không nên sử dụng nước lũ làm nước sinh hoạt. Đối với các chuồng trại gia súc, gia cầm cần thu gom phân cho vào hố, cách xa nguồn nước sinh hoạt ít nhất 10m, rồi rải vôi bột hoặc tro bếp phủ kín bề mặt, lấp đất thật kỹ để đảm bảo vệ sinh.
Bác sĩ Võ Huy Danh – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang – cho biết, ngoài việc cấp thuốc Chloramine B cho các hộ dân khử trùng nước, lực lượng y tế còn đến tận nhà để khuyến cáo và hướng dẫn bà con.

Lũ tại TP.Long Xuyên đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Do ảnh hưởng triều cường nên nước lũ tại TP.Long Xuyên (An Giang) đã vượt đỉnh lũ cuối tháng 9 vừa qua và đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Mực nước cao nhất ngày 28.10 trên sông Hậu tại Long Xuyên là 2,81m –  cao hơn 0,18m so đỉnh lũ năm 2000, khiến nhiều tuyến đường nội ô bị ngập từ 0,1-0,4m.    L.T 
Đồng Tháp: Trường THPT đầu tiên thực hiện nghỉ lũ. Bắt đầu từ 28.10, Trường THPT Lai Vung 2 (huyện Lai Vung) trở thành trường THPT đầu tiên của tỉnh cho học sinh tạm nghỉ học do lũ, sau thời gian dài chỉ áp dụng cho các trường thuộc hệ mầm non, tiểu học và THCS trong phạm vi toàn tỉnh.   L.T
 Vĩnh Long: Triều cường gây sạt lở, vỡ nhiều bờ bao, đập. Tin từ Ban Chỉ huy PCLBTKCN tỉnh ngày 28.10, đợt triều cường mấy ngày nay đã gây sạt lở, vỡ 33 đoạn bờ bao (trên 3.200m), nước tràn qua 44 tuyến bờ bao thủy lợi (trên 61.570m), trên 100 đập bị tràn, 34 đập bị sạt lở và vỡ.     L.N.G
Hậu Giang: Lũ gây thiệt hại hơn 116 tỉ đồng. Ngày 28.10, mực nước đo được tại thị xã Ngã Bảy hiện 1,56m – cao hơn đỉnh lũ năm 2010 là 20cm. Lũ kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vùng mía nguyên liệu của tỉnh (gần 13.500ha) và 1.400ha vườn cây ăn trái; trong đó, có khoảng 650ha mía bị chết do ngập nước. Thiệt hại do lũ tính tới thời điểm này ước hơn 116 tỉ đồng.     L.N.G
Sóc Trăng: Hơn 270m đê biển xung yếu bị sạt lở. Triều cường lên cao gây sóng lớn trong đêm 27, rạng 28.10 đã làm sạt lở hơn 270m đê biển thuộc huyện Vĩnh Châu. Đặc biệt tại 2 điểm xung yếu là khu vực cống số 2 (xã Lai Hòa) và cống số 4 (xã Vĩnh Tân) cũng bị sạt lở. Trước đó, chỉ sau 4 con nước ròng trong hai ngày 26-27.10, tại huyện Cù Lao Dung cũng đã có 122 đoạn đê bao cồn bị vỡ. Theo báo cáo nhanh sáng 28.10 của Ban chỉ huy PCLB huyện, lại có thêm 50 đoạn đê bao bị vỡ, nâng tổng số lên 162, gây ngập úng khoảng 1.100ha đất sản xuất, chủ yếu trồng mía, ước giảm năng suất hơn 10%.    PHƯƠNG QUANG

Trần Lưu
Theo Lao Dong

 


 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)